Bác sĩ phụ khoa kể chuyện 5 năm theo đuổi cô tiểu thư Sài Gòn và cuộc sống vợ chồng ít ai biết

DIỆU THUẦN - Ngày 07/03/2024 18:00 PM (GMT+7)

Trên trang cá nhân, ngoài chia sẻ những ca bệnh do mình điều trị thành công,TS.BS Bùi Chí Thương dành hầu hết các bài viết cho vợ - người anh coi là "món quà trời ban".

Chàng sinh viên y khoa quyết tâm theo đuổi cô bạn chung bàn

Đến nay, TS.BS Bùi Chí Thương, trưởng Khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã có hơn 20 năm đỡ đẻ, phẫu thuật thành công các ca sinh khó, các bệnh phụ khoa. Trên trang cá nhân, ngoài chia sẻ về các ca bệnh mình điều trị thành công, vị bác sĩ còn dành phần lớn bài viết có cánh cho vợ mình - TS.BS Nguyễn Thị Kiều Thơ, giảng viên Đại học Y dược TP.HCM.

Bác sĩ Thơ cũng thường xuyên đăng những hình ảnh chụp chung với chồng, kèm các chú thích ngọt ngào, tình cảm trên trang cá nhân.

“Tôi viết toàn những chuyện xảy ra trong cuộc sống của vợ chồng. Đó cũng là một trong những cách tôi tạo hạnh phúc với vợ”, bác sĩ Thương nói với chúng tôi trong cuộc gặp vào một ngày đầu tháng 3. 

Vợ chồng TS.BS Bùi Chí Thương trong lần đi du lịch gần đây. Ảnh: NVCC.

Vợ chồng TS.BS Bùi Chí Thương trong lần đi du lịch gần đây. Ảnh: NVCC.

Theo bác sĩ Thương, vợ là món quà trời ban cho anh, vì vậy anh luôn trân trọng và muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho chị.

Hồi còn là sinh viên y khoa tại Trường Đại học Y dược TP.HCM, anh chị ngồi chung bàn, học chung lớp. “Lúc đó, tôi mới từ Cà Mau lên thành phố học, người ốm nhom, có bộ quần áo phải mặc đi mặc lại. Cô ấy có bố mẹ là bác sĩ, là dân thành phố nhưng rất giản dị, nói chuyện vui vẻ và hòa đồng với mọi người” , bác sĩ Thương nhớ lại.

Khi biết anh là sinh viên nghèo, phải đi làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống sinh viên và có suy nghĩ mặc cảm về hoàn cảnh của mình, chị Thơ chủ động bắt chuyện, ngồi chung bàn để có thể học, trao đổi tài liệu, thảo luận các chủ đề do giảng viên đưa ra. “Tôi bắt đầu thích và yêu nàng khi bước sang năm 2 đại học, nhưng cô ấy không nhận lời”, bác sĩ Thương  nhớ lại.

Bác sĩ Thương và vợ có cùng chuyên môn nên hay trao đổi, chia sẻ với nhau về công việc. Ảnh: NVCC.

Bác sĩ Thương và vợ có cùng chuyên môn nên hay trao đổi, chia sẻ với nhau về công việc. Ảnh: NVCC.

Dù bị từ chối nhiều lần, chàng sinh viên y khoa vẫn quyết tâm theo đuổi vì "yêu cách sống giản dị, tính cách hòa đồng, nói chuyện vui vẻ của nàng”.

Cho đến khi là sinh viên năm thứ 6, anh mới được bạn gái chấp nhận lời yêu. 5 năm sau, họ mới kết hôn. 

Khi đã về chung một nhà, bác sĩ Thương mới biết rằng, thật ra, anh đã được vợ ngưỡng mộ từ hồi ngồi chung bàn vì đức tính chăm chỉ, có chí, thi lần nào cũng đạt điểm khá dù tan học lại phải bôn ba đi làm thêm. Tuy nhiên, chị không thể hiện vì muốn hai người giữ tình bạn để cùng nhau học, cùng nhau cố gắng. Hơn nữa, chị là người Sài Gòn, anh ở Cà Mau, khi cả hai ra trường, nếu phải làm việc hai nơi sẽ rất khó. Cho đến khi hai người tốt nghiệp, cùng trở thành bác sĩ nội trú và giảng viên tại Trường đại học Y dược TP.HCM, chị mới chấp nhận lời cầu hôn của anh.

“Thử thách của cô ấy dành cho tôi có tính toán, nhưng rất đáng yêu và đáng trân trọng. Đó cũng là cách giúp tôi biết cố gắng hơn”, bác sĩ Thương nói với giọng hạnh phúc.

Bác sĩ Thương cho biết, anh yêu vợ vì chị có tính cách hòa đồng, luôn vui vẻ và tin tưởng chồng. Ảnh: NVCC.

Bác sĩ Thương cho biết, anh yêu vợ vì chị có tính cách hòa đồng, luôn vui vẻ và tin tưởng chồng. Ảnh: NVCC.

Vợ chồng bác sĩ cũng có lúc chủ quan với sức khỏe 

Bác sĩ Thương cho biết, từ khi là vợ chồng, lần anh lo nhất cho sức khỏe của vợ là khi chị mang thai đôi. Hồi đó, chị có bầu ở tuần thứ 9 thì giữa khuya bị khó ngủ vì đau bụng. Thấy vợ lăn qua lăn lại, tay ôm bụng, mặt nhăn nhó, anh vận dụng các kiến thức y khoa và nhận định, vợ bị viêm ruột thừa. “Phụ nữ đang mang thai mà bị viêm ruột thừa là rất dễ sảy thai. Hơn nữa, nếu ruột thừa bị vỡ thì nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Lúc đó, tôi rất sợ”, bác sĩ Thương kể, giọng chùng xuống.

Anh gọi ngay cho đồng nghiệp rồi nhanh chóng đưa vợ đi cấp cứu. Từ các kết quả chụp chiếu, xét nghiệm, vợ anh được chẩn đoán chính xác bị viêm ruột thừa có mủ, cần phẫu thuật ngay. 

“Thơ được thầy của tôi mổ nội soi. Đáng lẽ, bác sĩ không được mổ cho người nhà, nhưng tôi vẫn xin vào phụ mổ cho vợ. Là bác sĩ sản phụ khoa, từng mổ cho rất nhiều phụ nữ mang thai, nhưng khi làm việc đó cho vợ, tôi lo vã mồ hôi. Nhưng rồi tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, vừa theo dõi ca mổ vừa trò chuyện với ê kíp để không khí bớt chùng xuống, một phần trấn an mọi người và chính mình”, bác sĩ Thương xúc động nhớ lại.

Theo vợ chồng bác sĩ Thương, hạnh phúc của vợ chồng phải do hai người cùng vun đắp. Ảnh: NVCC.

Theo vợ chồng bác sĩ Thương, hạnh phúc của vợ chồng phải do hai người cùng vun đắp. Ảnh: NVCC.

Ca phẫu thuật thành công, và khi sức khỏe ổn định, bác sĩ Thơ được về nhà nghỉ ngơi, dưỡng thai. “Lúc xuất viện về nhà, vì vui quá, vợ tôi quên uống thuốc kháng sinh dẫn đến bị sốt trở lại. May quá, tôi là bác sĩ nên trở tay kịp. Nếu lúc đó, uống thuốc trễ một chút nữa, vợ tôi có thể sảy thai. Nghề bác sĩ của chúng tôi nhiều khi vậy đó. Mình khám, điều trị, dặn dò kỹ càng cho người bệnh nhưng chính mình đôi khi lại mắc sai lầm”, vị bác sĩ phụ khoa chia sẻ.

Thay đổi thói quen ăn uống để làm vợ vui và tốt cho sức khỏe chính mình

Từ khi lấy vợ, bác sĩ Thương đã bỏ thói quen ăn nhiều cơm cho phù hợp với vợ, tốt cho sức khỏe. Ảnh: NVCC.

Từ khi lấy vợ, bác sĩ Thương đã bỏ thói quen ăn nhiều cơm cho phù hợp với vợ, tốt cho sức khỏe. Ảnh: NVCC.

Cũng giống như nhiều đôi khác, vợ chồng bác sĩ Thương từng xảy ra mâu thuẫn trong mấy năm đầu kết hôn, chủ yếu là do thói quen ăn uống, tính cách hay những góp ý trong công việc của nhau.

Anh chia sẻ, khi còn ở quê, mình thường ăn cơm là chính. Sau khi lên thành phố học, lấy vợ, anh vẫn giữ thói quen này. Tuy nhiên, bác sĩ Thơ thích ăn vặt và các món có nước như bún riêu, bún bò, hủ tiếu và phở… Vì điều này, nhiều bữa cơm của hai vợ chồng có “vấn đề” và ít khi cả hai có thể đi ăn chung. 

Khi đọc các tài liệu nghiên cứu, bác sĩ Thương nhận thấy, ăn nhiều tinh bột không tốt cho sức khỏe, nhất là những người đang làm công việc như anh. Vì vậy, anh quyết định ăn ít cơm lại, tập dần ăn các món vợ thích. Dù ban đầu mỗi khi ăn phở, hủ tiếu hay bún bò… anh thấy khó ăn, có lúc còn bị đầy bụng nhưng sau đó cũng thành quen.

Mâu thuẫn hay xảy ra nhất giữa hai vợ chồng anh thường liên quan đến công việc, chuyên môn, khi cả hai đều là bác sĩ và có cái tôi lớn. Những lúc như vậy, anh thường chủ động làm hòa hoặc "nhịn". Có lần thấy vợ giận, không thèm nhìn hay nói chuyện với mình, bác sĩ Thương hỏi vu vơ khiến vợ không thể không chú ý. “Lúc đó, vợ cũng nhận ra chồng đã nhường và chủ động làm hòa nên cũng nguôi giận”, anh nói.

Bác sĩ Thương và vợ thường đi du lịch cùng nhau để là mới hạnh phúc. Ảnh: NVCC.

Bác sĩ Thương và vợ thường đi du lịch cùng nhau để là mới hạnh phúc. Ảnh: NVCC.

Theo bác sĩ Thương, trong cuộc sống vợ chồng, nếu ai cũng giữ cái tôi của mình, không biết nhường nhịn hay không biết khéo léo pha trò và chủ động làm hòa để phá vỡ sự căng thẳng thì sẽ rất dễ ly tán. Hạnh phúc vợ chồng không phải tự nhiên có, mà phải do 2 người cùng nhau tạo nên và vun đắp mới thành. 

Để làm được điều đó, ngoài dành những lời chân thành cho nhau, vợ chồng bác sĩ Thương ngày nào cũng cùng nhau đi bộ 1 giờ, có thời gian rảnh là cả nhà đi du lịch, hay cùng nhau thưởng thức món ngon. Mỗi khi cần giải quyết việc gì, cả hai ngồi lại nói chuyện, cùng đưa ra ý kiến, góp ý cho nhau. “Theo tôi, cuộc sống hôn nhân nên tin tưởng vào nhau, vì chữ tín sẽ làm gia đình luôn bền vững”, bác sĩ chia sẻ.

Bác sĩ phụ khoa kể chuyện 5 năm theo đuổi cô tiểu thư Sài Gòn và cuộc sống vợ chồng ít ai biết - 7

Bác sĩ Nhật Bản: Làm việc này 18 phút đốt mỡ tương đương chạy bộ nửa giờ, thúc đẩy trao đổi chất
Không tốn nhiều thời gian và sức lực nhưng hiệu quả của phương pháp tắm ngâm 3.3.3 của bác sĩ người Nhật có thể giúp đốt cháy 300 calo, ngang với chạy...

Giảm cân

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề My Eva