Sau khi sinh con thứ 2, chị Hồng Ngọc bị tăng cân mất kiểm soát, người hay nhức mỏi và bị đau dạ dày nên quyết định tập vẩy tay dịch cân kinh để rèn luyện sức khỏe, giảm cân.
Từng xấu hổ vì béo và bụng bự
Chị Hồng Ngọc (50 tuổi), trước đây là giáo viên dạy tiểu học ở TP.HCM nhưng nay đã chuyển sang tự kinh doanh. “Hiện sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường. Trong đợt khám sức khỏe định kỳ mới đây, các chỉ số xét nghiệm, chụp chiếu của tôi bác sĩ đều khen tốt”, người phụ nữ sinh năm 1974 mở đầu câu chuyện.
Ở tuổi 50, chị Hồng Ngọc được nhiều người khen vẫn trẻ đẹp như cô gái 30. Ảnh: NVCC.
Chị kể, gia đình chị có gen béo phì, dễ tăng cân. Bản thân chị khi còn con gái có thân hình cân đối, do chị ăn uống điều độ, thường xuyên vận động.Tuy nhiên, sau khi sinh con thứ hai vào năm 2011, chị bị tăng cân mất kiểm soát. “Lúc đó, tôi cao 1m52, mà nặng hơn 65kg. Nhìn người tôi to mập, bụng bự, xấu lắm”, chị Hồng Ngọc nhớ lại.
Cũng thời gian đó, ba chị mất vì tiểu đường, mẹ chị cũng được chẩn đoán mắc bệnh này. Một lần đi khám, chị Hồng Ngọc được bác sĩ khuyến cáo cần giảm cân, nếu không cũng sẽ đối mặt với căn bệnh như cha mẹ mình.
“Lúc đó, tôi cũng bị mất ngủ, đau dạ dày, người nhức mỏi”, chị Hồng Ngọc nhớ lại. Sau khi con được hơn 1 tuổi, chị quyết định phải giảm cân để lấy lại vóc dáng, bảo vệ sức khỏe cho mình.
Chị cố gắng ăn uống điều độ, tăng cường nhiều rau xanh, trái cây trong mỗi bữa ăn. “Tôi cho phép mình ăn thoải mái, đa dạng thực phẩm và những món mình thích nhưng chú trọng vào số lượng thực phẩm một ngày mình đưa vào bao nhiêu để có thể giảm cân hiệu quả”, chị Hồng Ngọc chia sẻ.
Về vận động, thời gian đầu, chị chọn tập yoga, sau đó chuyển sang đẩy tạ, tập aerobic. Các bài tập này, mỗi ngày chị tập khoảng 1 giờ.
Chị Ngọc luôn chú ý tới việc duy trì sức khỏe và vóc dáng. Ảnh: NVCC.
Kiên trì làm một động tác hơn 11 năm
Ngoài các bài tập trên, chị Hồng Ngọc còn tập bài vẩy tay dịch cân kinh để rèn luyện sức khỏe. “Tôi tập bài này được hơn 11 năm. Ngày nào tôi cũng tập 30 phút. Ban ngày bận, tôi tranh thủ tập ban đêm”, người mẹ 2 con chia sẻ.
Chị Hồng Ngọc kể, bắt đầu biết đến bài tập vẩy tay theo dịch cân kinh vào năm 2012. Lúc đó, trong gia đình chị có một người dì có khối u to ở tay. Ngoài điều trị tây y, dì chị còn được bác sĩ hướng dẫn tập vẩy tay dịch cân kinh và thấy hiệu quả. “Hiện khối u ở tay của dì tôi không còn nữa”, chị Hồng Ngọc cho biết.
Khi tìm hiểu và tham khảo ý kiến bác sĩ, chị Hồng Ngọc thấy, vẩy tay theo dịch cân kinh bắt nguồn từ Trung Quốc và được thực hành rộng rãi trên thế giới. Bài tập này dễ tập, chỉ cần vẩy tay nhẹ nhàng từ trước ra sau kết hợp với kiễng chân, bóp bụng và hít thở nhẹ nhàng. Tác dụng của nó là giúp người tập tăng cường sức khỏe, giúp lưu thông máu và ngừa được nhiều bệnh tật. Vì vậy, chị đã mua sách về đọc và tập theo hướng dẫn.
Theo các bác sĩ, tập vẩy tay theo dịch cân kinh cần tham khảo ý kiến bác sĩ và nguồn hướng dẫn tập uy tín. Ảnh minh họa.
“Vẩy tay dịch cân kinh đơn giản, nhưng cần kiên trì và ngày nào cũng tập. Nếu mình tập bao nhiêu năm, chỉ cần nghỉ vài ngày thôi cũng thành công cốc. Hơn 11 năm qua, với bài tập khác tôi có thể thay đổi để phù hợp với công việc, thời gian sắp xếp tập. Nhưng với vẩy tay theo dịch cân kinh, tôi luôn tuân thủ và sẽ theo nó mãi” chị Hồng Ngọc chia sẻ.
Nhờ kiên trì tập luyện, ăn uống điều độ, chị Hồng Ngọc đã giảm từ 65kg xuống 50kg trong hơn một năm và luôn giữ được dáng người cân đối trong những năm qua. Điều đặc biệt, ở tuổi 50, chị có dáng người cân đối, làn da trắng mịn và hồng hào.
Theo bác sĩ Trần Quang Khang, Bệnh viện Quân Y 175, bài tập vẩy tay theo dịch cân kinh có nguồn gốc từ Trung Quốc, do Sư Tổ Đạt Ma biến thể từ môn võ Thiếu Lâm để tập cho các đệ tử muốn tập võ nhưng lại có thể trạng yếu. Cách tập này rất đơn giản, chỉ cần kiên trì tập vẩy tay đúng phương pháp là sẽ giúp người tập ăn ngon, ngủ tốt, gân cốt thư thái, sức khỏe tăng cường. Đặc biệt, nó hỗ trợ người tập thuyên giảm được bệnh suy nhược thần kinh, cao huyết áp, hen suyễn, các bệnh tim mạch, dạ dày, đường ruột, thận, gan, ống mật, trĩ nội, thoái hóa cột sống, thoái hóa xương khớp và nhiều bệnh khác.
Nhờ kiên trì tập luyện, ăn uống điều độ, hiện chị Hồng Ngọc có dáng người cân đối. Ảnh: NVCC.
Bác sĩ Khang cho biết, vẩy tay theo dịch cân kinh đang được các bác sĩ Khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Quân y 175 hướng dẫn cho các bệnh nhân sau điều trị tập luyện mỗi ngày, nhất là các bệnh nhân bị xương khớp, ung thư... Tuy nhiên, bác sĩ Khang khuyến cáo, những người bình thường muốn áp dụng bài tập này thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tập đúng, đủ và kiên trì.
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cũng cho rằng, bài tập vẩy tay theo dịch cân kinh là bài tập được lưu truyền phổ biến đơn giản nhất trong các nội dung bài tập dịch cân kinh. Tuy nhiên, tập ra sao và tập như thế nào để có tác dụng tốt nhất thì còn phải phụ thuộc vào việc người tập chọn cái gì, sức khỏe thể chất ra sao.
Bác sĩ Vũ lưu ý, việc chúng ta tự ý tập bài tập này không qua tham khảo ý kiến của bác sĩ thì có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của mình nhiều hơn là có lợi. Vì vậy, bác sĩ Vũ khuyến cáo, những người muốn áp dụng bài tập này nhằm mục đích chữa bệnh và ngừa bệnh thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ và tìm nguồn hướng dẫn tập rõ ràng, uy tín.
Ngoài ra, chúng ta cần tập đúng, đủ và thường xuyên thì mới có tác dụng. “Nếu tập đúng và đủ, bài tập này có thể giúp người tập lưu thông máu, giảm cân, ngừa được nhiều bệnh hiệu quả”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.