Một bé trai 1 tuổi bị bỏng nước sôi, ban đầu tình trạng không quá nặng cho đến khi cha mẹ đưa ra một quyết định sai lầm khiến con mất mạng.
Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con trẻ bị bỏng không bao giờ nghĩ tới việc đưa đến bệnh viện mà sẽ tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian như đổ xì dầu, muối, đường trắng, rượu trắng, kem đánh răng, gel lô hội… lên vết bỏng của trẻ. Những phương pháp điều trị tại nhà này thực tế chẳng có tác dụng mà thậm chí còn gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
Cách đây không lâu, một thảm kịch đã xảy ra: Bé trai 1 tuổi đã tử vong chỉ vì những bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng đó.
Vào ngày 29/8/2020, tờ The Paper đưa tin một bé trai tên Bảo Bảo ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã phải nhập viện sau khi bị nước sôi đổ vào chân. Tuy nhiên một quyết định sai lầm sau đó của cha mẹ đã dẫn tới cái chết của đứa trẻ.
Bé trai bị bỏng do vô tình đổ ấm nước sôi vào chân. (Ảnh minh họa)
Vào tháng 5, khi Bảo Bảo đang bò quanh nhà, vô tình làm lật chiếc ấm chứa nước đun sôi khiến nước nóng đổ trực tiếp vào chân, gây bỏng với diện tích 10%, mức bỏng độ 2. Sau khi phát hiện con mình bị bỏng nước sôi, cha mẹ Bảo Bảo đã lập tức đưa bé đến bệnh viện để điều trị.
Sau 1 tuần Bảo Bảo nhập viện, người cha thấy chỉ chi phí điều trị đã tốn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 34 triệu). Vì cảm thấy chi phí khám chữa bệnh quá cao và nghĩ rằng con trai dù có chữa khỏi cũng để lại di chứng nên cha mẹ Bảo Bảo nhất quyết làm thủ tục xuất viện cho con.
Sau khi xuất viện, cha mẹ Bảo Bảo đưa con tới gặp một thầy lang ở địa phương có tiếng chữa bỏng không để lại sẹo. Thầy lang này nhìn thấy vết thương của Bảo Bảo liền khẳng định rằng sau khi chữa trị chắc chắn đứa trẻ sẽ không bị di chứng. Bố mẹ của Bảo Bảo nghe được vô cùng mừng rỡ nhưng không biết rằng đó là sai lầm chết người.
Loại thuốc bột mà thầy lang dùng để bôi lên vết bỏng cho bé trai.
Nơi chữa bỏng và pha chế thuốc của thầy lang không đảm bảo vệ sinh.
Thầy lang đã bôi cho Bảo Bảo một loại bột được xem là phương thuốc bí truyền của tổ tiền. Sau khi bắt đầu điều trị, Bảo Bảo bị sốt liên tục. 24 ngày sau, Bảo Bảo có các biểu hiện như trợn mắt, môi trắng bệch. Cha mẹ của Bảo Bảo thấy có điều gì đó không ổn nên ngay lập tức đưa con đến viện nhưng đã quá muộn, Bảo Bảo không thể cứu được nữa.
Trên thực tế, phương thuốc của tổ tiên mà vị “lang băm” này nói không phải là một công thức bí mật nào cả. Nó được làm từ các thành phần như dầu mè, nhựa thông,… Điều tồi tệ hơn nữa là thầy lang được quảng cáo là có tiếng trong việc chữa bỏng này không có bằng cấp chuyên môn. Nơi khám chữa bệnh không hề đảm bảo vệ sinh, không đủ phương tiện chữa bệnh. Tất cả những yếu tố trên đã khiến cậu bé 1 tuổi tử vong do nhiễm trùng vết bỏng nặng và sốc nhiễm trùng.
Cuối cùng, thầy lang đã phải bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,4 tỷ) và toàn bộ chi phí y tế. Đồng thời cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Sau 24 ngày dùng phương pháp của thầy lang, bé trai đã tử vong do sốc nhiễm trùng. (Ảnh minh họa)
Cách sơ cứu bỏng đúng cách
Trẻ nhỏ hiếu động dễ gặp các tai nạn như bỏng, ngã,... Các bậc phụ huynh cần có những kiến thức sơ cứu cơ bản để có thể kịp thời xử lý những tình huống này.
Trong trường hợp trẻ bị bỏng, cha mẹ nên thực hiện theo các bước sau:
- Sau khi trẻ bị bỏng, hãy ngay lập tức rửa sạch bằng nước lạnh trong ít nhất 20 - 30 phút để làm tản nhiệt và giảm tổn thương sâu cho vùng da.
- Trong khi rửa bằng nước lạnh, hãy cởi bỏ quần áo che vết bỏng. Nếu không dễ xử lý, hãy cắt bằng kéo để tránh sợi vải dính vào vết bỏng. Nếu quần áo đã dính chặt vào da, đừng kéo mạnh, nếu không sẽ gây tổn thương da cục bộ.
- Khi trẻ chưa hết đau, có thể dùng nước lạnh để ngâm, tùy trường hợp từ 10 đến 30 phút. Nhớ dùng nước lạnh, đừng thêm đá vì có thể làm tổn thương thêm vùng da bị bỏng.
- Che vùng bỏng bằng gạc sạch để giảm kích ứng bên ngoài và nhiễm trùng. Nếu vùng bỏng có vết thương và mụn nước rõ ràng, không nên tự ý chữa trị mà nên đi khám để được điều trị.
- Nếu nốt bỏng nhỏ và nhẹ, có thể tự quan sát tại nhà. Nếu có mụn nước và vết thương lớn hãy đến ngay bệnh viện để các bác sĩ chuyên môn tiến hành.
Khi bị bỏng nên ngâm hoặc xả nước mát vào vết thương. (Ảnh minh họa)
Những việc không nên làm khi bị bỏng
- Không được chườm trực tiếp đá viên lên vùng bị bỏng;
- Không nên dùng thuốc tím, thuốc đỏ, vì sẽ dễ gây cản trở đến nhận định của bác sĩ;
- Cha mẹ không được sờ, chà xát vết thương, nặn mụn nước;
- Không nên dùng cồn, muối để xử lý vết thương, vì vết thương càng rát, chắc chắn trẻ sẽ quấy khóc;
- Sau khi bị bỏng, không được ép buộc cởi bỏ quần áo trên phần bị bỏng mà nhẹ nhàng cởi hoặc cắt quần áo cho bé trong quá trình ngâm vết bỏng trong nước mát;
- Không sử dụng các chất tạo màu như kem đánh răng, xà phòng, nước tương, rượu, giấm ... để xử lý vết thương, vì những thứ này không thể làm tình trạng thuyên giảm mà còn có thể gây nhiễm khuẩn trên bề mặt vết thương và ảnh hưởng đến kết quả nhận định chính xác của bác sĩ.
Vào mùa hè và mùa thu, quần áo mỏng và da tiếp xúc nhiều nên một khi bị bỏng nước, tình trạng có xu hướng nghiêm trọng hơn các mùa khác. Vì vậy, ngoài việc không mù quáng sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị vết thương, cha mẹ cũng nên phòng tránh các yếu tố có thể gây bỏng cho trẻ.
Ví dụ, không đặt phích nước, ấm đun nước, tách trà, canh nóng, bàn là điện và các vật dụng khác ở nơi bé có thể lấy được.
Ngoài ra, khi đi ăn, không nên để bé ngồi ở vị trí phục vụ hoặc hành lang, vị trí tương đối an toàn thực sự là ghế cho bé, ghế cạnh cửa sổ hoặc tường. Ngoài ra, bát canh nên để càng xa bé càng tốt, không cho bé chạy đi chạy lại trong quán.