Nếu bạn cho rằng mình béo và nhịn ăn đến suy kiệt sức khỏe, rõ ràng bạn đang mắc sai lầm nghiêm trọng.
Giảm cân là một nhiệm vụ khó khăn với đa phần những người nghĩ rằng mình thừa cân. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta cũng thường xuyên nghe các thông điệp rằng nạp chất béo vào cơ thể là không tốt và nên giảm thiểu dung nạp chất này. Tuy nhiên, có những sự thật quan trọng về cân nặng mà bạn cần biết rõ để yêu cơ thể mình nhiều hơn, bất cứ trọng lượng của bạn là bao nhiêu. Tiến sĩ Jeffrey Hunger, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Đại học Miami, Ohio (Mỹ) kiêm nhà nghiên cứu lâu năm về kỳ thị cân nặng, chỉ ra 6 quan niệm sai lầm về cân nặng mà đa phần chúng ta mắc phải:
Hiểu nhầm 1: Cân nặng là thước đo chính xác cho sức khỏe
Nhiều nghiên cứu cho rằng béo khiến tim không khỏe mạnh, do có sự liên quan trực tiếp giữa cân nặng và huyết áp, mức độ cholesterol, chất béo và glucose trong máu... Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học California và Đại học Minnesota (Mỹ) đã đánh giá gần hai chục nghiên cứu và kết luận rằng không có mối quan hệ rõ ràng giữa việc giảm cân và sức khỏe. Nói cách khác, giảm cân không có ý nghĩa là cơ thể giảm huyết áp, giảm nguy cơ tiểu đường hoặc cholesterol.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học California nghiên cứu dữ liệu từ hơn 40.000 người tham gia trong cuộc khảo sát Kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia thường niên của chính phủ và phát hiện gần một nửa số người được phân loại là thừa cân có mức lipid trong máu hoàn toàn ổn. Trong khi đó, 30% những người tham gia có cân nặng bình thường lại có mức lipid không tốt. Từ đó, họ đi đến kết luận: Chỉ riêng cân nặng không phải là biểu hiện của sức khỏe. Không ai có thể biết được một người có khỏe mạnh hay không nếu chỉ dựa trên cân nặng của họ.
Nặng cân không đồng nghĩa với béo phì hay có bệnh. (Ảnh minh họa)
Hiểu nhầm 2: Nặng cân là béo phì
Theo các nhà nghiên cứu, lối sống lành mạnh quan trọng hơn con số trên thước đo. Trong một bài báo xuất bản trên Tạp chí Các vấn đề Xã hội, Hunger và các đồng nghiệp (Mỹ) đã xem xét nhiều nghiên cứu về cân nặng, sức khỏe và phát hiện ra những hành vi có lợi cho sức khỏe mới là điều khiến chúng ta khỏe mạnh và giúp sống lâu hơn. Những người béo làm những việc lành mạnh có khả năng sống khỏe như bất kỳ ai.
Hiểu nhầm 3: Béo là vận động kém
Văn hóa của chúng ta thường đánh đồng việc cơ thể nhiều mỡ thừa đồng nghĩa với việc mất dáng, vận động kém, nhưng thực tế nhiều người béo còn vận động tốt hơn những người gầy. Đó là vì trong thực tế, tập thể dục và cân nặng không liên quan gì nhiều đến nhau.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã chứng minh điều này khi theo dõi 43.000 người tham gia. Ban đầu, họ đo huyết áp, cholesterol, glucose... của từng người, sau đó kiểm tra mức độ tập luyện của những người tham gia bằng cách cho họ chạy máy chạy bộ. Kết quả cho thấy những người khỏe mạnh có tỷ lệ tử vong như nhau trong suốt thập kỷ sau đó, bất kể cân nặng ra sao.
Chế độ ăn uống ảnh hưởng tới cân nặng nhưng giảm cân không có nghĩa là phải ăn kham khổ. (Ảnh minh họa)
Hiểu nhầm 4: Giảm cân chắc chắn giúp tăng cường sức khỏe
Nhà nghiên cứu Hunger chỉ ra, ngay cả khi những người ăn kiêng đã giảm cân, huyết áp, glucose và các chỉ số của họ không tốt hơn đáng kể. Người nặng cân chỉ cải thiện sức khỏe khi tham gia các các hoạt động vận động thể dục, thể thao kết hợp với ăn uống theo chế độ phù hợp.
Hiểu nhầm 5: Bạn mũm mĩm tức là bạn thừa cân
Mức độ "màu mỡ" là một định nghĩa vô hạn, nhưng chắc chăn có mức giới hạn cụ thể cho định nghĩa bạn gầy hay béo. Nếu bạn có chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 23, (tức là khoảng 59 kg với chiều cao 1,6 m), bạn hoàn toàn không béo. Việc giảm chỉ số BMI xuống quá thấp có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi khủng khiếp. MC truyền hình Mỹ Oprah Winfrey từng cho biết cô thường xuyên mệt mỏi và kiệt sức do giảm cân quá mức.
Hiểu nhầm 6: Ăn kiêng kham khổ mới giảm được cân
Trên thực tế, ăn uống lành mạnh mới giúp bạn giảm cân bền vững. Chuyên gia Hunger cho biết, mức dinh dưỡng thấp và tập thể dục quá nhiều đích thị là kế hoạch giảm cân không bền vững. Thêm vào đó, khi bạn cắt giảm lượng calo, quá trình trao đổi chất của bạn sẽ chậm lại. Do đó, thay ăn kiêng cấp tốc cho một buổi đi biển sắp tới hay buổi họp lớp, hãy tập trung vào những thay đổi nhỏ, bền vững, chẳng hạn như ăn nhiều ngũ cốc và thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hạn chế thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn. "Nên coi việc ăn uống lành mạnh là lối sống mới, giúp thiết lập cho bạn sức khỏe lâu dài", Ruwanthi Titano, MD , trợ lý giáo sư tim mạch tại Trường Y khoa Icahn tại Mount Sinai, New York (Mỹ), khuyên bạn.