Bị lộ tuyến cổ tử cung nhưng chị Vân được điều trị sai cách dẫn đến mất tiền, cuộc sống chăn gối với chồng bị bỏ ngỏ.
Tưởng bị sùi mào gà
Vợ chồng chị Huỳnh Thị Kim Vân (ở Hà Nội) có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và đời sống chăn gối lành mạnh. Tháng 6 vừa qua, chị Vân khi tắm thấy một nốt sần ở "vùng kín" nên lo sợ, nghĩ mình có thể bị bệnh sùi mào gà. Tuy nhiên, chị chỉ quan hệ với chồng nên rất lo lắng không biết tại sao lại mắc bệnh.
Do chưa bao giờ đi khám phụ khoa lại cũng e ngại, chị âm thầm lên mạng tìm nơi khám bệnh. Tin lời quảng cáo, chị đến một phòng khám quốc tế cách xa chỗ ở với những lời quảng cáo có cánh. Tại đây, sau khi làm xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm đầu dò, chị Vân được chẩn đoán sùi mào gà, viêm lộ tuyến nặng. “Vị bác sĩ nói tôi phải xử lý ngay, nếu không sẽ có nguy cơ vô sinh, ung thư”, chị Vân nhớ lại.
Theo các bác sĩ, lộ tuyến cổ tử cung là căn bệnh lành tính, nhiều chị em phụ nữ thường gặp phải. Ảnh minh họa.
Dù không có biểu hiện bệnh, "vùng kín" không ngứa, không khó chịu, nhưng nghe bác sĩ cảnh báo, chị Vân thấy lo sợ. “Lúc đó, tôi nghĩ mình có bệnh thì cứ chữa. Tôi được đốt lộ tuyến bằng laser, đặt thuốc và uống thuốc. Tổng cộng tất cả chi phí là hơn 30 triệu đồng”, chị Vân chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi đốt lộ tuyến, chị Vân bị nấm và phải đi đến hai bệnh viện khác nhau điều trị nhưng tình trạng không cải thiện. Vùng kín thường xuyên bị ngứa, ẩm ướt khiến chị thấy mặc cảm, tự ti và không dám gần gũi với chồng. “Tôi “cấm vận” anh ấy suốt hơn 5 tháng và cứ ngỡ mình sẽ phải sống chung với bệnh cả đời. Cảm giác của tôi lúc đó rất tuyệt vọng”, người phụ nữ kể.
Khi nghe nhiều người mách, chị Vân biết một bác sĩ giỏi ở Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội chuyên điều trị các bệnh sản phụ khoa nên đánh liều đi khám lần nữa. Lần này, sau khi thăm khám, chụp chiếu, bác sĩ kết luận, chị Vân chỉ bị lộ tuyến nhẹ, đặt thuốc là được. Đến nay, bệnh của chị đã ổn định, "vùng kín" hết ngứa, hết ẩm ướt và có thể tự tin khi ở bên chồng.
Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Vân muốn nhắn gửi nhiều phụ nữ khác rằng khi bị bệnh "vùng kín" nên đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị kịp thời và không bị tiền mất tật mang. “Trước khi khám bệnh, tôi phải chắt chiu từng đồng. Vì đi khám khi không hiểu biết đã bị hù dọa, mất hết tiền tiết kiệm. Đã thế, tôi còn né tránh, không mặn mà chuyện chăn gối khiến chồng phải khổ theo. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình rất dại dột”, chị Vân nhắn nhủ.
Căn bệnh lành tính, nhiều phụ nữ mắc phải
Theo Ths.BS Kiều Lệ Biên, Trung tâm Sản phụ khoa một bệnh viện tư tại TP.HCM, viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng tổn thương lành tính ở cổ tử cung do các tế bào tuyến nằm trong cổ tử cung phát triển, xâm lấn mặt ngoài cổ tử cung. Các tuyến thực hiện chức năng bài tiết dịch nhầy, nằm dưới lớp biểu mô của cổ tử cung bị lộ ra ngoài nên bị nhiễm bệnh bởi vi khuẩn, nấm, virus, vi trùng… Đây là tình trạng tổn thương lành tính, nhiều chị em phụ nữ gặp phải.
Các bác sĩ khuyến cáo, các chị em phụ nữ cần đi khám phụ khoa đinh kỳ ở các cơ sở y tế uy tín để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc. Ảnh minh họa.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ đã từng quan hệ tình dục, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh nở hoặc mới sinh xong. Trong đó, có một vài trường hợp bệnh là bẩm sinh. Bệnh nhân viêm lộ tuyến thường có biểu hiện tăng tiết dịch âm đạo, ngứa ngáy, có nhiều khí hư, khí hư có mùi... dễ dẫn đến viêm nhiễm.
Bác sĩ Biên cho biết viêm lộ tuyến cổ tử cung được chia thành 3 cấp độ. Ở cấp độ một, tế bào tuyến trong cổ tử cung chỉ mới lan ra bên ngoài, diện tích tổn thương nhỏ, chưa vượt quá 30%. Lúc này, tình trạng viêm nhiễm chưa lan rộng, chưa gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và quan hệ tình dục. Ở cấp độ hai, diện tích cổ tử cung bị tổn thương đã lan rộng đến khoảng 50-70%. Còn cấp độ ba là vùng cổ tử cung bị tổn thương lan rộng hơn 70% diện tích. Lúc này, tình trạng bệnh bắt đầu nghiêm trọng, dễ mắc các bệnh phụ khoa nguy hiểm.
BS.CKII Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó trưởng khoa Khám chuyên sâu B1, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cũng cho biết viêm lộ tuyến cổ tử cung nếu không được điều trị sẽ nặng lên và ngày càng lan rộng ra mặt ngoài cổ tử cung. Khi đó, các triệu chứng bệnh ngày càng nặng nề hơn và nguy cơ nhiều biến chứng nguy hiểm xuất hiện.
Bác sĩ Thanh kể từng gặp nữ bệnh nhân đến khám do thấy trong âm đạo có vật lạ, cổ tử cung viêm loét, có mùi hôi. Gặp bác sĩ Thanh, chị kể trước đó từng bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, vì ngại và không tìm hiểu kỹ nên đến một phòng khám tư và được chỉ định đốt điện. Sau đốt, "vùng kín" của chị bị chảy dịch, được bác sĩ khuyên đặt gạc vào âm đạo một tuần một lần. Tuy nhiên, sau hai tháng điều trị, chị thấy "vùng kín" bị rỉ máu và có vật lạ.
Tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nữ bệnh nhân được bác sĩ Thanh làm thủ thuật lấy gạc ra ngoài, xử lý các viêm nhiễm. Sau điều trị, vùng kín của nữ bệnh nhân không còn hôi, viêm loét, chị cũng tự tin hơn khi gần chồng.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo, các chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ ở các cơ sở y tế uy tín. Với các chị em bị viêm lộ tuyến cổ tử cung cần điều trị phù hợp, đúng với tình trạng bệnh tránh “tiền mất tật mang” như hai nữ bệnh nhân trên. Cùng với đó, các chị em cần phải làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung để sớm phát hiện, điều trị bệnh này.
• Tên nhân vật đã được thay đổi