Bí quyết giúp bạn ngăn ngừa loét miệng

Ngày 11/04/2013 10:03 AM (GMT+7)

Loét miệng không phải bệnh nguy hiểm nhưng nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Khi bị loét miệng bạn cảm thấy rất khó chịu.

Loét miệng là một bệnh lý thuộc về răng miệng thường gây ra cảm giác đau đớn nhất là khi bạn há miệng hay khi nhai. Loét miệng xuất hiện ở trên lưỡi, môi, lợi hay bên trong má. Thường thì loét miệng có thể nổi những nốt mụn đơn lẻ hay mọc thành từng đám. Nó thường có màu trắng hay vàng được bao quanh bằng quầng màu đỏ.

Nguyên nhân gây loét miệng thường là do thiếu hụt vitamin, đặc biệt là vitamin B 12 , vitamin C và sắt; thiếu cân bằng hormon, mắc bệnh đường ruột; vệ sinh răng miệng không đúng cách, bị viêm nhiễm vùng khoang miệng; dị ứng thức ăn; stress...

Các vết loét này thường tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu để tự khỏi thì rất khó chịu. Những mẹo nhỏ sau sẽ giúp bạn xử lý nhanh chóng căn bệnh này.

Giảm áp lực và thư giãn

Vết loét miệng có thể dễ dàng gây ra khi bạn cảm thấy mệt mỏi và lo lắng. Vì vậy, giảm áp lực, tránh mệt mỏi quá mức và duy trì giấc ngủ đầy đủ trong cuộc sống hàng ngày là rất cần thiết.

Giữ độ ẩm trong khoang miệng

Theo các chuyên gia, để tránh loét răng miệng, bạn cần thường xuyên giữ độ ẩm cho khoang miệng. Khi miệng bị khô và sự tồn tại của virus là hai yếu tố quan trọng gây loét răng miệng. Nếu bạn gặp rắc rối về răng miệng, bạn có thể sử dụng nước muối hoặc trà để súc miệng để giữ ẩm cho khoang miệng.

Bí quyết giúp bạn ngăn ngừa loét miệng - 1

Loét miệng không phải bệnh nguy hiểm nhưng nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Khi bị loét miệng bạn cảm thấy rất khó chịu (Ảnh minh họa)

Duy trì các kích thích tố nữ

Để không bị loét răng miệng, đặc biệt là phụ nữ nên duy trì sự tiết đầy đủ các kích thích tố nữ trong cơ thể. Estrogen là kích thích tố tự nhiên trong cơ thể được buồng trứng tiết ra, rất cần thiết cho sự tăng trưởng của cơ quan sinh dục phụ nữ giúp cơ thể tạo dáng hình mềm mại, giữ nước trong cơ thể và mỡ ở dưới da để da dẻ người phụ nữ mềm mỏng và hồng hào.

Cơ thể thiếu estrogen có thể dễ dàng gây ra sự hình thành của vết loét miệng. Do đó, bạn nên ăn thường xuyên các loại thực phẩm có thể thúc đẩy việc tiết ra kích thích tố nữ. Những thực phẩm này chủ yếu bao gồm đậu tương, hành tây.

Tránh xa chất gây dị ứng

Sự xuất hiện của dị ứng cũng có thể gây ra loét răng miệng. Vì vậy, khi bị loét miệng bạn nên tìm ra chất gây dị ứng trong thời gian sớm nhất và sử dụng nước ấm để rửa miệng, bôi mật ong để giảm vết loét trong miệng.

Tránh táo bón

Sự xuất hiện của vết loét miệng có thể gây ra táo bón và chứng hôi miệng. Để giảm bớt các triệu chứng như vậy, bạn có thể tăng lượng rau tươi và trái cây, có thể uống nhiều nước để làm sạch dạ dày và ruột và ngăn ngừa táo bón.

Bổ sung vitamin

Vitamin B2 và vitamin B6 có hiệu quả trong việc đối phó với các vết loét. Các loại rau và trái cây có chứa vitamin dồi dào và chất khoáng. Do đó, bạn có thể ăn rau xanh và trái cây mỗi ngày để bổ sung vitamin. Ngoài ra, vitamin A và kẽm có thể được bổ sung bằng cách uống sữa và ăn trứng.

Tập thể dục

Sự xuất hiện của vết loét trong miệng có nghĩa là cơ thể bạn đang yếu. Vì vậy, bạn nên có các bài tập vừa phải và cải thiện sức khỏe thể chất trong cuộc sống hàng ngày.

Các loại quả giúp phòng ngừa loét miệng:

Dưa hấu: Dưa hấu không những ngon ngọt dễ ăn mà còn cung cấp cho cơ thể một lượng nước khá lớn và nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng. Theo Đông y, dưa hấu có công dụng thanh nhiệt giải giải độc, lợi tiểu tiện và được dùng để chữa nhiều chứng bệnh như mụn nhọt, viêm loét miệng, phù do viêm thận, đái đường, cao huyết áp.

Táo: Táo giàu vitamin C, có tác dụng gia tăng sức đề kháng của cơ thể. Đặc biệt, sau bữa ăn tráng miệng bằng bằng táo sẽ tránh được các bệnh về răng miệng, chống sâu răng bởi trong táo có chứa nhiều chất xenlulô giúp làm sạch lợi và ngăn ngừa hình thành mảng bám ở răng.

Lê: Vitamin C trong quả lê giúp tăng cường khả năng đề kháng và chống viêm cho cơ thể. Vitamin B, đặc biệt là vitamin B12 là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo cho da và niêm mạc khỏe mạnh, không bị tổn thương.

Hồng: Trong quả hồng còn có khá nhiều vitamin C, dưỡng chất giúp cơ thể chống đỡ với các loại virus, trong đó có các loại virus gây nên các bệnh răng miệng.

Đào: Ăn đào thường xuyên có thể ngăn chặn sự sinh sôi của các vi khuẩn trong cơ thể, đặc biệt là những vi khuẩn bám trên răng và nướu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh ở miệng.

Mơ: Quả mơ có tác dụng kích thích làm tiết nước bọt, chữa khô miệng do nhiệt. Trong những ngày hè nóng bức, uống nước mơ giúp giúp chống mệt mỏi, giảm mồ hôi và mệt mỏi cho cơ thể.

Theo Phạm Minh (VnMedia)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp