Thói quen ăn đồ tái, sống và uống nước lã,... có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe hơn chúng ta tưởng.
Tiểu Minh, 25 tuổi người Tứ Xuyên, Trung Quốc vì gần đây thường xuyên đau đầu nên cô bắt xe từ quê lên Bệnh viện ở Thượng Hải để khám. Các bác sĩ kê cho cô một số loại thuốc chữa đau đầu thông thường. Tuy nhiên tình trạng đau đầu ngày càng nặng, kèm theo chóng mặt, thỉnh thoảng tê mỏi chân tay.
Ảnh minh họa
Hai tuần trước, vì cơn đau đầu tái phát và ngày càng nặng hơn, cô đến khám tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Minh Châu thuộc Đại học Chiết Giang. Sau khi nghe mô tả các triệu chứng, bác sĩ Hồ Quân, người khám trực tiếp cho Tiểu Minh, đã sắp xếp cô đi kiểm tra cộng hưởng từ, kết quả phát hiện có nhiều tổn thương rõ ràng trong hộp sọ. Bác sĩ Hồ Quân nghi ngờ Tiểu Minh bị nhiễm ký sinh trùng nội sọ.
Bác sĩ Hồ Quân nói: "Từ kết quả kiểm tra MRI, có nhiều tổn thương rõ ràng trong hộp sọ của bệnh nhân. Một khối u não bình thường sẽ không có nhiều tổn thương rời rạc như vậy, vì vậy chúng tôi nghi bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng nhiều hơn". Sau khi điều trị tẩy giun bằng thuốc, bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cho Tiểu Minh, cắt bỏ hai tổn thương lớn nhất ở thùy trán trái của hộp sọ. Bệnh lý sau phẫu thuật khẳng định, đó thực sự là nhiễm ký sinh trùng.
Não của cô gái chứa rất nhiều ký sinh trùng
Sau khi tìm hiểu được biết, Tiểu Minh trước khi tốt nghiệp cấp 3 cô sống ở quê, người dân nơi đây có thói quen uống nước lã. Việc nhiễm ký sinh trùng nội sọ có liên quan đến việc uống nước lã.
Bác sĩ Hồ cũng cho biết thêm, vài năm gần đây, ký sinh trùng đã gây ra rất nhiều bệnh cho cơ thể con người. Ví dụ, có một cậu bé 2 tuổi nuốt một con ếch trong bài thuốc chữa bệnh động kinh. Kết quả là ký sinh trùng sparganosis phát triển trong cơ thể cậu bé. Một ví dụ khác là một bé gái 12 tuổi bị đau đầu. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ đã lấy ra một con ký sinh trùng dài 25 cm từ đầu cô bé. Nó đã ký sinh trên đầu cô gái hơn 6 năm.
Các loại ký sinh trùng thường dễ bị nhiễm
Có rất nhiều loại ký sinh trùng khác nhau ngoài môi trường đang chờ tấn công cơ thể chúng ta mỗi ngày. Thông thường, chúng được phân thành 3 nhóm chính:
Động vật nguyên sinh: Là sinh vật đơn bào cực nhỏ có thể sống trong vật chủ hoặc tồn tại dưới dạng sinh vật sống tự do. Loại ký sinh trùng này thường lây lan từ người này sang người khác thông qua phân, máu hoặc do vết đốt côn trùng.
Giun sán: Đây những sinh vật lớn hơn và có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở dạng trưởng thành. Chúng có thể ký sinh hoặc sống tự do. Một số loại giun sán thường gặp là: Giun đầu gai, giun dẹp, sán dây, giun tròn.
Ngoại ký sinh: Đây là thuật ngữ dùng để mô tả các loài động vật có thể cắn, chích hoặc làm tổ trong da người và truyền ký sinh trùng vào cơ thể như bọ chét, ve, chấy rận,…
Bí quyết phòng chống nhiễm ký sinh trùng
1. Tập thể dục thường xuyên
Tập luyện thể dục thể thao điều độ chính là cách hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, đồng thời hoạt động này còn có tác động tích cực lên hệ vi sinh vật đường ruột, giúp giảm nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng.
2. Xây dựng lối sống lành mạnh để không bị nhiễm ký sinh trùng
Thói quen hút thuốc, uống rượu, bia, làm việc quá căng thẳng, thiếu ngủ là những nguyên nhân khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu. Tình trạng thiếu ngủ khiến các tế bào xung kích tự nhiên (vũ khí của hệ miễn dịch có tác dụng tấn công vi khuẩn và tế bào ung thư) bị giảm dần, trong khi khói thuốc có chứa đến 4.000 hóa chất độc hại có thể gây kích ứng và tiêu diệt các tế bào trong cơ thể. Chính vì vậy, để nâng cao sức khỏe của hệ miễn dịch và phòng chống nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế những thói quen nguy hại kể trên.
3. Ăn chín uống sôi để ngừa nhiễm ký sinh trùng
Để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe như thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo, thực phẩm chế biến… Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng vào chế độ ăn, bạn cũng nên chú ý đến vấn đề chọn lựa và chế biến thực phẩm. Bạn vẫn có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng rất cao nếu không cẩn thận trong khâu sơ chế hay chế biến các loại thực phẩm sau: Rau sống, thịt lợn, thịt bò, nội tạng động vật, trái cây, các loại cá nước ngọt…
4. Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống
- Bên cạnh việc nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, bạn cũng nên chú ý đến việc giữ vệ sinh cá nhân bằng những biện pháp sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Chỉ ăn những thực phẩm đã được chế biến kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, hạn chế ăn ngoài hàng quán
- Uống nước đã đun sôi, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giặt giũ quần áo, khăn tắm, chăn, drap, gối
- Tẩy giun định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.