Bà Yoshiko Miwa đã 110 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn và còn từng tham gia cuộc thi chạy marathon 20km.
Bà Yoshiko Miwa năm nay đã bước sang tuổi 110. Bà là người Mỹ gốc Nhật lớn tuổi nhất ở Mỹ. Trong suốt cuộc đời, bà từng trải qua đại dịch bệnh cúm Tây Ban Nha, Ngày thứ Ba đen tối và 2 Thế chiến. Sau chiến tranh, bà cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nơi ở và công việc. Bà có 3 người con trai, 10 cháu, 20 chắt và 1 chít.
Dù cuộc đời có nhiều biến cố nhưng bà đều kiên trì vượt qua. Con trai bà cũng từng tiết lộ rằng "kiên nhẫn" là bí quyết sống còn của bà Yoshiko Miwa.
Bà Yoshiko Miwa năm nay đã 110 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.
Hiện tại khi đã 110 tuổi, bà Yoshiko Miwa vẫn có sức khỏe tốt. Bà không chỉ đi làm tóc hàng tuần mà còn thường xuyên đi chùa chiền và gặp gỡ, giao lưu với bạn bè. Trong một bài phỏng vấn, bà Yoshiko Miwa không ngần ngại chia sẻ bí quyết sống lâu:
1. Ngay cả khi về già, bà vẫn không quên tập thể dục
Sau khi nghỉ hưu, bà Yoshiko Miwa đã hình thành thói quen lành mạnh là đi bộ 4 dặm (khoảng 6,4 km) mỗi sáng. Năm 1990, ở tuổi 76, bà thậm chí còn có thể tham gia cuộc chạy marathon 20 km.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng việc lựa chọn lối sống lành mạnh chẳng hạn như tăng cường tập thể dục có liên quan trực tiếp đến việc tăng cường sức khỏe và tuổi thọ.
2. Có nhiều sở thích lành mạnh
Giữ cho cơ thể cũng như tâm trí luôn năng động là liều thuốc tốt nhất để kéo dài tuổi thọ. Bà Yoshiko Miwa có nhiều sở thích bao gồm đọc sách, cắm hoa, vẽ tranh, may vá,... Những hoạt động tưởng như đơn giản này thực tế lại rất có lợi cho não bộ, giúp phòng ngừa bệnh đãng trí tuổi già và cải thiện sự linh hoạt của cơ thể.
Bí quyết sống khỏe của bà là chăm tập thể dục, có nhiều sở thích lành mạnh, sống hòa đồng và kiên nhẫn.
3. Sống hòa nhập với cộng đồng
Mặc dù khả năng di chuyển của bà Yoshiko Miwa giờ đây đã bị hạn chế hơn trước nhưng bà vẫn không quên tới tham dự các buổi lễ tại đền chùa và các hoạt động xã hội, thậm chí còn tham gia các hoạt động tình nguyện, đo huyết áp cho những người cao tuổi khác và giúp chuẩn bị bữa trưa cho Viện Văn hóa Nhật Bản tại địa phương.
Ngoài ra, sự đồng hành và tương tác của các thành viên trong gia đình cũng là một phần quan trọng mang lại niềm vui cho người cao tuổi và ngăn ngừa chứng mất trí nhớ. Trong cuốn tự truyện của mình, bà Yoshiko Miwa nói rằng: “Mẹ tôi mất khi tôi còn nhỏ nên tôi chưa bao giờ cảm nhận được hơi ấm và tình cảm gia đình. Phải đến khi có con, tôi mới thực sự cảm nhận được hơi ấm của một gia đình trọn vẹn”. May mắn khi bà Yoshiko Miwa luôn có con cháu ở bên cạnh để vui vầy lúc tuổi già.
4. Thích ăn mì
Bà Yoshiko Miwa tiết lộ sở thích ăn mì của bà đã được hình thành từ khi còn nhỏ. Hiện tại, bà không chỉ thích mì udon, ramen và mì kiều mạch mà còn thích tất cả các loại mì như mì ống. Vì vậy, mì đã trở thành món ăn mà bà thưởng thức hằng ngày.
Gia đình và bạn bè của bà Yoshiko Miwa tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của bà.
Nhiều người cao tuổi sợ rằng việc tiêu thụ carbohydrate như mì sẽ làm tăng gánh nặng thể chất nên họ ăn ít mì và các thực phẩm giàu carbs. Tuy nhiên, việc hạn chế quá nhiều carbs sẽ khiến cơ thể suy yếu.
Mikiko Kawaguchi, giáo sư và chuyên gia dinh dưỡng tại Khoa Kinh tế gia đình, Đại học Phụ nữ Otsuma, Nhật Bản, từng giải thích rằng không kén ăn và thích ăn uống là đặc điểm của người khỏe mạnh và sống lâu. Nếu bạn hạn chế carbohydrate quá nhiều sẽ khiến chế độ ăn uống mất cân bằng. Khi cơ thể thiếu năng lượng và nguồn năng lượng từ carbohydrate tiếp tục không đủ sẽ khiến cơ thể sử dụng chất béo và protein làm nguồn năng lượng, do đó protein không thể duy trì cơ bắp và tăng cường khả năng miễn dịch. Các chuyên gia khuyên người cao tuổi nên tiêu thụ khoảng 2,5 đến 4 bát cơm hoặc 5 đến 8 bát cháo hoặc mì mỗi ngày để đáp ứng lượng carbohydrate khuyến nghị.