"Ăn xôi có béo không" là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra trước món ăn quen thuộc và ngon miệng này. Vậy câu trả lời chính xác là gì?
Xôi là một trong những món ăn vô cùng quen thuộc với nhiều gia đình, đặc biệt nhiều người còn thích ăn xôi vào bữa sáng vì vừa ngon miệng, tiết kiệm, lại nạp đủ năng lượng cho một ngày làm việc, học tập mệt mỏi. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh món ăn này. Liệu ăn xôi có béo không? Ăn bao nhiêu xôi là đủ? Hay những người nào không nên ăn xôi? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi đó.
1. Ăn xôi có béo không?
Xôi có thành phần chính là gạo nếp. Tương tự như cơm, xôi có hàm lượng tinh bột rất cao, chưa kể một số món xôi còn kết hợp với các thực phẩm khác như thịt, đỗ, đường... Do đó, hàm lượng calo của xôi rất cao. Càng nhiều calo thì cơ thể bạn càng có nguy cơ tăng cân. Vì vậy, việc ăn xôi quá nhiều và thường xuyên sẽ khiến bạn rất dễ béo.
Một gói xôi thông thường sẽ cung cấp khoảng 600 calo. Trong khi đó, một bát cơm thông thường chỉ cung cấp khoảng 160 calo, một tô phở khoảng 400 calo. Do đó, xôi có hàm lượng calo cao hơn rất nhiều so với các thực phẩm khác. Nếu tiêu thụ nhiều xôi nhưng lại không có quá trình tập luyện để đốt cháy calo thì rất dễ có nguy cơ tăng cân.
Hàm lượng calo có trong các loại xôi phổ biến:
- Xôi trắng: 350 calo
- Xôi đỗ xanh: 515 calo
- Xôi mặn: 500 calo
- Xôi gấc: 600 calo
- Xôi lạc: 550 calo
- Xôi khúc: 400 calo
- Xôi đỗ đen: 550 calo
- Xôi vò: 480 calo.
Thành phần dinh dưỡng của xôi:
- Khoảng 300-600 calo
- Khoảng 6-7% protein
- Tinh bột
- Chất béo
- Các vitamin và khoáng chất như: Canxi, sắt, phốt pho, vitamin B1, vitamin A, vitamin C, kẽm, kali, natri, chất xơ...
2. Một số lưu ý khi ăn xôi
- Mặc dù xôi có hàm lượng calo cao nhưng trên thực tế, việc ăn một gói xôi không thể là "thủ phạm" khiến bạn béo lên được. Muốn giữ được vóc dáng cân đối, bạn nên kết hợp với việc luyện tập và một chế độ ăn uống lành lạnh, giàu chất xơ, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất.
- Không nên ăn quá nhiều xôi, nếu thích ăn xôi vào bữa sáng thì chỉ nên ăn 1-2 lần, những ngày khác nên kết hợp ăn các thực phẩm khác để đa dạng hấp thu chất dinh dưỡng vào cơ thể.
- Không nên thay xôi cho các bữa ăn chính hàng ngày.
- Không nên ăn xôi được gói trong giấy báo hoặc các giấy có mực in độc hại.
- Không nên ăn xôi vào các bữa phụ trong ngày.
- Không nên ăn xôi với thịt gà: Thực tế xôi và thịt gà là 2 món ăn thường được kết hợp với nhau, đặc biệt trong các bữa cỗ. Tuy nhiên, xôi nếp lại có tính kỵ với thịt gà. Thậm chí, còn có thông tin xôi nếp ăn với thịt gà có thể làm tăng nguy cơ gây ra bạch thốn trùng (sán dây, sán xơ mít).
3. Những đối tượng nên tránh ăn xôi hoặc hạn chế ăn xôi
- Những người đang muốn giảm cân thì không nên ăn xôi bởi thực phẩm này chứa nhiều calo, dễ gây tăng cân.
- Người bị nóng trong, nhiệt do nội tiết tố, mụn nhọt, mụn trứng cá...
- Phụ nữ mang thai hoặc mới sinh, đặc biệt là sinh mổ, không nên ăn xôi vì dễ khiến vết mổ bị viêm, sưng mủ.
- Bệnh nhân mắc bệnh dạ dày không nên ăn xôi vì sẽ làm tăng nguy cơ ợ chua, ợ nóng, trào ngược thực quản, trào ngược dạ dày, trướng bụng, đau bụng...
- Người đang có vết thương trên cơ thể, đặc biệt là những vết rách lớn nên hạn chế ăn xôi vì có thể khiến vết thương mưng mủ, lâu lành.
- Người già, trẻ nhỏ, người có thể trạng yếu, mới ốm dậy cũng nên hạn chế ăn xôi vì loại thực phẩm này khó tiêu.
- Người bị mẩn ngứa, mề đay không nên ăn xôi vì có thể bị dị ứng thực phẩm.