Liệu trẻ tiêm vắc xin COVID-19 có bị ảnh hưởng khả năng sinh sản 5-10 năm sau?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 24/02/2022 11:50 AM (GMT+7)

Rất nhiều phụ huynh lo lắng việc tiêm vắc xin cho trẻ có thể gây ảnh hưởng lâu dài và các tác dụng phụ sau 5-10 năm mới bộc lộ, nhất là liên quan tới sức khỏe sinh sản. PGS.TS Trần Minh Điển - GĐ Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ giải đáp thắc mắc này.

Thu Hiền (Hà Nội) (hientruong***@gmail.com)

Chào bác sĩ!

Qua theo dõi đợt tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi trước đây và sắp tới sẽ tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, tôi thấy vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Gia đình tôi có con trong độ tuổi sắp được tiêm nên rất lo lắng, nhất là khi có một số người truyền tai nhau rằng tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ sẽ để lại di chứng lâu dài, trong khi đây là vắc xin phê duyệt trong trường hợp khẩn cấp.

Trong đó di chứng được nhắc đến nhiều nhất và tôi cũng lo nhất đó là ảnh hưởng đến sinh sản và gene. Vậy những di chứng này có hay không thưa bác sĩ? Nếu cháu có sức khỏe tốt, tôi có nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho con?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Liệu trẻ tiêm vắc xin COVID-19 có bị ảnh hưởng khả năng sinh sản 5-10 năm sau? - 1
PGS.TS.BS Trần Minh Điển

Trước hết, bạn nên đưa con đi tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 khi được triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc tiêm phòng mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ như giảm các triệu chứng nặng, giúp trẻ và phụ huynh tự tin hơn khi tham gia các hoạt động cộng đồng, đi học…

Vắc xin được phê duyệt tiêm chủng cho trẻ là Pfirez. Trước khi phê duyệt, các chuyên gia đã tiếp cận các tài liệu, các nghiên cứu trên thế giới và loại vắc xin này cũng đã được WHO cho phép phép tiêm cho trẻ nhỏ. 

Sự an toàn của vắc xin Pfizer cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, Mỹ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vắc xin cũng đã cấp phép khẩn cấp tiêm cho nhóm tuổi này. Hiện đã có 60 nước chỉ định vắc xin này cho trẻ em.

Liệu trẻ tiêm vắc xin COVID-19 có bị ảnh hưởng khả năng sinh sản 5-10 năm sau? - 2

Vắc xin được phê duyệt tiêm cho trẻ nhỏ đã được các cơ quan chuyên môn cho phép và trải qua thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt. Ảnh minh họa.

Về tác động lâu dài của vắc xin liên quan đến sinh sản, di truyền mà nhiều phụ huynh lo lắng, bạn cần hiểu bản chất của vắc xin này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.

Vắc xin Pfizer cũng như những loại vắc xin khác, sẽ gây ra những phản ứng ngay lập tức hoặc vài ngày sau tiêm. Tuy nhiên, phụ huynh không nên lo ngại vì hiện Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện tiêm chủng rất chi tiết và đầy đủ, cũng như hướng xử lý các phản ứng phụ khi gặp phải.

Điều quan trong là vai trò của phụ huynh khi phối hợp với những người tiêm chủng, với hệ thống y tế điều trị để cùng nhau sẵn sàng nhìn nhận xem trẻ chỉ phản ứng ở mức độ thông thường hay phản ứng ở mức độ nặng hơn.

Với tư cách cá nhân và là một bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên các phụ huynh nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng. Trẻ em được quyền hưởng những thành quả của khoa học, thành quả của nghiên cứu, xuất phát từ thực tế.

Bởi như đã nói ở trên, việc đồng ý cho con tiêm chủng cũng là trao cơ hội để con mình phòng chống dịch bệnh, nếu không may mắc COVID-19 thì sẽ không chuyển nặng và đặc biệt là không hoặc hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong.
 

Có nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi? Giải đáp bất ngờ từ chuyên gia
Rất nhiều phụ huynh lo lắng khi trẻ 5-11 tuổi tiêm vắc xin, nhất là về các tác dụng phụ. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng điều này không nên quá...

Vắc xin COVID-19

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề COVID-19 ở trẻ em