Trong dân gian có câu “một đống thuốc bổ không bằng một nắm vừng”, điều này cho thấy công dụng của vừng rất được coi trọng. Nhưng thực tế nó có tuyệt vời như vậy không?
Trước hết, vừng có thể dùng làm thực phẩm và làm thuốc, không chỉ thơm mà còn có giá trị y học nhất định, được ghi chép từ rất sớm trong tác phẩm Thần Nông Bản thảo kinh: “Hạt vừng rất tốt cho lá lách và dạ dày, lại còn tốt cho việc bồi bổ gan thận".
Dinh dưỡng trong vừng: Giàu canxi gấp 7-8 lần sữa
Từ góc độ chất dinh dưỡng, vừng rất giàu vitamin E, có khả năng chống oxy hóa tốt, có thể ngăn chặn peroxit lipid gây hại cho da, vô hiệu hóa sự tích tụ các chất có hại trong tế bào bạch cầu, có tác dụng tích cực trong việc nuôi dưỡng làn da và cũng ngăn ngừa tình trạng viêm da.
Vừng có hàm lượng canxi gấp 7-8 lần sữa cùng nhiều dưỡng chất khác. (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, vừng cũng rất giàu canxi. Cứ 100g vừng đen chứa 780mg canxi, gấp 7-8 lần hàm lượng canxi trong sữa. Vì vậy, đối với những người cần bổ sung canxi thì ăn vừng đen là lựa chọn tốt.
Ngoài ra, vừng rất giàu protein và các nguyên tố vi lượng như kali, sắt, magie đều cần thiết cho cơ thể con người, ví dụ như protein có thể nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, kali có thể giúp ổn định huyết áp, sắt có thể ngăn ngừa thiếu máu…
Ngoài ra, vừng rất giàu xenlulo và dầu có tác dụng thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và cũng có tác dụng phòng chống táo bón rất tốt.
Điều đáng nói, vừng tốt nhất là nên rang vừa ăn sẽ có thể tiết ra chất dinh dưỡng để cơ thể hấp thu tốt hơn. Tuy nhiên vừng có hàm lượng chất béo cao nên phải ăn điều độ thì cơ thể mới khỏe mạnh được.
Vừng rang sẽ giúp tiết ra chất dinh dưỡng để cơ thể hấp thu tốt hơn. (Ảnh minh họa)
Tác dụng của hạt vừng
Theo y học hiện đại, vừng có một số công dụng như:
Giảm Cholesterol: Hạt vừng có chứa lignans và phytosterol, là những hợp chất thực vật có thể giúp giảm cholesterol. Phytosterol cũng được cho là có thể tăng cường phản ứng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Chống lại nhiễm trùng: Các sesamin và sesamolin trong hạt vừng được biết đến với đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn. Chất chống oxy hóa rất quan trọng đối với sức khỏe vì chúng bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh khác nhau bằng cách làm chậm quá trình tổn thương tế bào.
Sức khỏe răng miệng: Hạt vừng cũng có thể loại bỏ vi khuẩn gây ra mảng bám trên răng của bạn.
Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Nghiên cứu cho thấy rằng dầu vừng giúp tăng cường hiệu quả của các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 khi chúng được dùng cùng nhau.
Giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư: Chất sesamol trong hạt vừng có các đặc tính sau:
- Chất chống oxy hóa
- Chống đột biến (ngăn chặn sự đột biến của tế bào)
- Chống độc gan (ngăn ngừa tổn thương gan)
- Chống viêm
- Chống lão hóa
- Ngăn ngừa bệnh tật và nhiễm trùng
Mỗi đặc tính này đều đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư.
Vừng đen hay vừng trắng tốt hơn?
Vừng đen có lợi cho sức khỏe hơn còn vừng trắng thích hợp để làm dầu. (Ảnh minh họa)
Về thành phần dinh dưỡng, không có nhiều khác biệt giữa vừng đen và vừng trắng, cả hai đều chứa protein, chất xơ, vitamin A, vitamin E, canxi, sắt, kali, magie, lecithin, axit linoleic và các chất khác. Vừng đen có hàm lượng protein, canxi và vitamin E cao hơn một chút.
Về mùi vị, vừng trắng có vị ngon hơn , do hàm lượng dầu của vừng trắng cao hơn vừng đen, độ bền oxy hóa tốt hơn nên ăn có vị thơm hơn.
Về công dụng, vừng đen có tác dụng bồi bổ gan thận, ngoài dùng hàng ngày còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, vừng trắng có hàm lượng dầu cao, mùi vị thơm ngon hơn, hầu hết được dùng làm thực phẩm hoặc làm dầu.
Nhìn chung, có rất ít sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng giữa hai loại, chủ yếu là sự khác biệt trong công dụng của chúng. Nếu so sánh thì vừng đen có lợi cho sức khỏe hơn, còn vừng trắng có sản lượng dầu cao hơn, bạn có thể lựa chọn theo nhu cầu của bản thân.
Ăn vừng có những kiêng kỵ gì và cần lưu ý những gì?
Vừng quả thực có lợi nhưng tiêu thụ không đúng cách sẽ không tốt cho cơ thể. Có 4 nhóm người tốt nhất nên hạn chế ăn hạt vừng.
(1) Những người nóng trong
Hàng ngày chúng ta ăn hạt vừng được rang và dùng để làm gia vị. Bản thân vừng đã rang sẽ trở nên khô nóng, lúc này nếu người có “hỏa” trong người ăn vào sẽ như đổ thêm dầu vào lửa, dễ gây khó chịu cho cơ thể.
(2) Người bị khó chịu đường tiêu hóa và dễ tiêu chảy
Như chúng ta đã đề cập trước đó, hạt vừng rất giàu dầu, có thể làm ẩm ruột và nhuận tràng. Nếu cơ thể người bị khó chịu về đường tiêu hóa và những người dễ bị tiêu chảy nếu tiêu thụ quá nhiều vừng sẽ dễ làm tình trạng này trở nên trầm trọng hơn hoặc gây viêm ruột mãn tính.
(3) Những người dùng các loại thuốc đặc biệt
Việc ăn vừng cũng cần phải chú ý nếu bạn đang sử dụng thuốc vì có thể gây tương tác với nhau. Ví dụ như vitamin E trong hạt vừng không nên dùng chung với aspirin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Hoặc bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng cần lưu ý, chất tyramine trong hạt mè tương tác với chất ức chế monoamine oxidase và một số loại thuốc kháng sinh dùng cho bệnh dạ dày, có thể gây ra tác dụng phụ.
(4) Người bị bệnh vú
Người bị phì đại tuyến vú và u nang vú có nguyên nhân chủ yếu là do tiết quá nhiều oestrogen. Trong vừng giàu vitamin E có thể thúc đẩy quá trình tiết oestrogen, vì vậy bệnh nhân mắc bệnh vú nên ăn ít vừng.