Sau khi mắc COVID-19 rất nhiều chị em rơi vào tình trạng rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt có trường hợp mất kinh liên tục vài tháng liền.
Bác sĩ Phan Chí Thành là một chuyên gia tư vấn về các vấn đề tình dục ở nữ giới, nhất là rối loạn chức năng tình dục nữ.
Mẹ một con lo lắng vì mất kinh sau mắc COVID-19
Rất nhiều người sau khi mắc COVID-19 đã bị ảnh hưởng từ sức khỏe thể chất, đến sức khỏe tâm thần, thậm chí là cả vấn đề nội tiết… Trong số đó, không ít chị em xảy ra tình trạng bị mất kinh kéo dài. Trên một số diễn đàn tư vấn cho bệnh nhân F0, có không ít trường hợp chị em lo lắng và gửi thắc mắc nhờ bác sĩ tư vấn về vấn đề không có kinh nguyệt sau khi mắc COVID-19.
Bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, quá trình thăm khám, tư vấn bác sĩ cũng gặp một số trường hợp bị mất kinh sau khi mắc COVID-19, thậm chí có người còn lo sợ có thai đến khám, siêu âm cho chắc chắn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (26 tuổi, Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị mắc COVID-19 từ cuối tháng 11/2021, đến tuần đầu tiên của tháng 12 là trở về âm tính. Ngay sau đó, chị đã trở lại công việc và sức khỏe cơ bản không có vấn đề gì lớn.
Sau khi mắc COVID-19 nếu xảy ra tình trạng mất kinh chị em cần đi khám sớm. Ảnh minh họa.
“Tôi rất lo lắng việc bị ảnh hưởng đến phổi sau khi mắc COVID-19 nên có đi chụp chiếu tại bệnh viện. Kết quả rất tốt, phổi được bác sĩ đánh giá là đẹp. Tôi cũng không ho hay có biểu hiện mất ngủ gì, chỉ có bị rụng tóc hơi nhiều và chậm kinh”, chị Hoa chia sẻ.
Theo chị Hoa, từ khi còn con gái cho đến khi sinh con xong, chu kỳ kinh nguyệt của chị rất đều. Thông thường cứ ngày 20 hàng tháng là bắt đầu, kết thúc sau đó khoảng 5-6 ngày. Thế nhưng, kể từ khi mắc COVID-19 đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua chị chưa có kinh nguyệt trở lại.
Chị Hoa đã có một con và chưa có dự định sinh bé thứ hai, vì thế khi bị mất kinh, chị vô cùng lo lắng vì sợ bị “vỡ kế hoạch”. Chị vội vàng thử thai, kết quả chỉ có một vạch.
Cuối tháng 2/2022 vừa rồi, sau khi mất kinh 3 tháng, chị Hoa đã quyết định đi khám, siêu âm và kết quả vẫn là không có thai. Tại đây, bác sĩ tư vấn có thể do có vấn đề về nội tiết nên chị bị châm kinh và cần phải khám, làm xét nghiệm chuyên sâu để khẳng định.
Không chỉ nội tiết, yếu tố tinh thần cũng rất quan trọng
Bác sĩ Phan Chí Thành cho biết, COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cơ thể, trong đó vấn đề rối loạn kinh nguyệt ở chị em phụ nữ có thể là do nội tiết bị ảnh hưởng, hoặc cũng có thể do vấn đề về tâm lý. Theo đó, khi mắc COVID-19 ,một số trường hợp bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, điển hình như vấn đề lo âu, bồn chồn, mất ngủ, stress, thậm chí là trầm cảm… Điều này cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến vấn đề rối loạn kinh nguyệt.
Bác sĩ Phan Chí Thành cho biết, việc chị em mất kinh sau khi mắc COVID-19 do rất nhiều yếu tố. Ảnh: BSCC.
“Nội tiết tố quy định chu kỳ kinh của phụ nữ, nó là một tổng thể từ não tới mạch máu và buồng trứng. Khi mắc COVID-19, một số người bị ảnh hưởng tâm lý như stress, trầm cảm khiến trứng không rụng nên bị trễ kinh, mất kinh”, bác sĩ Thành phân tích.
Khi gặp tình huống này, việc đầu tiên chị em nên làm, theo bác sĩ Thành, là thử thai để xem mình có mang thai hay không. Bởi thực tế trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là khi gia đình phải cách ly, có nhiều thời gian bên nhau thường dễ bị “vỡ kế hoạch”.
Trường hợp không phải mang thai, nếu chị em gặp tình trạng mất kinh thì cần đi khám sản phụ khoa, từ đó bác sĩ sẽ có những tư vấn cụ thể, giúp điều chỉnh lại chu kỳ kinh nguyệt. Việc làm này cần thực hiện sớm, tốt nhất là ngay sau khi mất kinh, xác định mình không có thai.
Để có chu kỳ kinh nguyệt ổn định, bác sĩ Thành khuyên chị em nên có tâm lý, tư tưởng thoải mái, tránh căng thẳng mệt mỏi. Thường xuyên tập luyện thể thao vừa sức, bồi bổ dinh dưỡng hợp lý và đặc biệt sau khi mắc COVID-19 sự hỗ trợ, động viên của người thân là rất quan trọng.
Tin liên quan
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau bệnh tim mạch. Trong đó, có rất nhiều bệnh ung thư hoàn toàn có thể phòng...
Tin bài cùng chủ đề Tiến sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành
Mỗi lần gần gũi bạn gái tôi đều dùng bao cao su để phòng bệnh, nhưng như vậy lại làm giảm khả năng cương cứng. Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này? TS.BS Phan Chí Thành – Bệnh viện...