Nắng nóng khiến số lượng trẻ nhập viện gia tăng, ngoài những bệnh về tiêu hóa, hô hấp thường gặp, hiện đã xuất hiện trẻ mắc bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi, viêm não…
Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Hậu COVID-19, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng
Thời gian vừa qua cả nước đang phải hứng chịu những ngày nắng nóng đỉnh điểm nhất từ đầu năm tới nay. Đặc biệt, đây cũng là thời gian học sinh quay trở lại trường học sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, vì thế cũng là cơ hội khiến dịch bệnh gia tăng.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ đến khám và nhập viện ở tất cả các khoa, phòng khám khoảng hơn 1000 trẻ. Trong đó, số lượng trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu. Đáng lưu ý, tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em đã ghi nhận các bệnh nhân viêm não, tay chân miệng phải nhập viện điều trị. TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc trung tâm cảnh báo, phụ huynh nên chủ động phòng bệnh cho trẻ, bởi đây là giai đoạn vào mùa của bệnh viêm não.
Những ngày nắng nóng số lượng trẻ đến khám tại các bệnh viện gia tăng.
Tại bệnh viện Xanh Pôn, Đức Giang, Thanh Nhàn số trẻ nhập viện cũng tăng 15%-20% so với trước thời điểm nắng nóng. Tại khoa Nhi – Bệnh viện Thanh Nhàn mỗi ngày tiếp nhận vài chục bệnh nhi đến khám và nhập viện, đa số trẻ đến khám do sốt cao 39-40 độ, sốt virus, viêm phế quản do ảnh hưởng của nắng nóng.
Tại Đà Nẵng, bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó trưởng Khoa khám Đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1.000-1.200 lượt khám, cao hơn thời điểm trước đây 400-500 lượt. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của nắng nóng, trẻ nhập viện chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, viêm phổi, viêm trên khí quản, tiêu hóa, sốt siêu vi, tiêu chảy cấp…
Tại TP HCM, số trẻ nhập viện ở hai Bệnh viện nhi đồng 1 và 2 cũng gia tăng hơn trong những ngày nắng nóng. Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, ngoài các bệnh hô hấp, tiêu hóa thông thường, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt là tay chân miệng, sốt xuất huyết đang là thời điểm có nguy cơ mắc rất cao ở TP HCM trong giai đoạn này.
Trẻ đến khám trong những ngày nắng nóng chủ yếu do mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp.
Nguyên nhân không chỉ riêng nắng nóng
Tiến sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, sở dĩ thời gian này trẻ nhập viện nhiều là do đang giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, trẻ đi học, hoạt động nhiều sau thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19 nên nguy cơ làm gia tăng các bệnh cũng nhiều hơn.
“Thời tiết thay đổi nhanh khiến trẻ không thích ứng kịp, ăn uống không đầy đủ nên rất dễ mắc bệnh. Hơn nữa đây cũng là thời điểm một số virus gây bệnh phát triển mạnh như sởi, quai bị, rubera, tay chân miệng… Bởi vậy, số lượng trẻ nhập viện cũng sẽ tăng.
Đặc biệt, ở TP HCM đây là thời điểm mưa nhiều nên lượng nước trữ ở xung quanh nhà cũng tăng lên, tạo điều kiện cho muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Vì thế, các gia đình cần phải vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống xung quanh”, tiến sĩ Khanh chia sẻ.
Ngoài ra, tiến sĩ Khanh cũng cảnh báo thời tiết nắng nóng như hiện nay, trẻ nhỏ chơi – hoạt động ngoài trời nhiều, về nhà dùng điều hòa không đúng cách, ăn uống không đầy đủ… đó cũng là nguyên nhân khiến trẻ đổ bệnh.
Để phòng bệnh, tiến sĩ Trương Hữu Khánh khuyến cáo:
1. Trước hết, phụ huynh cần phải chích ngừa cho đủ cho trẻ, đặc biệt là các bệnh như sởi, quai bị, rubela, quai bị, ho gà, cúm….
2. Đặc biệt cần cho trẻ uống nước cho đủ. Với trẻ dưới 6 tháng cần bú đủ, trên 6 tháng cần căn lượng nước cho uống đủ hàng ngày. Trẻ lớn uống nhiều nước vì trẻ hay bị mất nước do chơi đùa nhiều. Ngoài ra, cho trẻ ngủ đủ giấc mỗi ngày. Tốt nhất là cho trẻ đi ngủ từ 21 giờ hàng ngày và thức dậy vào 6 giờ đến 6 giờ 30 phút ngày hôm sau.
Bảo vệ đúng cách cho con những ngày nắng nóng là vô cùng quan trọng để trẻ không bị ốm.
3. Không nên quá nghiêm ngặt trong việc sử dụng thiết bị điện. Về vấn đề này, tiến sĩ Khanh cho rằng, có nhiều gia đình vì sợ con ốm không cho dùng quạt, điều hòa… đây là một sai lầm.
Cũng có trường hợp, lạm dụng dùng quạt, điều hòa quá lạnh cũng không được. Mọi người nên dùng điều hòa ở mức 26 đến 27 độ, không nên nằm đúng luồng gió thổi ra. Sự chênh lệch ở ngoài và trong nhà không để quá lớn.
4. Trẻ đến trường bao giờ cũng dễ nhiễm bệnh hơn trẻ ở nhà. Tuy nhiên, không thể không cho trẻ đi học. Vì thế, khi đi học cần mang khẩu trang, đến trường nên rửa tay đúng cách. Về đến nhà nên thay quần áo, vệ sinh mũi để tránh lây cho em bé ở nhà cũng như những người khác trong gia đình. Phụ huynh đi làm nghề tiếp xúc với nhiều người, tiếp xúc với trẻ nhiều thì cũng nên rửa tay khi vừa về, thay quần áo…
5. Cần cho trẻ ăn đủ các vitamin, chất đạm, bổ sung khoáng chất. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, cho trẻ ăn nhiều rau, củ quả là rất tốt cho cơ thể.
Tin liên quan
Tết với mọi người là giây phút đoàn viên, sum họp bên gia đình. Nhưng với những đứa trẻ không may mắc ung thư, Tết chỉ là thời gian tạm nghỉ...
Tin bài cùng chủ đề Nắng nóng đỉnh điểm
Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết nắng nóng đỉnh điểm nên nhiều người dễ say nắng, trong đó, có 4 nhóm người có nguy cơ cao cần phải đặc biệt chú ý để bảo vệ sức khỏe.