Người phụ nữ bị trẹo chân nhưng chủ quan làm việc này, khi đến viện phải cắt cụt cả hai chân

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 23/02/2024 16:15 PM (GMT+7)

Sau khi bị trẹo chân, người phụ nữ chủ quan, tự điều trị dẫn tới chân bị hoại tử, khi đến viện thăm khám thì đôi chân đã không thể cứu vãn. 

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, vừa cho biết về trường hợp một nữ bệnh nhân 55 tuổi (ở Hà Nội), phải cắt cụt cả hai chân do ngại đi khám và tự ý dùng thuốc. 

Theo lời bệnh nhân, trước khi vào viện 1 tháng, bà bị trẹo chân trái nhưng do không quá đau và đúng dịp giáp Tết nên ngại đến viện khám. Bà tự mua thuốc về tiêm vào chân dù không biết thuốc tên gì. 

Sau một tuần điều trị tại nhà, cơn đau càng tăng, bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu. Thăm khám thấy bệnh nhân bị viêm mô bào, hoại tử cả 2 chân trên nền bệnh đái tháo đường, các bác sĩ đã chỉ định cắt cụt cả hai chi. 

Bác sĩ Thiệu cho biết, việc tự ý điều trị, dùng thuốc rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vì thế, bệnh nhân khi có dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay, không tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc để tránh tiền mất, tật mang. 

Rất nhiều trường hợp, nhất là người đái tháo đường do chủ quan nên phải cắt cụt chân. Ảnh: Ngọc Dung.

Rất nhiều trường hợp, nhất là người đái tháo đường do chủ quan nên phải cắt cụt chân. Ảnh: Ngọc Dung. 

Viêm mô bào hay viêm mô tế bào là bệnh khá phổ biến với biểu hiện là một nhiễm trùng cấp tính ở da và mô dưới da. Bệnh thường khởi phát ở một vùng da sưng, nóng, đỏ và đau, sau đó nhanh chóng lan rộng. Bệnh có thể xảy ra bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên thường gặp vùng da ở chi thể đặc biệt là chi dưới. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.

Đặc biệt, với trường hợp trên, ngoài viêm mô bào, bệnh nhân còn bị đái tháo đường, vì thế tình trạng sẽ càng nghiêm trọng và nguy cơ cắt cụt chi lớn hơn rất nhiều so với người không có bệnh nền. TS.BS Lâm Mỹ Hạnh - Phó khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh nhân bị đái tháo đường thường bị giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân, từ đó không nhận biết được các viết thương ở giai đoạn sớm, làm vết thương lan rộng gây nhiễm trùng và hoại tử ngọn chi nên phải tháo khớp và cắt cụt chi.

Ngoài cắt cụt chi, người bệnh đái tháo đường còn đối mặt với nhiều biến chứng khác như nhồi mái cơ tim, đột quỵ, tổn thương các mạch máu nhỏ ở cầu thận dẫn tới suy thận… Vì thế, bác sĩ Hạnh khuyến cáo, người mắc đái tháo đường cần đi khám và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không dùng bất cứ loại thuốc gì không rõ nguồn gốc hoặc khi chưa có chỉ định. Ngoài ra, người bệnh cần quản lý chế độ ăn, tăng cường vận động thể dục thể thao để kiểm soát đường huyết và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường. 

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Nên ăn nhiều rau xanh, củ quả để bảo vệ trái tim, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Rau củ là nguồn cung cấp kali, magie tự nhiên rất quan...

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tiểu đường..