Mỗi ngày, trung bình một người Việt tiêu thụ 3.026 Kcalo, tăng gấp rưỡi so với nửa thế kỷ trước. Theo chuyên gia dinh dưỡng, con số này quá “khủng” và đây là tín hiệu đáng lo hơn đáng mừng bởi không cẩn thận sẽ tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Người Việt đang ăn ngày càng nhiều, vượt cả Hàn Quốc, Nhật Bản
Mới đây, trên một trang thông tin ở nước ngoài có đưa một danh sách thống kê về mức ăn của người dân các quốc gia trên thế giới. Đây là thông tin do Đại học Oxford (Anh) tổng hợp số liệu của Liên Hợp Quốc về mức tiêu thụ calo của người dân các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo danh sách này, Bahrain là quốc gia tiêu thụ nhiều calo nhất, với con số trên trung bình một người dân là 4.000 Kcalo/ngày. Mỹ xếp thứ 2 với trung bình là 3.868 Kcalo/ngày. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 74 trên thế giới với lượng tiêu thụ 3.026 Kcalo/ngày. Nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha - những quốc gia có tuổi thọ thuộc top cao nhất thế giới thì mức tiêu thụ calo của người Việt Nam cao hơn khá nhiều. Theo đó, mức tiêu thụ của Hàn Quốc 2.081 Kcalo/ngày; Nhật Bản 2.472 Kcalo/ngày; Tây Ban Nha 2.661 Kcalo/ngày.
Mức tiêu thụ calo trung bình của người Việt Nam xếp hạng 74 thế giới, với tổng tiêu thụ 3.026 Kcalo/ngày.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nhìn vào số liệu trên thì lượng calo (năng lượng) trung bình mà người Việt Nam tiêu thụ là quá “khủng”. Có lẽ số liệu này chưa phản ánh đúng thực trạng hoặc có thể do cách lấy mẫu và thống kê có phần chưa hợp lý.
Bác sĩ Hưng thừa nhận, khi kinh tế được cải thiện thì lượng calo nạp vào cơ thể có tăng lên và chất lượng đồ ăn, thức uống cũng được cải thiện nhiều, nhất là khi so với trước những năm 2000. Việc tiêu thụ nhiều lượng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh cũng là nguyên nhân khiến lượng calo nạp vào cơ thể tăng cao.
Tuy nhiên, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng Toàn quốc năm 2019-2020 thì người trưởng thành Việt Nam đang tiêu thụ lượng calo trung bình khoảng 2.000 Kcalo/ngày. Trong đó, tùy vào giới tính, công việc con số có thể tăng giảm, ví dụ như nam giới có thể là 2.500 Kcalo, còn nữ giới khoảng 1.800 Kcalo. Hoặc những người lao động nặng sẽ nạp năng lượng đầu vào nhiều hơn so với dân văn phòng hay những người lao động đầu óc.
Mức tiêu thụ calo cao chưa chắc là tín hiệu đáng mừng vì nó sẽ là gánh nặng bệnh tật nếu năng lượng tiêu hao không tương xứng. (Ảnh minh họa)
Ăn nhiều không phải tín hiệu đáng mừng, có thể là nguy cơ bệnh tật
TS Nguyễn Trọng Hưng lưu ý, chúng ta đừng quá quan tâm đến nặng lượng nạp vào cơ thể, vì lượng calo nạp vào nhiều không phải là tín hiệu đáng mừng nếu không chú ý đến việc tiêu hao. Hoặc lượng calo nạp vào nhiều nhưng không cân đối, khi đó cơ thể sẽ đối diện với gánh nặng bệnh tật không hề nhỏ.
Theo đó, nếu theo con số thống kê trên, người Việt tiêu thụ (nạp vào) 3.026 Kcalo/ngày, nhưng quá trình hoạt động chỉ đốt cháy (tiêu hao) 2.000 Kcalo/ngày thì sau một thời gian chắc chắn sẽ tăng cân, béo phì. Trong khi đó, béo phì liên quan đến hàng loạt căn bệnh không lây nhiễm nguy hiểm như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…
Các loại nước uống chứa đường, đồ ăn nhanh nhiều chất béo khiến năng lượng nạp vào cơ thể rất nhiều. (Ảnh minh họa)
Vấn đề thứ hai cũng nguy hiểm không kém đối với sức khỏe, đó là lượng calo nạp vào nhiều, nhưng không cân đối. Bác sĩ Hưng lấy ví dụ, không ít người trẻ hiện nay nghiện trà sữa, nước ngọt có ga, mỗi ngày có thể nạp vài cốc, kèm theo sử dụng đồ ăn nhanh, ăn các bữa chính với gia đình… Khi cộng tổng lượng calo từ đồ ăn, nước uống có thể sẽ lên tới 3.000 Kcalo/ngày, nhưng như vậy là không cân đối. Lượng đường, lượng chất béo đến từ các đồ uống, đồ ăn nhanh rất lớn, trong khi các chất khác lại ít, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Do vậy, bác sĩ Hưng khuyên mọi người nên ăn cân đối, đa dạng thực phẩm và chia đều trong các bữa ăn hàng ngày. “Trung bình người Việt cần nạp khoảng 1.800 đến 2.000 Kcalo mỗi ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ, thì nên cân đối để chia đều cho 3 bữa chính với khoảng 1.500 đến 1.600 Kcalo; 200 đến 400 Kcalo còn lại sẽ dành cho các bữa phụ, đồ uống, trái cây hoặc đồ ăn vặt. Cụ thể hơn, một người có thể chia đều khoảng 500 Kcalo cho bữa sáng; 500 Kcalo cho bữa trưa và 500 Kcalo cho bữa tối. Cũng có thể sáng giảm bớt, trưa tối tăng lên hoặc sáng trưa tăng lên, tối giảm bớt đều được”, bác sĩ Hưng cho hay.
Mỗi người trưởng thành nên nạp khoàng 2.000 Kcalo/ngày và ăn đa dạng các nhóm thực phẩm để có được sức khỏe tốt nhất. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ lưu ý thêm, trong các bữa ăn chính cần tiêu thụ đủ các nhóm chất như đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Chẳng hạn, trong một bữa ăn chính, chúng ta có thể ăn 200 Kcalo từ đường bột (bằng 1-1,5 bát cơm); 200 Kcalo từ chất đạm, chất béo (các loại thịt cá, dầu mỡ) và 100 calo từ rau xanh, quả chín. Như vậy, bữa ăn sẽ rất cân đối và đủ chất.
Ngoài ra, trong một ngày, ngoài hoạt động phục vụ công việc, mọi người cũng nên tập luyện thể dục, thể thao hợp lý để tiêu hao năng lượng đã nạp vào, như vậy mới không lo tăng cân.
Tin liên quan
Trong đời sống ẩm thực, có những món ăn ngay chính tay mình làm nhưng vẫn có thể gây bệnh nếu chọn sai cách chế biến, nấu nướng.
Một số phụ nữ không cảm nhận được khoái cảm của "cuộc yêu" vì họ cảm thấy đau mỗi khi gần gũi. Tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục nếu bị...
Trong mùa hè nắng nóng, việc kết hợp tôm và cua để nấu canh với các loại rau được nhiều gia đình thực hiện thường xuyên nhưng điều này có...
Chế độ ăn là yếu tố quan trong giúp tăng tuổi thọ, trong đó chế độ ăn nhiều cá, nhất là cá biển luôn được các chuyên gia khuyên thực hiện....
Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng
Khi thời tiết lạnh, ngoài giữ ấm cơ thể, việc ăn uống khoa học và hợp lý cũng giúp bảo vệ sức khỏe rất tốt, nhất là với các bệnh liên quan đến đường hô hấp.