Nếu bạn đang tìm kiếm một loại đồ uống vừa ngon ngọt, vừa có tác dụng giải khát và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nước dừa có thể là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên uống loại nước này.
Nước dừa là chất lỏng trong suốt bên trong trái dừa, khác với nước cốt dừa - là sự hòa trộn (và vắt lấy nước) của nước dừa và dừa nạo. Theo Healthline, nước dừa được thu hoạch từ những quả dừa chưa chín khoảng sáu đến bảy tháng tuổi. Dừa thường mất từ 10 tháng đến cả năm để chín hoàn toàn.
Nước dừa có nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Nước dừa có tốt cho bạn không?
Mặc dù nước dừa không phải là thuốc chữa bách bệnh nhưng nó có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì vậy, câu trả lời là có, và đây là một số lý do:
- Ít đường và calo;
- Có nhiều chất điện giải như kali;
- Có vitamin và khoáng chất (vitamin C, vitamin B1, mangan và phốt pho);
- Không có chất béo hoặc cholesterol;
- Có canxi
- Có thể là một chất chống oxy hóa;
- Có thể giúp giảm lượng đường trong máu, từ đó phần nào có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường;
- Có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận.
Bạn nên uống bao nhiêu nước dừa mỗi ngày?
Theo WebMD, mặc dù không có lượng nước dừa tiêu chuẩn mà một người nên tiêu thụ hàng ngày, nhưng mọi người có thể uống từ một đến hai cốc mỗi ngày.
Nước dừa là thức uống nhiều người lựa chọn trong nhữn ngày nắng nóng. (Ảnh minh họa)
Nhược điểm của nước dừa là gì?
Mặc dù nước dừa có nhiều lợi ích, nhưng uống quá nhiều có thể gây hại. Nước dừa có hàm lượng natri cao, vì vậy uống nhiều có thể chiếm phần lớn lượng natri cho phép hàng ngày của bạn. Theo WebMD, nước dừa cũng có khả năng hạ huyết áp và những người có vấn đề về huyết áp nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống.
Ai không nên uống nước dừa?
Kacie Vavrek, một chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế Wexner của Đại học Bang Ohio (Mỹ) viết rằng những người mắc bệnh thận mãn tính không nên uống “một lượng lớn nước dừa” vì nó có hàm lượng kali cao. Quá nhiều kali ở những người có vấn đề về thận có thể gây tăng kali máu (mức kali trong máu cao), từ đó thậm chí dẫn đến gây tử vong.
Do lượng natri cao trong nước dừa nên những người bị huyết áp cao cũng nên lưu ý về lượng tiêu thụ.
Người không có bệnh lý cần thận trọng thì mỗi ngày có thể uống 1-2 cốc nước dừa. (Ảnh minh họa)
Trẻ sơ sinh uống nước dừa được không?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Mỹ), trẻ dưới một tuổi không nên được cho uống nước trái cây. Sau một tuổi, có thể cho trẻ dùng dưới 30ml nước trái cây 100%. Như vậy, trẻ từ 1 tuổi có thể uống nước dừa. Trẻ sơ sinh có thể bắt đầu ăn một chút cùi dừa khi được khoảng sáu tháng tuổi, đây là độ tuổi mà hầu hết các bé có thể bắt đầu ăn thức ăn đặc.