Mận là loại quả được nhiều người yêu thích vào mùa hè, tuy nhiên nếu lạm dụng, hoặc ăn không đúng cách có thể gây nhiều hệ lụy với sức khỏe.
Mận có thể làm thuốc và có nhiều tác dụng với cơ thể
Vào khoảng tháng 4 đến tháng 5 hàng năm, mận bắt đầu vào mùa và được bày bán nhiều từ các chợ, cho đến hè phố, trong siêu thị. Khi vào chính vụ, mận có giá rẻ, được nhiều người thích ăn, nhất là khi trộn muối ớt, hoặc ngâm ô mai sẽ kích thích vị giác người dùng hơn.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), quả mận vị chua chát, tính nóng, có tác dụng bổ xương, chủ trị đau xương khớp. Quả mận và cả hạt mận đều có giá trị làm thuốc trong đông y, tuy nhiên khi sử dụng đa số mọi người thường bỏ hạt.
Có nhiều loại mận khác nhau, nhưng giá trị dinh dưỡng không có sự khác biệt nhiều. Ảnh minh họa.
Dưới góc độ dinh dưỡng, bác sĩ Đoàn Thu Hồng (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam) cho biết, hiện trên thị trường có nhiều loại mận khác nhau, nhưng về thành phần dinh dưỡng về cơ bản là giống nhau. Mận chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giàu chất xơ... giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính.
Đặc biệt, mận là loại quả giàu chất chống oxy hóa giúp giảm viêm và bảo vệ tế bào trong cơ thể khỏi bị tổn thương bởi các gốc tự do. Chất polyphenol trong mận có tác động tích cực đến sức khỏe xương và giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, do hàm lượng chất xơ, kali và chất chống oxy hóa cao mà mận có thể giúp làm giảm huyết áp và mức cholesterol, thúc đẩy sức khỏe tim mạch.
Sai lầm thường gặp khi ăn mận
Ăn quá nhiều mận
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, mận có vị chua vì thế kích thích vị giác khi ăn, khi sử dụng đa số mọi người thường ăn với số lượng nhiều. Tuy nhiên, ăn nhiều mận sẽ gây nổi mụn trên cơ thể, do mận có tính nóng. Ngoài ra, chất chua trong mận có khả năng phân giải Ca-P, protein trong cơ thể, ăn quá nhiều sẽ không tốt.
“Các nghiên cứu trong đông y đã chứng minh, ăn quá nhiều mận có thể gây ra hiện tượng nóng trong, sinh nhiệt và gây nên mụn nhọt trong cơ thể. Phụ nữ mang thai thường có thân nhiệt nóng hơn người bình thường, nên tránh ăn mận kẻo sinh phát ban hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé”, ông Sáng chia sẻ.
Ăn quá nhiều mận có thể gây nóng trong, hại thận. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, ăn nhiều mận có thể cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Điều này sẽ gây ra hiện tượng kết tủa trong thận, sau một thời gian dài có thể gây ra sỏi thận và sỏi bàng quang, do mận chứa nhiều chất oxalat không tốt cho thận.
Lời khuyên: Mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 200 gam mận, tương đương dưới 10 quả. Không nên ăn dồn vào cùng một thời điểm, tốt nhất hãy chia đều để ăn trong ngày.
Gọt vỏ khi ăn
Bác sĩ Đoàn Thu Hồng cho biết, nhiều người cẩn thận thường gọt vỏ mận trước khi ăn do lo sợ có chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật dính ngoài bề mặt quả mận. Điều này không cần thiết.
Gọt vỏ mận trước khi ăn sẽ làm mất đi nhiều dinh dưỡng và vitamin. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Hồng, vỏ mận chứa hàm lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa còn cao hơn so với thịt mận. Vì thế, khi gọt vỏ, vô tình chúng ta đã loại bỏ nguồn vitamin và khoáng chất rất tốt cho cơ thể.
Trước khi ăn, chỉ nên rửa sạch lớp phấn trên vỏ mận để tránh bị dị ứng cũng như giảm thiểu thuốc trừ sâu và vi khuẩn trên vỏ. Thực tế, lớp phấn trắng trên quả mận là một phần an toàn tự nhiên của trái cây, chúng đóng vai trò như một rào cản chống lại côn trùng và vi khuẩn giúp giữ ẩm cho trái cây.
Lời khuyên: Chỉ nên rửa sạch mận trước khi ăn, có thể dùng nước muối loãng, ngâm quả mận trước khi sử dụng.
Chấm quá nhiều muối, ngâm quá nhiều đường
Theo bác sĩ Hồng, đây là sai lầm thường gặp nhất khi ăn mận. Theo đó, khi ăn mận đa số mọi người thường chấm thêm các loại muối có vị chua, cay và độ mặn khác nhau. Điều này sẽ gây hại nghiêm trọng với sức khỏe, nhất là những người có bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, bệnh thận…
Thói quen chấm muối khi ăn mận không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Theo khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5 gam muối mỗi ngày. Nếu mỗi lần ăn mận chấm muối gia vị thì lượng muối đã vượt quá số lượng khuyến cáo. Trong khi đó, ăn mặn là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh lý như huyết áp, tim mạch và bệnh thận.
Ngoài ra, nhiều người còn có thói quen ngâm siro mận, làm ô mai mận để ăn dần. Khi chế biến những món này, lượng đường được dùng khá lớn. Trong khi khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành không dùng quá 50g gam đường/ngày. Cũng giống như muối, việc dùng nhiều đường sẽ gây nên nhiều bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tim mạch và gây tăng cân.
Lời khuyên: Không nên chấm muối khi ăn mận. Khi dùng nước siro mận, nên pha loãng và cân đối lượng đường có thể nạp vào cơ thể. Không nên dùng nước siro mận quá thường xuyên.
Tin liên quan
Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, ngoài thoa kem chống nắng để bảo vệ da, uống đủ nước giúp cơ thể trao đổi chất tốt, ăn các loại quả dưới...
Do môi trường sống gần nguồn nước bẩn hoặc bùn đất mà nhiều loại rau củ dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Khi không được chế biến, bảo quản đúng...
Nhiều người thích dâu tằm nhưng không phải ai ăn cũng hợp, nên lưu ý để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cơm của quả sầu riêng có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, ngừa được nhiều bệnh nhưng chúng ta không nên ăn kết hợp với sữa và...
Tin bài cùng chủ đề Lương y Bùi Đắc Sáng
Loại quả này rất phổ biến ở Việt Nam, đang có giá cao và được các thương lái thu mua rất nhiều. Về phương diện sức khỏe, loại quả này cũng có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ và điều trị...
Dinh dưỡng - Lối sống khác