Rau ngót có thể gây ra một số tác dụng phụ thậm chí khá nguy hiểm nên mọi người cân nhắc ăn vừa phải.
Rau ngót là loại rau ngon, bổ dưỡng và giúp giải nhiệt tốt trong những ngày hè nắng nóng nên được nhiều gia đình lựa chọn.
Cây rau ngót có tên khoa học là Sauropus androgynus, một loại cây rau lá hay trồng ở các vùng nhiệt đới. Rau ngót thường mọc hoang hoặc được trồng ở khắp các vùng Việt Nam để lấy lá làm rau ăn, nấu canh. Do đặc tính dễ chăm, dễ sống nên rau ngót hay được tận dụng trồng ở nơi ít đất, quanh vườn, ao, bờ rào.
Theo đông y, rau ngót có tính mát, giúp thanh nhiệt và đặc biệt rất lành tính. Về mặt ẩm thực, rau ngót cũng là một loại rau rất dễ ăn và kết hợp cùng các món khác. Loại rau này chứa nhiều vitamin, kali, canxi, magiê, B1, B2, B6. Vì vậy, rau ngót đặc biệt rất tốt cho người già và trẻ nhỏ.
Rau ngót nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Rau ngót cũng chứa nhiều β-carotene α- và β-caroten được chuyển hóa một phần thành vitamin A. Rau ngót cũng có hàm lượng vitamin A, vitamin C cao hơn hẳn so với bưởi, chanh, cam... Vitamin A cần thiết cho sự tăng trưởng, tốt cho mắt, chống nhiễm khuẩn và duy trì làn da khỏe mạnh. Còn vitamin C là yếu tố cần thiết để vết thương mau lành và chống lão hóa, giúp cải thiện chức năng não.
Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh lá rau ngót có khả năng giảm mức glucose trong máu, từ đó góp phần làm giảm bệnh tiểu đường.
Tuy rau ngót ngon và bổ nhưng nó cũng có thể gây một số tác dụng phụ khi lạm dụng và sử dụng không đúng cách.
1. Không tốt cho phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai thường được khuyên không nên ăn rau ngót. Thực tế khi mang thai vẫn có thể ăn được rau ngót nhưng nên hạn chế, chỉ ăn khoảng 2-3 bữa mỗi tuần và không nên ăn trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Đặc biệt phụ nữ đang mang thai tuyệt đối không ăn rau ngót sống hoặc uống sinh tố rau ngót. Bởi vì rau ngót tươi có chứa hàm lượng papaverin cao có thể gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung khiến chị em dễ sảy thai. Chính vì vậy phụ nữ mang thai, nhất là những người có tiền sử sảy thai liên tiếp, đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm nên hạn chế ăn rau ngót, đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao.
Bà bầu không nên uống hay ăn rau ngót tươi. (Ảnh minh họa)
2. Gây mất ngủ
Bạn sẽ cảm thấy khá bất ngờ nhưng ăn rau ngót có thể gây mất ngủ. Tại Đài Loan, đã có báo cáo rằng trong những người uống nước ép rau ngót (150g) từ 2 tuần đến 7 tháng đã xuất hiện các triệu chứng khó ngủ, ăn uống kém đi và khó thở.
Tuy nhiên, những triệu chứng này biến mất sau một ngày ngừng tiêu thụ nước ép rau ngót. Theo tờ Sriana, quá trình đun sôi cũng có thể làm giảm những tác dụng phụ trên. Do đó, những người già, người ít ngủ, khó ngủ không nên ăn quá nhiều loại rau này để tránh mất ngủ.
3. Cản trở quá trình hấp thụ dinh dưỡng
Glucocorticoid là kết quả từ quá trình trao đổi chất của lá rau ngót có thể gây cản trở cho quá trình hấp thụ canxi và phốt pho có trong chính lá rau ngót và thực phẩm khác được ăn kèm.
Bên cạnh đó, rau ngót có hàm lượng polyphenol cao, chẳng hạn như tanin, cũng ức chế sự hấp thụ kẽm và sắt. Do đó nên sử dụng rau ngót với một lượng vừa phải, không nên lạm dụng loại rau này cho dù ngon bổ tới mấy.
Rau ngót ăn bao nhiêu là đủ?
Các bác sĩ khuyến cáo đối với người dân khi sử dụng rau ngót chỉ nên ăn với số lượng nhỏ, vừa phải, tối đa là 50g/1 ngày và không ăn liên tục trong 3 tháng để đảm bảo sức khỏe. Rau ngót tốt cho các bà mẹ sau sinh nhưng cũng không nên ăn quá nhiều.
Lưu ý: Trước khi nấu nên rửa sạch rau ngót, ngâm nước muối khoảng 15 - 20 phút, sau đó vò sơ và cho vào nấu chín để rau được mềm hơn.