Bột sắn dây pha nước được cho là một trong những thức uống giúp làm mát và hữu ích cho tiêu hóa. Mời bạn cùng tìm hiểu thêm về những tác dụng cũng như lưu ý khi sử dụng bột sắn dây.
Sắn dây và bột sắn dây là gì?
Sắn dây có tên khoa học là Pueraria thomsonii Benth., thuộc họ Đậu (Fabaceae). Đây là một loài dây leo, có thể dài đến 10m, rễ phát triển to lên thành củ. Thân cây hơi có lông.
Tại nước ta, sắn dây được trồng từ lâu đời ở đồng bằng và miền núi. Cây ưa sáng, sinh trưởng và phát triển được trên nhiều loại đất. Ở miền núi, đôi khi người ta cũng khai thác và sử dụng cây sắn dây mọc hoang, nhưng rễ này thường nhỏ, gầy, ít bột, nhiều xơ và có vị hơi đắng.
Ở cây sắn dây, bộ phận dùng là rễ củ, thu hái từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Củ sắn dây sau khi thu hoạch được đem rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con và cạo lớp vỏ ngoài, rồi chế biến ngay, vì để lâu sẽ giảm chất lượng, dễ thối hỏng.
Bột sắn dây chính là phần tinh bột màu trắng của củ sắn dây sau khi chế biến xong. Đây là bộ phận chứa nhiều chất dinh dưỡng của cây sắn.
Bột sắn dây có nhiều lợi ích cho sức khỏe khi dùng đúng. Ảnh minh họa
Trong y học cổ truyền, sắn dây được dùng với tên thuốc là cát căn, có tác dụng giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, tiêu độc, hạ sốt, trị mẩn ngứa, rôm sảy, mụn nhọt…
Bột sắn dây có tác dụng gì?
Bột sắn dây có nhiều tác dụng cho sức khỏe:
Bột sắn dây giúp giải khát hiệu quả
Bột sắn dây giúp bạn giải tỏa cơn khát và chống mệt mỏi. Pha bột sắn dây với nước đun sôi để nguội (có thể thêm chút đường) hoặc quấy cho chín đều rồi dùng trong những ngày hè oi nóng hay khi vừa làm việc vất vả, ở ngoài trời về...
Bột sắn dây hỗ trợ giải rượu, bảo vệ gan
Uống bột sắn dây giúp làm hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim và hỗ trợ giải độc hiệu quả. Loại bột này còn giúp hạn chế lượng rượu hấp thu vào cơ thể, làm giảm cơn say rượu và bảo vệ gan.
Bột sắn dây giúp cải thiện tiêu hóa
Tinh bột từ sắn dây hỗ trợ quá trình tiêu hóa ở người viêm loét dạ dày. Khi tinh bột vào cơ thể sẽ giúp trung hòa lượng axit còn trong dạ dày, tạo cảm giác dễ chịu và ăn uống ngon miệng hơn.
Bột sắn dây pha với mật ong có độc không?
Có nhiều thông tin lan truyền rằng bột sắn dây khi pha chung với mật ong có thể gây ngộ độc, thậm chí chết người. Các chuyên gia khẳng định, điều này không đúng. Bột sắn dây và mật ong không nằm trong nhóm thực phẩm tương phản nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hợp với nhau. Tuy nhiên, khi pha chung, cần đảm bảo độ an toàn vệ sinh thực phẩm của cả 2 nguyên liệu, nếu không dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc, tiêu chảy.
Bột sắn dây pha mật ong không gây độc như lời đồn. (Ảnh minh họa)
Theo lương y Vũ Quốc Trung, mật ong có thành phần chính là đường glucose, đường fructose và một số vitamin, nguyên tố vi lượng. Còn bột sắn dây được sản xuất theo công nghệ sàng lọc thành tinh bột, sau khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường glucose. Cả 2 nguyên liệu này rất giàu dinh dưỡng. Trong đó, bột sắn dây có tính mát, mật ong có tính bình, kết hợp với nhau sẽ không gây nên bất cứ phản ứng bất lợi nào. Thậm chí, một số tài liệu cho thấy, kết hợp bột sắn dây và mật ong theo liều lượng thích hợp còn tạo nên loại đồ uống giải nhiệt, hữu ích cho hệ tiêu hóa, giúp giảm mụn nhọt, rôm sảy, đau đầu trong mùa nắng nóng.
Lưu ý khi sử dụng bột sắn dây
- Thực phẩm nào, dù tốt tới đâu cũng chỉ nên dùng lượng vừa phải. Sắn dây sẽ có lợi cho sức khỏe nhất khi được uống chín và không uống quá một cốc mỗi ngày.
- Không nên ướp hoa bưởi vào sắn dây hay mua loại sắn dây được tẩm ướp hoa bưởi vì muốn thơm hơn bởi theo một số chuyên gia, sự kết hợp này có thể làm giảm dược tính của bột sắn dây.
Không nên ướp hoa bưởi vào bột sắn dây. (Ảnh minh họa)
- Trẻ em không nên sử dụng bột sắn dây pha sống. Sắn dây vốn là dạng bột sống, tính hàn. Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, sử dụng loại nước pha bột sống có thể khiến trẻ dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy. Nên quấy chín bột sắn dây cho trẻ dùng để đảm bảo an toàn và dễ hấp thụ hơn.
- Phụ nữ mang thai nếu muốn sử dụng bột sắn dây pha nước uống nên hỏi ý kiến bác sĩ trước. Những trường hợp cơ thể mệt mỏi, có biểu hiện tụt huyết áp hay có dấu hiệu động thai thì cần tránh dùng bột sắn dây.
- Pha bột sắn dây chỉ nên cho một chút đường vì sử dụng nhiều đường không tốt cho sức khỏe.
Các bài thuốc dùng bột sắn dây
Nước pha bột sắn dây (hay còn gọi là nước cát căn) có thể dùng trong các chứng viêm loét miệng, sinh mụn nhọt, các chứng bí tiểu tiện, tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu đục, bã đắp chữa sưng đau.
- Chữa đau đầu, sốt nóng, đau mình mẩy: Cát căn 10g, địa liền 5g, bạch chỉ 5g. Phơi khô, tán bột, rây mịn. Ngày uống 10g chia làm hai lần.
- Thuốc giải nhiệt, tiêu khát, tiêu độc: Rau má để tươi rửa sạch 20g, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước rồi hòa 10g bột sắn dây. Thêm đường, uống làm một lần. Ngày vài lần.
- Chữa sốt rét, khát nước, không có mồ hôi: Cát căn 8g, đại táo 5g, ma hoàng 5g, gừng sống 5g, cam thảo 4g, quế chi 4g, bạch thược 4g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.