Nghĩ đơn giản do con mình nóng trong, ít uống nước và ăn rau nên chị H. làm theo lời mọi người xung quanh tư vấn đó đã mua thuốc mát gan về cho con uống. Tuy nhiên, tình trạng của bé ngày càng nặng.
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Bưu điện cho biết, trong những ngày khám, tư vấn miễn phí các bệnh lý vùng hậu môn, trực tràng diễn ra tại Bệnh viện vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân ở các lứa tuổi. Trong đó, nhiều trường hợp khám đã phát hiện bị polyp, khối u thậm chí là ung thư trực tràng.
Theo các bác sĩ, phần lớn là do người bệnh chủ quan, cho rằng các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa, chảy máu vùng hậu môn, đi ngoài ra máu… chỉ là do cơ địa, do ăn uống hoặc là do bị trĩ nên không đi khám hoặc đi soi trực tràng mà tự ý điều trị bệnh tại nhà. Chính vì thế, khi đến bệnh viện, diễn tiến của bệnh đã nặng hơn rất nhiều, điều trị không đơn giản như lúc mới bị bệnh.
Bé A được khám và soi trực tràng miễn phí tại Bệnh viện Bưu điện
Như trường hợp của bé Nguyễn Thị Minh A. (6 tuổi, quê Thái Bình) bị đi ngoài ra máu tươi cách đây hơn 1 tháng. Nghĩ đơn giản do con mình nóng trong, ít uống nước và ăn rau nên chị Phạm Thị H. làm theo lời mọi người xung quanh tư vấn đó đã mua thuốc mát gan về cho con uống.
Tuy nhiên, việc đi ngoài ra máu của cháu A. không hề giảm mà có dấu hiệu nặng lên, lượng máu tươi kèm phân trong mỗi lần đi ngoài ngày càng nhiều. Khi ấy, chị H. mới tá hỏa đưa con đến Bệnh viện Bưu điện khám.
Tại Bệnh viện, bé A. đã được các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp và Nội soi – Thăm dò chức năng khám và soi trực tràng miễn phí. Kết quả cho thấy, nguyên nhân của việc cháu bé bị chảy máu khi đi ngoài là do trực tràng của bé có polyp.
Mặc dù polyp lành tính nhưng nếu không đi khám và có biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây chảy máu kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của bé về sau.
Ngay sau khi được các bác sĩ giải thích, tư vấn, chị H. đã đồng ý nhờ các bác sĩ thực hiện thủ thuật cắt polyp qua nội soi cho bé Minh A.
Đây là thủ thuật đơn giản, nhẹ nhàng, khá an toàn, không gây đau đớn và không mất nhiều thời gian của người bệnh. Ngay sau khi thực hiện thủ thuật, bé A. có thể về nhà, không cần điều trị nội trú tại bệnh viện.
Biểu hiện Polyp đại trực tràng ở trẻ em
Các bác sĩ cho biết, biểu hiện lâm sàng nổi bật của bệnh polyp đại trực tràng ở trẻ em là đi ngoài phân máu và máu tươi nhỏ giọt cuối bãi chiếm tỷ lệ 94,2%, máu có thể bao ngoài khuôn phân thành sọc.
Bên cạnh đó, trẻ có thể đi ngoài phân nhầy máu gặp với tỷ lệ 12,8%. Những trường hợp phân nhầy máu thường gặp ở những bệnh nhân có polyp trực tràng sát hậu môn nên có thể dễ nhầm với hội chứng lỵ ở trẻ nhỏ.
Đôi khi polyp có thể tự đứt gây tình trạng mất máu cấp tính đe dọa tính mạng của bệnh nhân nếu không điều trị kịp thời. Polyp cũng có thể sa lồi ra ngoài khi polyp ở vị trí thấp gây cảm giác đau rát cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ một số ít trẻ được chẩn đoán đúng là polyp đại trực tràng, do vậy nhiều trường hợp trẻ phải dùng nhiều loại thuốc kháng sinh một cách không cần thiết mà không trị dứt được bệnh.
Theo các bác sĩ, nhiều người hay quan niệm bệnh hậu môn, trực tràng là bệnh của người già, thế nhưng, đây là quan niệm sai lầm vì tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc, kể cả trẻ nhỏ. Do đó, nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh để lại hậu quả.
Tuyệt đối không nên tự chẩn đoán rồi mua thuốc uống hoặc tự chữa theo kinh nghiệm dân gian khiến bệnh không khỏi mà còn có thể xảy ra những diễn biến xấu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.