Xước măng rô ở cạnh móng tay là tình trạng hầu như ai cũng gặp phải. Vết xước này tưởng chừng như rất nhỏ và không có gì nghiêm trọng, tuy nhiên một vụ việc mới đây xảy ra tại Đại Liên, Trung Quốc sẽ khiến nhiều người phải giật mình.
Cô Xiao Liu sống tại Đại Liên thấy ở rìa móng tay giữa có vết xước măng rô nên tiện tay xé đứt luôn cho đỡ vướng. Thời điểm ấy, cô Liu cũng thấy có chút đau nhói nhưng không quan tâm vì trước đây cô vẫn thường làm vậy và tiếp tục đi giặt quần áo.
Ngày hôm sau, cô thấy ngón tay giữa bắt đầu sưng lên và hơi đau. Đến chiều, cô thấy xung quanh vết xước ngày hôm qua xuất hiện những đốm trắng và hơi có mủ. Ngón tay ngày càng sưng đau hơn khiến cho buổi tối cô không thể nào ngủ được nên phải tới phòng cấp cứu Bệnh viện Quân y 210.
Bác sĩ Wen Peng – khoa cấp cứu chẩn đoán cô Liu đã bị viêm ở ngón tay, nếu không kịp thời chữa trị sẽ dẫn tới nhiễm trùng huyết hoặc ăn vào tủy xương phải cắt bỏ ngón tay. Sau khi rạch vết thương loại bỏ mủ và dùng thuốc cùng kháng sinh tại chỗ, triệu chứng viêm đã giảm dần, không còn sưng, đau.
Xước măng rô phải xử lý thế nào mới đúng?
Bác sĩ Wen Peng làm việc tại khoa cấp cứu, Bệnh viện Quân y 210 cho biết xước măng rô là hiện tượng phần da ở xung quanh móng tay hoặc móng chân bị bong ra thành sợi. Nhiều người vì cảm thấy phần da này gây khó chịu nên sẽ dùng tay hoặc miệng cắn đứt các sợi măng rô tạo thành vết thương hở.
Điều này sẽ vô tình khiến vi khuẩn từ miệng hoặc tay nhiễm sang vết thương, gây viêm hoặc thậm chí nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng tới tính mạng.
Cách xử lý chính xác khi bị xước măng rô đó là ngâm tay trong nước ấm khoảng 5 phút cho phần xước mềm ra, sau đó dùng dụng cụ cắt đã được vô trùng cắt sát vào phần chân của sợi da. Sau khi cắt, tránh động vào vết xước làm vùng xước bị sưng tấy và nhiễm trùng.
Việc xước măng rô không liên quan tới việc thiếu vitamin nên không mù quáng bổ sung vitamin bừa bãi.
Lời khuyên của bác sĩ
Nếu xử lý vết xước măng rô không đúng cách mà tự dùng răng hay tay xé rach có thể dẫn tới tổn thương da, nhiễm trùng da từ nhẹ tới nghiêm trọng, viêm ngón tay, áp xe da hoặc nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết, gây viêm tủy xương có thể phải cắt cụt.
Đề phòng xước măng rô
Nếu xước măng rô liên quan đến chế độ dinh dưỡng thì cần điều chỉnh chế độ ăn như bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, thực phẩm giàu acid folic (cá, các loại rau có màu xanh thẫm,...)
Khi móng tay đã bị xước thì sử dụng dầu vitamin E sẽ rất hiệu quả vì nó làm cho nền móng được dưỡng ẩm tốt và mềm mại hơn. Và hơn nữa, vitamin E có khả năng phục hồi làn da bị xước.
Còn nếu xước măng rô là theo kỳ kinh nguyệt thì không nên tác động. Đợi hết kỳ, các vết xước sẽ tự động khỏi.