Nhiệt độ mùa hè ngày càng tăng cao, có rất nhiều người phải nhập viện vì say nắng. Trường hợp người phụ nữ 70 tử vong do thân nhiệt tăng quá cao trong những ngày nắng nóng là minh chứng.
Bác sĩ Chu Bạch Linh, Giám đốc Trung tâm phòng chống đột quỵ nhiệt của Bệnh viện đa khoa quân y (Đài Loan) cho biết, ngày 23/6, ít nhất có 3 người được đưa đến bệnh viện cấp cứu do say nắng.
Tiêu biểu là trường hợp, bà Vương hơn 70 tuối ở một mình trên tầng cao nhất trong căn nhà 3 tầng. Vì không muốn tốn kém tiền điện nên bà Vương đã không bật điều hòa, bình thường chỉ dùng quạt điện và mở cửa sổ để hạ nhiệt.
Nhưng 2 ngày trước bà Vương bắt đầu không muốn ăn uống, gia đình dùng tay sờ trán kiểm tra thân nhiệt thì không phát hiện bất thường. Không lâu sau đó bà Vương đã qua đời, khi bác sĩ kiểm tra y tế phát hiện nhiệt độ hậu môn của bà Vương lên đến 45 độ.
Bác sĩ Chu giải thích: Do máu lưu thông trong cơ thể những người lớn tuổi kém, dùng tay chạm trán để kiểm tra nhiệt độ sẽ không chính xác. Trong điều kiện nhiệt độ cao và thời tiết nóng như vậy, bác sĩ Chu Bạch Linh nhắc nhở những người lớn tuổi phải chú ý làm mát cơ thể, đừng vì quá tiết kiệm tiền mà chịu đựng sự nóng bức.
Ngoài ra, bác sĩ Chu cũng chia sẻ về trường hợp người đàn ông làm việc khuân vác nhiều giờ trong trời nắng nóng. Vì anh ta không nghỉ ngơi hợp lý, nên trong khi làm việc đã xuất hiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt, không lâu sau thì rơi vào tình trạng hôn mê. Ngay lập tức, người đàn ông được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện. Nhiệt độ cơ thể là 43,5 độ C, tình trạng rất nguy kịch, gây suy đa tạng.
Theo bác sĩ Chu: Nhiệt độ quá nóng gây cho cơ thể con người nhiều khó chịu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe hoặc thậm chí tử vong. Đó là do nắng nóng làm cơ thể dễ mất nước, mà có thể gây ra tăng khát, suy nhược, chóng mặt, đánh trống ngực và ngất xỉu.
Kiệt sức do nhiệt xảy ra khi cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều mà không kịp bồi phụ nước. Cảm nhiệt thường xảy ra khi cơ thể mất khả năng tự làm mát, với những trường hợp này, người bệnh cần phải được cấp cứu ngay. Những ngày nắng nóng, nên uống nước nhiều hơn bình thường trước khi có cảm giác khát.
Bác sĩ Chu Bạch Linh
5 cách đối phó nắng nóng kỷ lục
1. Uống nhiều nước
Nước là thành phần không thể thiếu giúp cân bằng và duy trì nhiệt độ của cơ thể, tránh hiện tượng say nắng, cảm nắng. Trong mùa nóng kỷ lục, bạn nên uống nhiều nước và đúng cách để bù lượng nước mất qua bài tiết. Cách tốt nhất là uống nước trái cây hoặc đồ uống điện giải. Nếu bạn tập thể dục, không uống viên muối trừ khi bác sĩ đồng ý.
Lượng nước trung bình mỗi người nên uống hằng ngày là từ 1,5 - 2 lít, nhưng trong mùa nóng, bạn có thể cần một lượng lớn hơn, khoảng 2,5 - 3 lít. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước chính xác mà bạn nên bổ sung hàng ngày.
2. Ăn nhiều rau xanh và trái cây
Rau và trái cây chứa rất nhiều vitamin giúp tăng cường sức đề kháng, giải nhiệt, giải độc cho cơ thể giúp bạn cảm thấy sảng khoái, mát mẻ trong mùa hè. Trung bình, mỗi người nên ăn ít nhất 200gr trái cây và 300gr rau. Các món canh chua với nhiều nước, chế biến đơn giản và có tác dụng làm mát như súp cua, hến, thịt nạc nấu chua … rất thích hợp cho mùa hè.
3. Tránh không gian kín khi thời tiết oi bức
Ở trong không gian kín khi trời nắng nóng sẽ khiến cơ thể bị ngột ngạt, khó thở gây bức bối nên nếu ở phòng kín có điều hòa chúng ta cũng nên sử dụng thêm quạt thông gió hoặc có khe hở giúp thoáng khí.
4. Không để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời quá lâu
Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, tốt nhất chúng ta nên hạn chế ra ngoài hoặc đi chơi, hoạt động thể lực trong không gian nắng nóng. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ cơ thể để tránh cảm nắng.
5. Dùng điều hòa hợp lý
Để điều hòa ở nhiệt độ ổn định, thích hợp trong suốt thời gian sử dụng, nên chọn sử dụng điều hòa có chức năng lọc không khí, không nên nằm điều hòa quá lâu để tránh làm giảm thân nhiệt cơ thể. Vì thế, chúng ta nên chỉ sử dụng điều hòa khoảng 2 tiếng sau đó tắt và thay vào đó là dùng quạt điện…