Ai cũng có nguy cơ mắc rối loạn tiền chứ không phải chỉ riêng phụ nữ, thậm chí ngay cả trẻ nhỏ, người già và thanh niên cũng mắc phải hội chứng này.
Tiền đình không chừa một ai, nhất là người già
Lâu nay nhiều người vẫn thường nghĩ chỉ phụ nữ mới mắc rối loạn tiền đình, nhưng thực tế không phải vậy bởi đây là hội chứng có tỷ lệ mắc đồng đều ở cả 2 giới và có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Hải Yến (bác sĩ chuyên khoa Thần kinh) cho biết, hội chứng tiền đình thường có biểu hiện rõ ràng nhất ở độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. Còn riêng đối với người cao tuổi tỷ lệ mắc tiền đình cũng không phải là thấp, tuy nhiên biểu hiện dễ bị nhầm lẫn hoặc kết hợp với một số bệnh khác.
Bác sĩ Vũ Hải Yến cho biết, người già cũng bị rối loạn tiền đình nhưng biểu hiện hay nhầm với các bệnh khác.
Rối loạn tiền đình ở người cao tuổi cũng giống như những đối tượng khác, được chia ra làm 2 loại đó là tiền đình trung ương và tiền đình ngoại biên. Hệ thống tiền đình ngoại biên nằm ở tai trong của con người (gồm hệ thống vòng bán khuyên, ốc tai, thần kinh tiền kinh), còn hệ thống tiền đình trung ương nằm ở phần hành - cầu não (nhân tiền đình, các đường dẫn truyền trong não).
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ làm gia tăng hội chứng tiền đình, các nhóm nguyên nhân có thể kể đến do viêm (virus, vi khuẩn, ký sinh trùng…), do chuyển hóa và bệnh lý mạch máu (rối loạn chuyển hóa lipid, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, nhồi máu động mạch…), do u (chèn ép cơ quan tiền đình) và do vấn đề dinh dưỡng, lối sống và môi trường.
Tuyệt đối không chủ quan với những cơn chóng mặt đột ngột
Triệu chứng điển hình nhất của rối loạn tiền đình là chóng mặt và mất thăng bằng. Đối với tiền đình ngoại biên triệu chứng đặc trưng đó là chóng mặt, còn với tiền đình trung ương đa phần là do rối loạn vận động, tức là rối loạn thăng bằng.
Chóng mặt trong trong hội chứng tiền đình phải có triệu chứng cụ thể đó là khi người bệnh cảm thấy mọi vật xoay quanh mình và mình xoay quanh mọi vật, một triệu chứng nữa là sợ ngã hoặc là ngã thật trong khi môi trường xung quanh không có tác động gì, hay nói cách khác là bề mặt hoàn toàn bằng phẳng.
Còn đối với triệu chứng rối loạn thăng bằng ở hội chứng tiền đình cũng có sự khác biệt, bởi cơ thể của con người vốn sẽ thích nghi với môi trường, nhưng khi không thích nghi được thì nó sẽ dẫn đến triệu chứng và sẽ bị bệnh.
Người cao tuổi không nên chủ quan với các biểu hiện chóng mặt cấp tính. Ảnh minh họa.
Khi người cao tuổi xuất hiện những triệu chứng trên thường không nghĩ ngay đến hội chứng tiền đình mà nghĩ rằng đang mắc bệnh liên quan đến huyết áp hoặc thiểu năng tuần hoàn não…Hay nhiều người lại lo lắng quá, khi có biểu hiện loạng choạng, chóng mặt, vã mồ hôi…đã nghĩ đến rối loạn tiền đình và đi khám, nhưng thực tế lại không phải vậy. Trong trường hợp đó, nếu không được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa thì rất dễ bị chẩn đoán nhấm.
Bác sĩ Hải Yến cho rằng, rối loạn tiền đình không khó để nhận biết, bởi chỉ cần thăm khám lâm sàng như mô tả cơn chóng mặt cho bác sĩ, mô tả triệu chứng…từ đó bác sĩ sẽ đưa ra được chẩn đoán.
Như đã nói trên, rối loạn tiền đình do 3 nhóm nguyên nhân chính đó là viêm, mạch máu (nuôi dưỡng) và u khối. Bởi vậy, mọi người có thể phòng tránh được ở 2 phần là viêm và mạch máu.
Đó là tránh viêm nhiễm từ môi trường xung quanh, vệ sinh các cơ quan lân cận tình đình như tai - mũi - họng. Riêng về mạch máu thì cần kiểm soát tốt vấn đề mỡ máu, cùng với đó là hạn chế chất kích thích, tăng cưỡng tập luyện thể thao …
Người cao tuổi thường có hệ miễn dịch và sức đề kháng kém, bởi vậy việc chăm sóc dinh dưỡng hàng ngày có vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với việc phòng bệnh tiền đình, mà còn phòng được nhiều căn bệnh khác. Theo đó, người cao tuổi cần xây dựng chế độ ăn, bổ sung dinh dương cân bằng và hợp lý, tốt nhất nên đi khám và có sự tư vấn của bác sĩ. Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày có thể bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể thông qua việc uống sữa hoặc các chế phẩm sữa dành riêng cho người già, bởi trong thực phẩm đôi khi các vi chất không thể có đầy đủ được.