Bổ sung quá nhiều vitamin vào cơ thể có thể gây phản tác dụng, tổn hại tới các cơ quan nội tạng.
Trong nhiều thập kỷ, chúng ta thường nghe rằng vitamin và khoáng chất ở dạng viên có thể giúp bù đắp sự thiếu hụt dinh dưỡng trong chế độ ăn uống hoặc cung cấp chất tăng cường sức khỏe và năng lượng mà thực phẩm không làm được.
Vì vậy, nhiều người coi vitamin là thực phẩm bổ sung sức khỏe nên uống hàng ngày. Mặc dù những vitamin, thực phẩm bổ sung này an toàn nếu dùng vừa phải nhưng không có nghĩa uống càng nhiều càng tốt. Việc dùng quá liều những chất bổ sung có thể gây hại cho sức khỏe. Ví dụ dùng quá liều vitamin A, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài, nghiêm trọng như các vấn đề về gan và thận, hoặc xơ cứng mạch máu.
Dưới đây là những vitamin, khoáng chất mà mọi người dễ lạm dụng do chuyên gia dinh dưỡng Kristin Kirkpatrick, và tiến sĩ David Katz, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phòng ngừa bệnh, Đại học Yale (Mỹ) thống kê:
1. Vitamin A
Beta-carotene và vitamin A - được hình thành bởi beta-carotene - rất dễ tiêu thụ. Nếu bạn ăn một bát ngũ cốc vào buổi sáng, ăn bất cứ thứ gì màu cam như cà rốt, khoai lang cho bữa trưa và sau đó sử dụng một loại vitamin tổng hợp hay vitamin A, bạn có thể đã tiêu thụ quá lượng beta-carotene được khuyến nghị.
Uống thường xuyên liều lớn vitamin A (lớn hơn 7.500mcg) có thể gây ngộ độc mạn tính và tổn thương gan. Vitamin A là loại vitamin tan trong dầu, được tích trữ lâu dài trong cơ thể nên nếu lạm dụng có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc với triệu chứng tổn thương ngoài da, viêm khớp, đau cơ bắp, nôn mửa, bơ phờ, chậm chạp, bong da toàn thân và viêm gan.
Trong một số loại thức ăn như gan, cá biển, bơ, sữa, trứng... và các loại rau, củ, quả có màu vàng và màu đỏ rất giàu vitamin A. Khi đã bổ sung vitamin A qua các loại thực phẩm này mà còn uống thêm các loại thuốc có chứa hàm lượng vitamin A cao nữa thì rất dễ bị thừa và gây ngộ độc.
2. Vitamin D
Nếu bổ sung một lượng lớn vitamin D trong thời gian dài sẽ làm tăng hấp thu photpho và canxi ở ruột, dễ dẫn đến nồng độ canxi trong máu quá cao, thậm chí là ngộ độc vitamin D, gây ra các triệu chứng như ngứa da, chán ăn, khát nước.
Quá nhiều vitamin D sẽ làm cho canxi thừa lưu thông tự do trong máu, cơ thể có thể không có đủ hormone để liên kết khoáng chất với xương một cách hiệu quả, gây đau nhức xương, mất nước... Người lớn thường xuyên vượt quá 4.000 IU vitamin D hàng ngày có thể mắc các bệnh tim nghiêm trọng.
3. Vitamin C
Nhiều người nghĩ rằng vitamin C tốt nên tích cực bổ sung nhưng đây không phải là thứ có thể “để dành” bởi nó là loại vitamin tan trong nước, cơ thể không dự trữ được. Một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông uống thuốc vitamin C quá thường xuyên có nguy cơ cao bị sỏi thận.
Nếu bổ sung vitamin C ở hàm lượng quá cao sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến cơ thể như chóng mặt, buồn nôn kèm theo các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy… Chưa kể, hàng ngày mọi người đã có thể bổ sung vitamin C từ các thực phẩm chua như cam, chanh... nên nếu tiêu thụ thêm cả vitamin C có thể sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, gây viêm loét dạ dày.
4. Sắt
Sắt cần thiết cho cơ thể vì nó giúp tạo ra hemoglobin vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Hầu hết chúng ta thường bị thiếu hụt chất này, đặc biệt sắt đóng một vai trò quan trọng trong chế độ ăn của phụ nữ trẻ trong chu kỳ kinh nguyệt và mang thai, nhưng với phụ nữ mãn kinh được khuyến nghị nên giảm sắt. Tuy nhiên, không ít phụ nữ sau mãn kinh vẫn bất chấp dùng các chất bổ sung có chứa sắt và đồng.
Một nghiên cứu cho biết tình trạng dư thừa sắt và đồng với việc tăng tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer và bệnh tim. Bên cạnh đó, việc dự trữ quá nhiều sắt trong cơ thể sẽ khiến nó không thể dễ dàng loại bỏ hoặc bài tiết nó ra ngoài, lâu dần sẽ tích trữ trong gan (và tim và tuyến tụy), điều này có thể dẫn đến xơ gan.
Các triệu chứng của quá nhiều sắt là mệt mỏi mãn tính, đau khớp, đau bụng, nhịp tim bất thường thay đổi màu da (đồng, xám xanh).
5. Canxi
Ngày nay các bậc phụ huynh rất chú ý tới việc bổ sung canxi cho con trẻ nhưng bổ sung như thế nào, lượng bao nhiêu thì cha mẹ lại không để ý tới.
Chính vì vậy, nhiều người đã cho bé uống sữa hàm lượng canxi cao ngay từ khi mới sinh, rồi uống bổ sung canxi với quan niệm dùng càng nhiều càng tốt, con càng cao lớn, mà không nhận thức được tác hại của việc thừa chất này đối với trẻ nhỏ.
Tuy canxi có tác dụng thúc đẩy phát triển chiều cao, nhưng khi cơ thể thừa canxi thì sẽ gặp nguy cơ bị vôi hóa thận, sỏi thận, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magiê, phospho... khiến bé bị suy dinh dưỡng.
Sự thừa canxi từ nguồn thực phẩm thì phần thừa sẽ được thải ra ngoài qua đường tiểu. Còn canxi thừa do thuốc khó đào thải ra ngoài sẽ gây sỏi thận, tăng canxi máu, táo bón, buồn nôn, ăn không ngon, đau xương... Điều đáng ngại hơn, trẻ có thể bị lùn do thừa canxi.
Những nhóm người nên chú ý bổ sung thêm vitamin
Với người bình thường, khỏe mạnh chỉ cần cung vitamin thông qua thực phẩm là đủ. Chỉ có một số trường hợp cần chú ý bổ sung thêm vitamin, nhưng lưu ý phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
1. Phụ nữ mang thai
Bổ sung axit folic cho phụ nữ mang thai có thể ngăn ngừa các biến chứng thai kỳ và giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh của thai nhi. Nói chung, bổ sung axit folic từ 0,4-1,0mg/ ngày là liều lượng an toàn và hiệu quả. Thông thường, cần bổ sung axit folic 0,4mg/ngày hoặc 0,8mg/ngày ít nhất ba tháng trước khi mang thai cho đến tháng thứ ba của thai kỳ.
2. Người già
Một số người cao tuổi cần nhiều vitamin B6, B12, hoặc axit folic hơn người trẻ. Khi lớn tuổi, da của người già sẽ sản xuất ít vitamin D. Vì vậy, một số người cao tuổi cần được bổ sung thêm vitamin D. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống 800 ~ 1000 IU vitamin D mỗi ngày có thể giúp phụ nữ vượt qua thời kỳ mãn kinh tốt hơn.
3. Những người hút thuốc
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hàm lượng vitamin C của người hút thuốc thấp hơn đáng kể so với người không hút thuốc. Người hút thuốc cần nhiều vitamin C hơn người bình thường vì họ sản sinh ra nhiều gốc tự do hơn và cần nhiều vitamin C hơn để loại bỏ. Vào năm 2017, một nghiên cứu cho thấy áp dụng một chế độ ăn uống nhiều vitamin C có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi ở những phụ nữ hút thuốc đến 26%. Vì vậy, những người thường xuyên hút thuốc cần chú ý bổ sung vitamin C.
Bổ sung vitamin không phải càng ăn nhiều càng tốt, cách tốt nhất để bổ sung vitamin là ăn uống điều độ, không nên kén ăn, kiêng ăn. Nếu thực sự cần bổ sung vitamin, tốt nhất nên thực hiện dưới sự tư vấn của bác sĩ.