Vợ chồng giáo sư BV Việt Đức tuổi U90 nhưng vẫn “anh anh-em em”, luôn giữ thói quen đáng yêu trước khi ngủ suốt 60 năm

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 24/02/2023 11:50 AM (GMT+7)

60 năm chung sống, vợ chồng giáo sư Đặng Hanh Đệ chưa một lần to tiếng. Giờ đây, dù tuổi đã U90, có đầy đủ cháu nội, cháu ngoại nhưng hàng ngày, ông bà vẫn xưng hô “anh - em" ngọt ngào như thuở mới yêu.

"Đôi tay trắng tròn của nữ sinh trường y đã hút hồn tôi từ cái nhìn đầu tiên"

Năm 2023 sẽ là một năm thật đặc biệt với giáo sư - bác sĩ Đặng Hanh Đệ và vợ là bác sĩ Lê Lan Phương, khi hai người kỷ niệm tròn 60 năm ngày cưới - “đám cưới kim cương”. Gần 90 năm tuổi đời và 60 năm chung sống, vợ chồng GS Hanh Đệ hàng ngày vẫn xưng hô “anh anh - em em” như thuở mới yêu. Họ chia sẻ rằng, gọi như vậy mới đáng yêu và thấy mình trẻ hơn rất nhiều.

Chuyện tình của hai vị bác sĩ bắt đầu từ năm 1961, khi đó bà Lan Phương đang là sinh viên năm 3, trường ĐH Y Hà Nội và đến thực tập tại BV Việt Đức, nơi bác sĩ Đệ đang công tác. Khi đó, bác sĩ Đệ được phân công hướng dẫn nhóm sinh viên thực tập, trong đó có người vợ hiện tại của ông.

Vị giáo sư chia sẻ, ấn tượng đầu tiên của ông với vợ không phải gương mặt xinh xắn hay nụ cười tỏa nắng, mà là cánh tay trắng nõn, thon thả luôn nhanh thoăn thoắt nhưng cũng vô cùng khéo léo.

Vợ chồng giáo sư BV Việt Đức tuổi U90 nhưng vẫn “anh anh-em em”, luôn giữ thói quen đáng yêu trước khi ngủ suốt 60 năm - 1
Vợ chồng giáo sư BV Việt Đức tuổi U90 nhưng vẫn “anh anh-em em”, luôn giữ thói quen đáng yêu trước khi ngủ suốt 60 năm - 2
Vợ chồng giáo sư BV Việt Đức tuổi U90 nhưng vẫn “anh anh-em em”, luôn giữ thói quen đáng yêu trước khi ngủ suốt 60 năm - 3
Cho đến bây giờ sau 60 năm chung sống, tuổi cũng đã cao nhưng hai người vẫn không thể quên ngày đầu hẹn hò vào 16/9/1961.

Cho đến bây giờ sau 60 năm chung sống, tuổi cũng đã cao nhưng hai người vẫn không thể quên ngày đầu hẹn hò vào 16/9/1961.

Cho đến bây giờ, GS Đệ và vợ vẫn không quên được lần đầu tiên cả hai hẹn hò, đó là ngày 16/9/1961. “Hôm đó lần đầu tiên chúng tôi đi chơi với nhau, mỗi người đi một chiếc xe đạp. Tôi thuận tay trái, vợ tôi thuận tay phải vì thế khi xuống xe đi bộ thì bất ngờ 2 người đều ở giữa, còn xe ở hai bên. Lúc đó tôi nghĩ thầm “thời cơ” đã đến, mình phải hành động thôi. Thế là tôi nắm vào bắp tay trắng tròn ấy, vợ tôi đứng sững lại có vẻ hơi run. Còn tôi là bác sĩ tim mạch mà lúc đó cũng “đứng tim” chẳng nói được lời nào”, GS Đệ kể lại thời điểm tỏ tình với vợ.

Nghe chồng chia sẻ, bà Lan Phương ngồi kế bên tủm tỉm cười: “Khi ấy tôi sợ lắm, vì thời đó vẫn “nam nữ thụ thụ bất thân”, mà đây là lần đầu tiên có người khác giới nắm vào tay mình. Mà kể cũng lạ, người ta yêu nhau, tỏ tình thì sẽ nắm bàn tay, vuốt tóc, còn anh ấy (GS Đệ) lại nắm vào cánh tay, làm tôi khó xử”. Tiếp lời vợ, vị giáo sư già khẽ vuốt cánh tay vợ, nhìn trìu mến và chia sẻ: “Suốt 60 năm qua, cho đến tận bây giờ, mỗi khi đi ngủ tôi vẫn ôm cánh tay vợ vào lòng”.

Vợ chồng giáo sư BV Việt Đức tuổi U90 nhưng vẫn “anh anh-em em”, luôn giữ thói quen đáng yêu trước khi ngủ suốt 60 năm - 5
Vợ chồng giáo sư BV Việt Đức tuổi U90 nhưng vẫn “anh anh-em em”, luôn giữ thói quen đáng yêu trước khi ngủ suốt 60 năm - 6
Dù thời gian trôi đi nhưng tình yêu GS Đệ dành cho vợ vẫn như ngày đầu, ông vẫn nâng niu cánh tay của vợ, ôm tay vợ mỗi khi đi ngủ.

Dù thời gian trôi đi nhưng tình yêu GS Đệ dành cho vợ vẫn như ngày đầu, ông vẫn nâng niu cánh tay của vợ, ôm tay vợ mỗi khi đi ngủ. 

Sau lần nắm tay đặc biệt ấy, 2 người chính thức hẹn hò và đều đặn mỗi tuần 2 buổi tối, GS Hanh Đệ đạp xe đến nhà người yêu tâm sự. “Suốt 2 năm từ 1961 đến 1963, anh ấy tuần 2 lần đạp xe đến nhà tôi, mùa đông đúng 19h có mặt, còn mùa hè là 19h30 và chỉ được ngồi chơi đến 21h là về. Để đến được đúng giờ, anh ấy được bố mẹ bên nhà cho ăn cơm trước, tối còn được bố mắc màn sẵn, về chỉ việc lên giường ngủ. Sau này khi lấy nhau rồi, bố mẹ kể chuyện tôi mới biết và cảm động vô cùng”, bà Lan Phương nhớ lại.

Sau hai năm hẹn hò, đám cưới của hai người được tổ chức vào tháng 8/1963 trong niềm hân hoan, chung vui của gia đình, bạn bè. Giáo sư Đệ kể lại, đám cưới ngày đó không có chụp ảnh, cũng chẳng cỗ bàn linh đình, chỉ chè kẹo và đưa đón dâu bằng xe đạp. "Thời gian qua đi, chúng tôi cứ thế bên nhau. Cách đây vài năm, vợ chồng tôi bất ngờ được một chương trình tổ chức lại đám cưới, khi đó vợ tôi mới được cầm hoa, mặc váy cưới và chụp ảnh. Đó là tấm ảnh cưới đúng nghĩa của chúng tôi sau gần 60 năm và cũng là khoảnh khắc tuyệt vời và vô cùng xúc động”, GS Đệ chia sẻ.

Sau 60 năm ngày cưới, cặp đôi bác sĩ BV Việt Đức mới được chụp một chiếc ảnh cưới đúng nghĩa.

Sau 60 năm ngày cưới, cặp đôi bác sĩ BV Việt Đức mới được chụp một chiếc ảnh cưới đúng nghĩa. 

Tình yêu vượt biên giới và cuộc sống viên mãn của hai bác sĩ tuổi xế chiều

Bằng ấy thời gian chung sống bên nhau, GS Hanh Đệ và vợ đã trải qua nhiều biến cố, khó khăn nhưng điểm duy nhất không thay đổi là tình yêu hai người dành cho nhau. Tình yêu của họ đã vượt qua mọi khó khăn, khoảng cách, ngay cả những lúc tưởng như mất nhau, để cùng giữ trọn lời nguyện ước “sống với nhau cho đến đầu bạc, răng long”.

“Lời hẹn ước xưa đã thành hiện thực, chúng tôi giờ tóc đã bạc trắng, răng long hết phải thay cả rồi nhưng vẫn bên nhau, yêu thương và dành cho nhau tình cảm như ngày đầu mới yêu”, GS Đệ hóm hỉnh nói.

Sở dĩ hai vợ chồng chia sẻ, tình yêu của họ vượt cả biên giới là bởi trong giai đoạn từ năm 1967 đến 1970, ông đi học tại Tiệp Khắc, dù xa vạn dặm nhưng tình yêu thương dành cho vợ chẳng vì thế mà nguôi ngoai. “Tôi thương vợ vừa phải công tác, vừa thay chồng chăm con vất vả. Khi đó tôi chẳng biết phải làm sao, chỉ biết nói lời yêu thương, chia sẻ với vợ qua những dòng thư xuyên biên giới”, GS Đệ kể.

Mỗi khi cách xa, vợ chồng GS Đệ gửi gắm tình cảm cho nhau qua những lá thư tình đong đầy yêu thương.

Mỗi khi cách xa, vợ chồng GS Đệ gửi gắm tình cảm cho nhau qua những lá thư tình đong đầy yêu thương.

Theo tiết lộ của bà Lan Phương, trong 3 năm đó, hai vợ chồng đã gửi cho nhau hàng trăm lá thư qua lại giữaTiệp Khắc và Việt Nam. “Đều đặn trong 3 năm, chúng tôi cứ một tuần gửi 2 lá thư. Các lá thư được đánh số thứ tự lần lượt từ 1 đến 50, hết số 50 thì quay lại từ đầu. Từ lúc đi đến khi về tổng cộng có 6 lần quay vòng số thứ tự như vậy. Tiếc là trong lần chuyển nhà gần đây, những lá thư ấy đã bị thất lạc”, bà Lan Phương chia sẻ.

Các bức thư vợ chồng bà gửi cho nhau luôn bắt đầu bằng dòng tựa đề “Em thương/xa nhớ… Anh xa nhớ”, trong đó nội dung chính mà vợ chồng GS Hanh Đệ chia sẻ là về cuộc sống thường ngày, tình hình con cái và cả những nỗi nhớ thương vô bờ bến khi xa nhau.

Sau khi về nước, vợ chồng giáo sư Đệ mới sinh thêm con thứ 2 (năm 1972). Những tưởng khi được gần nhau cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, nhưng không dưới một lần, gia đình nhỏ này đã phải sống trong sợ hãi, có lúc tưởng chừng như đã chia lìa - khi trải qua những lần bị đánh bom ác liệt trong trận chiến 12 ngày đêm ở Hà Nội (năm 1972), hay trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Tháng 12/1972 và chiến tranh biên giới năm 1979 là thời điểm hai vợ chồng GS Đệ tưởng chừng như đã xa nhau mãi mãi.

Tháng 12/1972 và chiến tranh biên giới năm 1979 là thời điểm hai vợ chồng GS Đệ tưởng chừng như đã xa nhau mãi mãi.

“Năm 1979, chồng tôi lên Cao Bằng để cứu chữa các chiến sĩ bị thương trong cuộc chiến tranh biên giới. Xe vừa đi được một ngày, tại Hà Nội đã loan tin đồn: Bác sĩ Đệ mất rồi, xe bị đánh rơi xuống vực. Tôi bủn rủn rồi chỉ biết ôm con khóc trong tuyệt vọng và đợi tin chính thức. Thậm chí, có thời điểm các đồng đội anh ấy còn lập đàn với lời thề: Phải trả thù cho bác sĩ Đệ và các đồng đội”.

Lúc đó, tôi đau đớn khôn nguôi nhưng vẫn chờ đợi phép màu xảy ra. Đến khi biết chính xác có xe chở đoàn y tế bị nạn, tôi nghĩ tin đồn chắc là sự thật và nghĩ mình đã mất anh thật rồi. Rồi một hôm bỗng có điện gọi về, tôi nghe thì đầu dây bên kia nói: Đệ đây! Tôi chưa kịp định hình hỏi lại: Đệ nào! Bên kia tiếp lời: Đệ đây! Anh đây, chồng em đây! Lúc đó tôi không nói được lời nào, ôm mặt khóc như một đứa trẻ. Cảm xúc đan xen lắm. Thật lòng biết chồng mình còn sống là hạnh phúc, nhưng tôi chẳng thể vui vì nhiều đồng đội đã ngã xuống. Vì chiếc xe y tế gặp nạn kia là xe chở đoàn bác sĩ từ Lạng Sơn sang chi viện cho chiến trường”, bà Lan Phương xúc động kể lại.

Vợ chồng giáo sư BV Việt Đức tuổi U90 nhưng vẫn “anh anh-em em”, luôn giữ thói quen đáng yêu trước khi ngủ suốt 60 năm - 11
Vợ chồng giáo sư BV Việt Đức tuổi U90 nhưng vẫn “anh anh-em em”, luôn giữ thói quen đáng yêu trước khi ngủ suốt 60 năm - 12
Hiện tại, vợ chồng GS Đệ tận hưởng tuổi già bằng những chuyến đi hoặc cùng nhau vào bếp nấu món ăn yêu thích.

Hiện tại, vợ chồng GS Đệ tận hưởng tuổi già bằng những chuyến đi hoặc cùng nhau vào bếp nấu món ăn yêu thích.

Chiến tranh qua đi, hai vợ chồng giáo sư Đệ dần ổn định cuộc sống rồi tiếp tục công tác trong ngành y tế và đều trở thành những chuyên gia đầu ngành. Khi đến tuổi nghỉ hưu, cả hai không công tác tiếp hay làm thêm bất kể ngày nào, họ về sống vui, sống khỏe, tận hưởng những giây phút bên nhau ở tuổi xế chiều. Cũng chính nhờ tình yêu vượt thời gian, sự quan tâm chăm chút lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày đã giúp vợ chồng GS Đặng Hanh Đệ có được sức khỏe tốt, lối sống rất lạc quan.

"Cả cuộc đời cống hiến cho ngành y, giờ niềm vui của tôi là hai vợ chồng cùng nhau sống khỏe, thi thoảng học trò đến thăm là hạnh phúc lắm rồi. Sống đến tuổi này, tôi ngẫm lại thì mọi thứ như công danh, sự nghiệp khi nghỉ hưu là hết, chỉ còn một thứ ở lại đó là tình yêu. Vậy nên, dù còn trẻ hay già, khi còn có nhau thì hãy tranh thủ để dành cho nhau sự yêu thương", giáo sư Đặng Hanh Đệ chia sẻ.

3 phương thuốc thần giúp vợ chồng vị giáo sư tim mạch U90 vẫn khỏe mạnh, minh mẫn
Thức giấc buổi sáng, giáo sư Đặng Hanh Đệ và vợ không bao giờ ra khỏi giường ngay, kể cả để đi vệ sinh. Một thói quen mấy chục năm nay của ông bà được...

Cách chăm sức khỏe của bác sĩ

LÊ PHƯƠNG. Ảnh: NVCC/ Viên Hồng Quang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách chăm sức khỏe của bác sĩ