Không chỉ biết cưỡi và thuần hoá, bé Lượng còn biết cách chăm sóc ngựa một cách chuyên nghiệp.
Về thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) hỏi thăm trại ngựa của gia đình Lê Quang Lượng (13 tuổi) ai cũng hay biết. Thậm chí họ có thể kể vanh vách về tài năng “thuần phục” ngựa của cậu bé.
“Đó là trại ngựa của bé trai tên Lượng. Mình nghe người dân nói rằng cậu bé học cưỡi ngựa từ năm 2 tuổi. Qua 10 năm tôi luyện, giờ đây bé có thể thuần hoá ngựa, cưỡi ngựa một cách thuần thục.
Ai đến trại ngựa muốn học cách cưỡi đều được bé Lượng tiếp đón nồng hậu. Sau đó mọi người sẽ phải thán phục trước tài năng “độc nhất vô nhị” của đứa trẻ này”, một YouTuber nổi tiếng tại miền đất đầy nắng gió và cát cho biết.
Sau đó người đàn ông quyết định tìm đến trại ngựa của gia đình bé Lượng để “mục sở thị” tài năng nhí. Và khi thấy người lạ, bé không vui vẻ tiếp đón, giải thích cơ duyên đến với công việc huấn luyện ngựa đua cũng như cách chăm sóc một con ngựa ra sao.
Bé Lượng tự tin "điều kiện" chú ngựa của gia đình.
Mở đầu câu chuyện, bé Lượng cho biết: “Năm nay con học lớp 7, có 10 năm kinh nghiệm trong nghề huấn luyện ngựa. Có nghĩa từ năm 2-3 tuổi, ba đã dẫn con ra trại ngựa để làm quen. Sau đó con còn được cưỡi ngựa cùng ba nữa!
Con cứ thế tiếp xúc và “chơi” với ngựa được chục năm nay rồi. Hiện tại con đã biết thuần hoá, điều khiển cương là ngựa trong chuồng nghe lời, phải làm theo những gì con mong muốn”.
Vừa dứt lời, bé Lượng tiếp tục khoe chiến tích của bản thân. “Con chưa bao giờ cưỡi ngựa đi chợ như một số người dân nhưng từng đi ra đường rồi! Hồi đó con cưỡi ngựa ra đường gặp các chú cảnh sát giao thông, cứ ngỡ sẽ bị bắt lại vì vi phạm luật lệ đường bộ.
Nhưng khi thấy con còn nhỏ, lại có thể “điều khiển” được chú ngựa to lớn nên các chú không làm gì cả. Song chú khuyên nên cẩn thận để không ảnh hưởng đến người xung quanh”, bé Lượng nhớ lại.
Lượng còn chăm sóc ngựa rất chuyên nghiệp.
Nhắc đến chuyện vì sao gắn liền với ngựa từ khi còn nhỏ, bé Lượng cho hay gia đình có truyền thống nuôi – thuần hoá ngựa hơn 50 năm. Vì thế cứ đời cha sẽ truyền cho con nối và bé cũng không thể thoát khỏi kiếp gắn liền với con ngựa.
Có lẽ rằng từ lúc sinh ra, trong bé Lượng có sẵn dòng máu nối nghiệp gia đình, cộng thêm thiên bẩm sẵn có. Cho nên bé học nghề rất nhanh, thời gian thu phục ngựa cũng ngắn hơn rất nhiều người.
“Một chú ngựa chào đời đến khi cưỡi được mất chừng 3 năm. Còn muốn huấn luyện nó nghe theo lời mình thì dựa vào việc có dễ tính hay không? Nếu dễ thì tầm 1 tuần là con có thể cưỡi được. Giờ con chỉ cần nói tên của đàn ngựa trong trại là chúng nghe lời cả, ví dụ như con này là Kim Than, con kia là Kim Bông…”, bé Lương nói.
Sau đó bé Lượng dắt một chú ngựa màu trắng ra để cưỡi cho mọi người được tận mắt chứng kiến. Song vì còn nhỏ, không thể nhảy lên ngựa một cách dễ hàng, vì thế bé phải nhờ sự hỗ trợ của bố đẩy chân để trèo lên yên ngựa.
Vươn người lên con ngựa thân thiết, bé Lương cứ thế lượn vài vòng quanh trại mà không hề có sự khó khăn nào. Thi thoảng bé lại đưa chiếc roi quật nhẹ vào mông chúng để nghe lời hơn. Nhìn cách bé “chỉ huy” chú ngựa cưng cảm giác giống như một chàng trai sành chơi cưỡi chứ không phải cậu bé 13 tuổi bởi rất chuyên nghiệp và đúng kỹ thuật.
Không chỉ biết cưỡi và thuần hoá, bé Lượng còn biết cách chăm sóc ngựa một cách chuyên nghiệp. Bé nói: “Thức ăn chính của ngựa là cỏ, ngoài ra còn có vỏ trấu, cám đường, mật mía trộn với nhau. Hơn cả chúng không có bao tử nên ăn miết chẳng biết đòi. Vì thế con phải cho ăn đúng cữ để chúng biết no bụng.
Có nghĩa con chỉ cho ăn trong một khoảng thời gian nhất định rồi “yêu cầu” nghỉ. Sau đó con sẽ thả chúng ra ngoài để hoạt động… đến giờ ăn mới cho ăn tiếp. Con thấy nuôi ngựa dễ nhưng phải biết nuôi đúng cách, khoa học…”.
Bố của Lượng cho biết, từ nhỏ bé đã sớm bộc lộ tố chất đối với công việc huấn luyện và thuần hoá ngựa. Do đó anh quyết định để con trai làm quen – tiếp xúc với ngựa từ lúc bé tí tẹo. Sau đó anh đã hướng dẫn con cách cưỡi, thuần phục ngựa và bây giờ có thể nhuần nhuyễn mọi thứ liên quan đến loài này.