Thứ quả hoang dại này có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, lại còn được xuất khẩu sang nhiều nước như Canada, Đức, Úc...
Trái bần, cái tên nghe có vẻ nghèo khó, thô kệch nhưng có lẽ ít ai biết rằng, nó còn có một cái tên mỹ miều, rất đài các, đó là trái thủy liễu.
Cây bần mọc dại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ở đâu có sông, có vàm, cù lao là ở đó cây bần sinh sôi nảy nở thành rừng. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 6 âm lịch cây bần bắt đầu trổ hoa, kết quả. Đến khoảng tháng 9, trái bần bắt đầu chín rộ. Người dân nơi đây cho biết bần có 2 loại, bần mọc ven sông, trái to tròn, hơi dẹt như cái dĩa gọi là bần dĩa. Ngoài bần dĩa, còn có loại mọc ở vườn thì trái nhỏ hơn, cỡ chỉ như trái ổi, gọi là bần ổi.
Trái bần là loại quả dại gắn với tuổi của những người ở đồng bằng sông Cửu Long
Nhìn ở ngoài, quả bần dẹt tựa như bánh cam, phần đuôi nhọn và cuống có nhiều cánh tỉa ra như hình ngôi sao. Trái bần xanh ăn có vị chua và hơi chát, lúc chín thì vừa chua, vừa thơm, ngọt, ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Anh Nguyễn Hòa Nghĩa (ở ấp Long Trị, xã Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) cho biết bần gắn liền với tuổi thơ nghèo khó của gia đình anh. Trước đây, mỗi bữa cơm không có canh bần chua thì cũng có bần trộn muối là thức ăn chính của bữa cơm. "Khác với me hay mẻ chua, canh trái bần chua chua, bùi bùi, có vị ngon đặc trưng, đậm đà hơn. Có lẽ vì thế mà người dân nơi đây dù đi xa cũng không quên được mùi vị của trái bần ở quê", anh Nghĩa tâm sự.
Giờ đây, thứ quả dân dã đã thành đặc sản được nhiều người biết đến
Anh Nghĩa chia sẻ thêm, hồi còn bé, trẻ con trong xóm mỗi khi buồn miệng lại rủ nhau ra hái trái bần rồi chấm cùng muối ớt, mắm ruốc ăn chơi như một loại quà vặt. Một thời gian, trái bần không mang lại giá trị kinh tế nên người dân phá bỏ bớt để trồng những cây ăn quả khác.
Giờ đây, thứ quả dân dã này đã trở thành đặc sản nổi tiếng, xuất hiện ở các nhà hàng được du khách yêu thích và còn được xuất khẩu sang nhiều nước như Canada, Đức, Úc...
Trên chợ mạng, trái bần được rao bán khá nhiều. Chị Minh Trang (người bán đặc sản miền Tây trên chợ mạng) cho biết trái bần tươi chị bán với giá 50.000 đồng/kg, còn trái bần khô giá 180.000 đồng/kg.
Trên mạng, bần tươi và bần khô được nhiều người rao bán
"Đến mùa tôi lại bán trái bần, ship khắp cả nước chứ không phải mỗi các tỉnh phía Nam. Nhiều người ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định vẫn đặt bần của nhà tôi cả tươi và khô. Chắc chắn những người đã từng được thưởng thức các món ăn từ trái bần sẽ không thể nào quên được hương vị của thứ quả dân dã này. Có khách ở Hà Nội năm nào cũng đặt của tôi 10kg bần khô, vừa ăn vừa làm quà biếu cho bạn bè, đối tác", chị Trang chia sẻ.
Những món ngon từ quả bần
Theo chị Trang, bần khô phải làm khá kỳ công nên giá đắt hơn. Hơn nữa, bần khô do chính tay bố mẹ chị làm, không chất bảo quản, đảm bảo khô, sạch sẽ nên hút khách, ai mua lần đầu cũng quay lại mua lần 2, lần 3...
Ngoài ra, người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn làm ra nhiều món đặc sản từ trái bần, ví dụ như cốt bần, bột bần, mứt bần, rượu bần. Du khách đến với vùng đất này đều mua những sản phẩm từ trái bần về làm quà tặng.
Ngoài việc chế biến thành thực phẩm, cây bần được cho là rất hữu ích trong đông y. Trái bần chua được sử dụng làm thuốc đắp vào chỗ viêm tấy vì bong gân. Ở Ấn Độ, người ta dùng dịch trái lên men làm thuốc ngăn chặn chứng xuất huyết. Ở Malaysia, người ta giã lá lẫn với cơm làm thuốc đắp chữa bí tiểu tiện rất hiệu quả.