Anh Sình tâm sự: “Giờ người dân không còn bàn tán về chuyện của vợ chồng tôi nữa. Họ cũng dần quen với hình ảnh trong bản có tôi – người đàn ông liệt một chân và vợ tôi – cô gái khờ khạo không biết gì".
Vùng núi Hà Giang có nhiều cặp đôi “đũa lệch” như: người đàn góa 52 tuổi cưới trai tân 25 tuổi; vợ 51 - chồng 24… đã khiến không ít người ngưỡng mộ tình yêu son sắt, cùng nhau vượt qua bao bão dông cuộc đời. Nơi này cũng có cảnh ngộ chồng già, vợ trẻ sống cuộc đời khó khăn nhưng luôn tràn ngập tình yêu thương.
Đó là A Sình (46 tuổi) và người vợ khờ vừa tròn 24 tuổi. Họ kết hôn mặc lời bàn ra tán vào của hàng xóm, sự ngăn cản của gia đình. Và họ đang dần chứng minh cho tất cả thấy tình yêu không phân biệt hoàn cảnh, tuổi tác và giàu nghèo.
Anh Sình tâm sự: “Giờ người dân không còn bàn tán về chuyện của vợ chồng tôi nữa. Họ cũng dần quen với hình ảnh trong bản có tôi – người đàn ông liệt một chân, vợ tôi – cô gái khờ khạo không biết gì.
Họ thi thoảng hỏi thăm xem vợ tôi mang bầu như thế nào, bao giờ sinh, có thiếu thốn gì hay không? Tôi biết họ hỏi vậy chứ không giúp đỡ được gì nhiều vì đều cùng cảnh ngộ nghèo khó cả. Song tôi mừng lắm vì vợ chồng tôi đã được chấp nhận, quan tâm giống như bao cặp đôi khác”.
Cặp đôi luôn yêu thương lẫn nhau.
Người đàn ông dân tộc H’mông tiết lộ vợ sắp đến ngày sinh em bé. Vì thế anh thường tranh thủ làm lụng nương rẫy rồi dành thời gian để chăm sóc vợ những tháng cuối thai kỳ. Anh chỉ mong “mẹ tròn còn vuông”, còn lại không quan tâm con giống cha hay người mẹ khờ.
“Có người hỏi tôi có lo lắng chuyện sau này vợ không biết làm mẹ hay không? Tôi bỗng trầm ngâm và bắt đầu lo lắng đến chuyện đó. Tôi đã già, lại là đàn ông nên không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh. Còn vợ dù trẻ nhưng khờ khạo, có biết gì đâu chứ.
Tuy nhiên tôi tin rằng bất cứ người phụ nữ nào khi làm mẹ cũng có bản năng nuôi dưỡng chăm sóc con cái. Tôi tin vợ sẽ vậy dù không thành thục như người ta nhưng luôn yêu thương con hết mực”, anh Sình bộc bạch.
Nói xong, người chồng lớn tuổi chạy ra sườn núi hái đu đủ chín về tẩm bổ cho vợ trẻ ăn. Anh đi đến đâu là vợ trẻ theo chân đến đó. Anh bảo rằng xưa vợ ít theo anh nhưng giờ cứ theo sát vì sợ chồng bỏ đi mất.
“Tôi nói rõ sẽ không bao giờ bỏ mẹ con cô ấy. Vậy mà cô ấy không tin, cứ đi theo suốt ngày. Ban đầu tôi có chút khó chịu nhưng dần dần thấy thích, cảm giác được yêu thương hết mực”, anh Sình nói.
Anh Sình hái đu đủ xuống liền bổ thành từng miếng nhỏ. Sau đó anh ân cần đút cho vợ ăn, dặn dò không được ăn vỏ. Anh cho biết suốt thai kỳ vợ không được tẩm bổ thịt cá nhiều, chủ yếu ăn rau củ và quả trong vườn nhà.
Anh Sình ân cần đút đu đủ cho vợ ăn.
Nhắc đến chuyện đã sắm sửa đồ sơ sinh cho con hay chưa, người đàn ông buồn rầu cho biết vì không có tiền nên chưa sắm bất cứ đồ dùng gì. Anh tính bao giờ vợ đi đẻ đem theo cái làn, phích nước sôi, vài tấm khăn là đủ. Còn lại anh sẽ tính sau hoặc xin bà con giúp đỡ.
Anh Sình vốn có một đời vợ và sống trong ngôi nhà trên núi cao, biệt lập với người dân trong bản. Anh luôn chăm chỉ làm nương làm rẫy với hi vọng đủ ăn đủ mặc. Nhưng người vợ không thể chịu nổi cảnh khốn khó đã quyết định rời nhà sang Trung Quốc làm thuê. Sau đó chị quyết định ly hôn, cưới người chồng ở bên đó.
Lúc này anh Sình chẳng thiết tha làm ăn gì, cứ chìm đắm trong men say cho đến một ngày chợt nhận ra phải làm lại cuộc đời. “Hồi tháng 3 âm lịch, tôi đi chợ tình Khau Vai (Khâu Vai, Mèo Vạc) tình cờ gặp cô gái cùng dân tộc H’mông kém tận 22 tuổi. Tôi ngỏ lời hỏi thăm gia cảnh của em khi thấy đi chợ tình một mình, không có bạn bè đi cùng.
Em nói rằng thân khờ khạo, hỏng một bên mắt nên ít bạn bè. Tôi bèn rủ lòng thương, ngỏ ý đi chơi và uống nước tâm sự. Ngờ đâu em đã đi theo, thậm chí còn chấp nhận làm vợ 2 của tôi”, anh Sình tâm sự.
Thời điểm đó, người trong bản đã can ngăn, khuyên anh đừng cưới cô gái khờ làm vợ. Bởi cô nàng không được nhanh nhẹn, lại chẳng biết làm nương rẫy như đám thiếu nữ trong bản. Anh đã bỏ mặc lời gièm pha, quyết định mang ít gạo, con gà trống sang nhà cô để xin hỏi cưới.