Mọc hoang dã trong rừng, sinh trưởng tốt mà không cần chăm bón, loại rau này hiện đang trở thành món khoái khẩu nhiều người tìm mua.
Mấy năm gần đây, đặc sản núi rừng như quả rừng, rau rừng được người dân thành phố ưa chuộng bởi có tiếng là "ngon, bổ, sạch" và lạ miệng. Nhiều loại rau rừng xuống phố thị đắt hơn các loại rau bình thường vẫn được lùng mua ráo riết. Trong số đó có một loại rau nghe tên khá lạ tai, đó là rau lủi - một loại rau đặc sản của Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.
Cây rau lủi còn có tên gọi khác là bầu đất, kim thất, hay rau rừng Gia Lai. Đây là cây rừng mọc hoang dại, bạt ngàn ở các khu rừng, vùng đồi núi ở tỉnh Gia Lai, Quảng Nam và các tỉnh miền Tây. Nó thuộc loại bò trườn có chiều dài trên 1m, thân cây màu tím với nhiều cành. Lá mọc so le, cuống ngắn, đầu lá nhọn, mép cứa răng cưa không đều.
Rau lủi mọc dại khắp nơi, xưa là loại rau ăn cứu đói của nhiều người
Chị Nhú (người dân tộc Xơ Đăng ở Quảng Nam) cho biết rau lủi mọc quanh năm ở các vùng đồi núi cao nhưng ngon nhất là ở đầu mùa mưa, khi cây nảy những đọt non xanh mướt. "Trước đây rau lủi mọc khắp nơi, người dân tộc bản địa vào rừng, nương rẫy hái rau lủi về ăn chống đói. Sau khi ngắt độ một tuần, ngọn lủi lại mơn mởn dài. Rẫy rau cứ thế để vài năm phát gốc trồng mới một lần. Tôi đã từng mang cây rau lủi về trồng ở vạt đất bằng phẳng cạnh nhà để tiện chăm sóc và thu hoạch nhưng cây nở kém, lá không xanh và mất đi mùi thơm đặc trưng", chị Nhú chia sẻ.
Theo chị Nhú, rau lủi hơi có mùi thuốc bắc, ngon ngọt, thanh mát, lại mọc tự nhiên nên mấy năm gần đây được nhiều người ưa chuộng, các nhà hàng cũng đưa rau lủi vào thực đơn khiến rau dại này được biết đến nhiều hơn.
Rau lủi sau khi hái trên rẫy về được bọc vào lá rừng để giữ tươi lâu
"Giờ đây bà con vào nương rẫy hái rau lủi mang về nhà buộc bằng lá rừng hơ lửa để giữ tươi lâu rồi sáng sớm hôm sau mang xuống xuống đường bán, hoặc nhập cho các thương lái với giá khoảng 12.000-15.000 đồng/kg", chị Nhú chia sẻ.
Dạo quanh chợ mạng hay các điểm bán hàng đặc sản, rau lủi được rao bán với giá khá đắt đỏ, khoảng 45.000-75.000 đồng/kg. Người bán giới thiệu rau lủi ngon ở độ giòn, dù có nấu quá lửa thì vẫn không bị nát, có thể luộc chấm với mắm, chấm với kho quẹt hoặc xào tỏi, còn không nấu canh tôm cua thịt hoặc nhúng lẩu cũng rất hấp dẫn.
"Loại rau này ăn sống hay chín đều được. Em gom rau của bà con trong vùng rồi nhập sỉ cho các nhà hàng và bán lẻ cho khách ở các tỉnh, chủ yếu là Đà Nẵng và TP.HCM, cứ ai đặt trên 5kg là em đều gửi xe trong ngày, đảm bảo vẫn tươi ngon. Có chị khách ở TP.HCM mỗi lần đặt vài chục cân, chị ấy bảo đặt hộ cho mấy nhà luôn, ai ăn lần đầu cũng nghiện", bạn Bích (ở Nam Trà My, Quảng Ngãi, người bán rau lủi rừng trên chợ mạng) chia sẻ.
Một trang bán đặc sản các vùng miền rao bán rau lủi với giá 65.000-70.000 đồng/kg
Hiện loại rau đặc sản này đã có mặt trong nhiều bữa cơm của các gia đình, và đi vào thực đơn của các nhà hàng, được khách du lịch ưa chuộng. Sau khi thưởng thức, nhiều khách du lịch miền Bắc còn tìm mua về làm quà.
Chị Hà Trang (quê ở Gia Lai, hiện đang sống ở Hà Nam) chia sẻ, dù đã lấy chồng ra Bắc nhiều năm nhưng chị vẫn không quên mùi vị đặc trưng của rau lủi. "Khi nào mẹ gửi hàng ra cũng gửi kèm cho con gái chục bó rau lủi, nấu canh tôm ngon hết nấc, các bé nhà mình rất thích ăn".
Được biết, người Tây Nguyên còn tin dùng rau lủi để chữa một số bệnh như tiểu đường, viêm họng, viêm phế quản, chữa vết thương chảy máu, giảm sưng viêm, trị mất ngủ, đái rắt, đái buốt, đái dầm, chữa đua nhức mỏi lưng, trị mụn ngứa, lở loét da...