Tổng quan về bệnh
Xuất huyết giảm tiểu cầu là tình trạng xuất huyết do tiểu cầu bị phá hủy quá nhiều ở máu ngoại vi hoặc giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương. Căn bệnh này khá nguy hiểm, phức tạp, thường phải điều trị lâu dài và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên, đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em và người trẻ tuổi, nữ giới bị bệnh nhiều hơn nam giới.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là một bệnh lý có tên gọi là ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (immune thrombocytopenic purpura - ITP), trước đây gọi là ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Người ta không biết được nguyên nhân chính xác gây ra ITP, chỉ biết rằng nó xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy đi chính các tiểu cầu trong máu.
Ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có tính chất gia đình, nhưng nhiều yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc phải. Điều trị có thể làm cải thiện tình trạng giảm tiểu cầu trong ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.
Ngoài ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch còn có các nguyên nhân khác gây ra giảm tiểu cầu như: Nhiễm siêu vi (như sởi, Parvovirus, siêu vi viêm gan C, Epstein-Barr, HIV); Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính; Ban xuất huyết giảm tiểu cầu do thuốc gây ra; Nhiễm khuẩn huyết; Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (H. Pylori) - loại vi khuẩn sống trong dạ dày.
Một số loại thuốc cũng có thể gây ra tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu, thuốc chống kết tập tiểu cầu (không gây giảm tiểu cầu nhưng gây xuất huyết), thuốc chống động kinh, kháng sinh. Heparin - một loại thuốc chống đông máu hoặc do phẫu thuật cầu nối động mạch vành tim. Xạ trị lên tủy xương.
Các bệnh lý như: Ung thư máu như bệnh bạch cầu hoặc u lympho; Tổn thương tủy xương, như bị độc tố do uống quá nhiều rượu; Thiếu vitamin B12 hoặc vitamin B9 (acid folic); Bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp... có thể gây xuất huyết giảm tiểu cầu.
Ở một số thai phụ cũng bị tình trạng này, khoảng 5% phụ nữ khỏe mạnh bị giảm tiểu cầu trong thai kỳ và tình trạng thường sẽ cải thiện sau khi sinh. Nhưng giảm tiểu cầu khi mang thai có thể gặp ở các bệnh lý nguy hiểm hơn như tiền sản giật hoặc hội chứng HELLP (tán huyết, giảm tiểu cầu, tăng men gan).
Dấu hiệu nhận biết
Trong đa số trường hợp, người bệnh dễ bị chảy máu ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng như: chấm xuất huyết ngoài da, bầm da, chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, rong kinh, tiểu máu, ói máu, xuất huyết não... và thông thường, giảm tiểu cầu sẽ không biểu hiện triệu chứng trừ khi tiểu cầu giảm nhiều. Các triệu chứng thường gặp nhất là thường gặp chảy máu mũi hoặc nướu răng. Phụ nữ có thể bị rong kinh, cường kinh. Có thể thấy máu trong phân hoặc nước tiểu.
Xuất hiện đốm đỏ ở da: gọi là đốm xuất huyết dưới da, thường gặp ở dưới chân, bàn chân nhiều hơn. Nếu xuất huyết dưới da nhiều, thay vì đốm xuất huyết thì nó sẽ trở thành mảng xuất huyết nhìn tương tự như vết bầm khi bị đánh. Dân gian gọi chó ma cắn thật ra là vì mảng xuất huyết dưới da. Khó cầm máu khi có vết thương chảy máu.
Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp, cơ thể người bệnh sẽ có thể bị xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi va chạm rất nhẹ. Các trường hợp xuất huyết nặng bao gồm: xuất huyết tiêu hóa (ói ra máu), xuất huyết đường niệu (tiểu đỏ), xuất huyết não màng não (tai biến)... Tuy nhiên, tỷ lệ xuất huyết não màng não rất thấp, chỉ khoảng 0,5-1% người bệnh.
Vì vậy, khi người dân thấy những triệu chứng nghi ngờ thì hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra số lượng tiểu cầu, loại trừ xuất huyết do giảm tiểu cầu, tìm nguyên nhân và điều trị sớm, triệt để, tránh xảy ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Cách điều trị
Hiện nay, điều trị bệnh giảm tiểu cầu và xuất huyết giảm tiểu cầu có nhiều lựa chọn. Tùy thuộc vào mức độ giảm tiểu cầu và các triệu chứng xuất huyết mà bác sĩ quyết định cách thức điều trị. Mục tiêu điều trị phải đạt được là nâng số lượng tiểu cầu lên đủ để ngăn ngừa xuất huyết nặng ở ruột hoặc não. Phác đồ điều trị ở người lớn và trẻ em khác nhau.
Corticosteroid được lựa chọn thường gặp nhất cho chứng giảm tiểu cầu do miễn dịch. Thường dùng thuốc ngày một lần đển giúp nâng số lượng tiểu cầu, dùng trong 1 - 2 tuần và giảm liều dần dần trong 4 - 8 tuần tiếp theo. Nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ cần phải được theo dõi chặt, đặc biệt nếu dùng lâu. Sau một thời gian dùng ngắn hạn, có thể người bệnh bị kích ứng đường tiêu hóa (đau dạ dày) cùng với những tác dụng phụ khác về rối loạn giấc ngủ, tăng cân, đỏ mặt, tiểu nhiều, giảm đậm độ xương, mụn trứng cá…). Bên cạnh tác dụng phụ, còn có thể gặp bất lợi khác với thuốc này, đó là tiểu cầu sẽ giảm xuống trở lại khi ngưng dùng thuốc.
Phẫu thuật nếu bị chứng giảm cầu do miễn dịch và các điều trị khác không làm tăng được mức tiểu cầu cần thiết thì có thể xem xét đến chỉ định mổ cắt bỏ lá lách. Lá lách là cơ quan phá hủy tiểu cầu nên việc cắt bỏ này giúp tiểu cầu tồn tại lâu hơn. Nhưng cắt bỏ lách thì làm cơ thể bị mất đi một cơ quan giúp chống nhiễm trùng, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng lên cao nhất trong 3 tháng đầu tiên sau phẫu thuật.
Ngoài ra còn có thể dùng thuốc nhóm điều trị sinh học. Thuốc tấn công tế bào bạch cầu B, loại bạch cầu phá hủy tiểu cầu; thường dùng trong giảm tiểu cầu do miễn dịch thay cho điều trị steroid và không thể phẫu thuật cắt lá lách. Thuốc cũng được dùng trong trường hợp đã phẫu thuật cắt bỏ lá lách nhưng tiểu cầu vẫn còn thấp. Tác dụng phụ của thuốc là sốt, ớn lạnh, yếu cơ, buồn nôn, đau đầu, suy giảm miễn dịch…
Tiêm globulin miễn dịch đường tĩnh mạch nếu không thể tăng tiểu cầu với steroid hoặc không dung nạp thuốc hoặc tiểu cầu giảm sau khi ngưng điều trị thì có thể bệnh nhân được chỉ định tiêm globulin. Ưu điểm của cách điều trị này là tăng tiểu cầu rất nhanh, tuy nhiên sự tăng này chỉ tạm thời. Tác dụng phụ của thuốc gồm buồn nôn, nôn, đau đầu, sốt, ớn lạnh.