Theo các bác sĩ, trẻ có chỉ số men gan tăng thường do viêm gan, béo phì, nhiễm virus và nhiều trường hợp do tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Con kén ăn, mẹ tự ý tăng liều vitamin lên gấp đôi
Con gái chị Hoàng Hạnh Nguyên (SN 1990, ở TP.HCM), hiện hơn 13 tháng tuổi, nặng hơn 9kg. Chị cho biết, từ lúc sinh đến hơn 1 tuổi, con gái bú mẹ là chủ yếu, nhưng ăn khá kém.
Ngoài tiêm phòng cho con đầy đủ, chị còn xổ giun cho con khi bé được 13 tháng tuổi và bổ sung vitamin D3 hằng ngày ở dạng xịt. Liều lượng vitamin D3 chị bổ sung cho con là 400 IU/ngày khi bé trước 12 tháng và 800 IU/ngày từ khi bé bắt đầu 12 tháng tuổi.
Cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin cho trẻ. Ảnh minh họa.
Chị Nguyên cho biết, trước khi bổ sung vitamin D3, chị đã tham khảo một số thông tin chia sẻ trên mạng và làm theo đúng hướng dẫn.
Cuối tháng 1, chị thấy con kén ăn và sợ con bị thiếu chất nên đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khám tổng quát. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé gái bị dư vitamin D3, chỉ số men gan tăng lên hơn 180 UL so với bình thường. “Trước khi đưa con đi khám một ngày, tôi có xịt vitamin D3 cho con vào sáng sớm. Trong ngày đưa con đi khám tôi không xịt. Con cũng không bị vàng da, không táo bón, siêu âm gan và các cơ quan khác bình thường. Tôi không hiểu vì sao con lại có kết quả này”, chị Nguyên chia sẻ.
Khi nghe chị chia sẻ về việc bổ sung vitamin D3 cho con, vị bác sĩ trực tiếp khám cho bé khuyến cáo, trẻ trên 12 tháng tuổi cũng chỉ nên bổ sung 400 IU/ngày, muốn tăng liều thì phải có chỉ định của bác sĩ. Vị bác sĩ còn cho biết, nguyên nhân khiến con chị Nguyên có chỉ số men gan tăng có thể do được bổ sung vitamin 3 quá liều và xổ giun sớm.
Chị Nguyên được khuyến cáo, giảm bổ sung vitamin D3 cho con xuống còn 400 IU/ngày và theo dõi con tại nhà. “Mặc dù chưa kết luận được chính xác nguyên nhân tăng men gan của con, nhưng nghe bác sĩ nói vậy, tôi hoang mang quá. Thật sự, tôi cũng tìm hiểu kỹ mới áp dụng cho con”, người mẹ sinh năm 1990 lo lắng.
Bệnh viện Nhi đồng 2 từng điều trị cho trẻ bị man gan cao do sử dụng thuốc kháng sinh. Ảnh: BVCC.
Trẻ dễ tăng men gan nên sử dụng vitamin, kháng sinh vô tội vạ
Mới đây, chị Nguyên chia sẻ tình trạng của con lên nhóm có nhiều cha mẹ đang nuôi con nhỏ tham gia. Một bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện ở TP.HCM giải thích, ở tuổi con chị Nguyên chỉ nên bổ sung vitamin D3 400 IU/ngày và chỉ nên tăng liều khi kết quả xét nghiệm trẻ thiếu chất này và do bác sĩ kê, cha mẹ không nên tự ý bổ sung cho con.
Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ cũng khuyến cáo, đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên chỉ cần bổ sung vitamin D3 ít nhất 400 IU/ngày qua ăn uống và thực phẩm bổ sung. Việc nhiều cha mẹ thấy trẻ ngủ giật mình, rụng tóc vành khăn, vã mồ hôi trộm rồi "đoán" con bị thiếu vitamin là không đúng. Với trẻ sơ sinh, giật mình là phản xạ bình thường do não bộ chưa phát triển hoàn thiện còn hai dấu hiệu còn lại thường là do trẻ quá nóng, chà xát và cựa quậy nhiều vào gối nên rụng tóc.
Về cơ bản, không có bất cứ dấu hiệu nào chẩn đoán được trẻ sơ sinh bị thiếu vitamin D3, muốn biết chính xác thì cha mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế để xét nghiệm.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), việc bổ sung vitamin D, trong đó có vitamin D3 là rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Việc bổ sung ngày ngoài qua ăn uống, phơi nắng còn qua bổ sung qua các viên dạng uống hoặc xịt cho trẻ. Tuy nhiên, cần phải đúng liều và cần phải có hướng dẫn của chuyên gia y tế.
“Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống quá thoải mái, uống vô tội vạ. Khi trẻ uống vitamin quá nhiều sẽ dẫn đến chán ăn, khó chịu và còn nhiều hệ lụy khác nếu mua phải sản phẩm trôi nổi, có chứa các thành phần gây hại cho sức khỏe”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Theo các bác sĩ, thói quen tự ý sử dụng thuốc của cha mẹ rất dễ gây hại trẻ. Ảnh minh họa.
Về vấn đề men gan tăng cao của con gái chị Nguyên, vị bác sĩ giải thích, bất cứ thuốc gì khi uống vào cơ thể cũng phải chuyển hoá qua gan nên men gan tăng cũng là điều đương nhiên. Trong đó, loại thuốc xổ giun chị Ngân cho con uống có tác dụng phụ là làm tăng men gan. Vì vậy, điều chị Ngân cần làm là ngừng thuốc cho con và theo dõi sức khỏe của trẻ.
Theo bác sĩ Đoàn Hồng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, men gan bao gồm các enzyme trong gan. Các enzyme chính được sử dụng để kiểm tra tổn thương gan là AST (aspartate transaminase) và ALT (alanine transaminase). Trẻ em có một lượng nhỏ ALT và AST trong máu là bình thường. ALT được tìm thấy chủ yếu ở gan, AST thì được tìm thấy ở nhiều cơ quan, bao gồm gan, tuyến tụy, cơ, tim và não. Đặc biệt ALT rất hữu ích trong việc phát hiện và chẩn đoán bệnh gan vì nó xuất hiện trong máu trước khi các dấu hiệu bệnh gan rõ ràng hơn. Ngược lại thì AST không đặc hiệu đối với bệnh gan của trẻ sơ sinh vì enzyme này cũng có trong nước bọt và tế bào cơ của em bé.
Theo bác sĩ Đoàn Hồng, nguyên nhân gây ra tình trạng men gan tăng ở trẻ có thể là do môi trường ô nhiễm, trẻ bị viêm gan, béo phì, sữa công thức và nhất là do thuốc kháng sinh.
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến gan bao gồm những loại thuốc điều trị chứng rối loạn tăng động/giảm chú ý (chẳng hạn như Atomoxetine), kháng sinh (chẳng hạn như erythromycin hoặc minocycline), thuốc chống co giật (chẳng hạn như axit valproic), hoặc các sản phẩm có chứa acetaminophen.
Bác sĩ Đoàn Hồng nhấn mạnh, tổn thương gan ở trẻ do thuốc thường nhẹ, có thể tự khỏi nếu cha mẹ ngưng dùng thuốc một thời gian. Nhưng trong trường hợp trẻ bị vàng da, chướng bụng, sốt, phát ban bất thường… cần đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.
Trao đổi với chúng tôi trưa 26/3, chị Nguyên cho biết, sức khỏe con gái bình thường, chỉ kén ăn và chị cũng đã giảm bổ sung vitamin D3 cho con theo chỉ dẫn của bác sĩ. Kết quả xét nghiệm lại chỉ số men gan của bé gái cũng đã trở về trạng thái bình thường.
* Tên người mẹ đã được thay đổi.