Sau khi con gái chậm kinh bất thường, người mẹ lo lắng đưa đi khám vì nghi con có thai, không ngờ kết quả hoàn toàn khác.
Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Nữ sinh đặt cả cốc que thử thai trước mặt mẹ vì bị nghi có bầu
TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, lứa tuổi dậy thì trẻ thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý. Đối với vấn đề trẻ nữ “chập chờn” chu kỳ kinh nguyệt cũng không có gì là lạ, do vậy tốt nhất phụ huynh nên đưa con đi khám trước khi phán xét con trẻ. Bởi sự phán xét không chính xác, ví dụ con rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, đang có kinh rồi lại mất kinh nhưng bố mẹ lại nghĩ trẻ có thai và mắng mỏ có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.
Bác sĩ Minh Loan cho biết, trẻ dậy thì có nhiều vấn đề về tâm, sinh lý nên phụ huynh cần trang bị kiến thức để nhận biết một cách chính xác, từ đó có lời khuyên phù hợp.
Thực tế, đã có không ít trường hợp khi bác sĩ có kết luận cuối cùng, phụ huynh mới biết mình sai. Dù vậy không mấy cha mẹ dám đứng ra xin lỗi con, nhận trách nhiệm về mình. Điển hình như trường hợp của Minh Hằng (14 tuổi, ở Hà Nội). Hằng có kinh nguyệt lúc 13 tuổi rưỡi, sau đó “đến tháng” rất đều đặn. Bước sang tuổi 14, bất ngờ Hằng bị mất kinh 2 tháng khiến mẹ em vô cùng lo lắng. Trước đó, gia đình đã biết Hằng có người yêu hơn em 2 tuổi.
Dù đã tìm mọi cách ngăn cản, nhưng do tình yêu “bọ xít” của Hằng và bạn trai quá mãnh liệt, nên gia đình hai bên đành chấp nhận và theo sát các con. Dù yêu nhau nhưng cả Hằng và bạn trai học tập vẫn rất tiến bộ, đạt được thành tích cao.
Tuy nhiên, khi thấy con bất ngờ không có kinh theo đúng chu kỳ hàng tháng, mẹ của Hằng lo lắng và “lừa” con đi đến viện để khám nội tiết vì có nhiều mụn trứng cá. Do sợ bị ảnh hưởng đến nhan sắc nên Hằng đồng ý theo mẹ đi khám.
Khi biết mẹ nói dối để bắt mình đến bệnh viện khám sản phụ khoa vì nghi ngờ có thai, Hằng rất buồn và tự bỏ về. Trên đường về nhà, cô bé đã mua cả chục que thử thai rồi tự nhốt mình trong phòng và thử hết số que đó. Cô bé sau đó mang cả cốc que thử thai một vạch đặt trước mặt mẹ rồi ôm mặt khóc quay về phòng. Nhận ra mình sai, người mẹ cố làm hòa, an ủi con nhưng Hằng nhất quyết không ra khỏi phòng hay nói chuyện với mẹ.
Việc nghi ngờ trẻ có thai nhưng thực tế lại không phải vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ. Ảnh minh họa.
Phía bệnh viện, sau khi có các kết quả xét nghiệm, siêu âm, các bác sĩ đã gửi tới mẹ Hằng, đồng thời khẳng định cô bé bị rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì, vấn đề không quá nghiêm trọng. Người mẹ sau đó đã thông báo kết quả cho con gái và hóa giải tình trạng căng thẳng giữa hai mẹ con.
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì không nên quá lo lắng
Bác sĩ Sản phụ khoa Dương Ngọc Vân (Hà Nội) cho biết, với các bạn gái đang tuổi dậy thì, việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt rất quan trọng, từ đó có thể thăm khám kịp thời và đưa ra các biện pháp xử lý, điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, không ít phụ huynh khi phát hiện con chậm kinh lại quá lo lắng, nghĩ rằng con mang bầu, từ đó có cách ứng xử chưa hợp lý, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Theo bác sĩ Dương Ngọc Vân, những trường hợp bỗng dưng chậm kinh như của Hằng không hiếm gặp. Tình trạng kinh nguyệt không đều đặn xuất phát từ việc cơ thể có nhiều sự biến đổi liên tục, buồng trứng của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Ngoài ra, còn một số yếu tố tác động đến như: Sự thay đổi nội tiết tố, chế độ ăn uống không hợp lý, thức khuya, căng thẳng vì công việc học tập... Do chưa có kinh nghiệm, hầu hết trẻ khi bị rối loạn kinh nguyệt đều tỏ ra lúng túng và lo sợ. Trước tình trạng này, lẽ ra phụ huynh cần giúp con bình tĩnh, cùng con tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết thì nhiều người làm ngược, khiến trẻ thêm hoảng.
Bác sĩ Vân cho rằng, để kinh nguyệt đều đặn, trẻ nữ ở tuổi dậy thì cần có chế độ ăn lành mạnh, xử lý những áp lực, stress trong học tập một cách phù hợp, thường xuyên vận động hợp lý, không thức khuya, đặc biệt các mẹ cần quan tâm, hướng dẫn con vệ sinh vùng kín đúng cách. Trường hợp trẻ rối loạn kinh nguyệt kéo dài như mất kinh, rong kinh thì nên đưa đi khám chuyên khoa để phát hiện những bất thường.
Rối loạn kinh nguyệt ở trẻ tuổi dậy thì không phải vấn đề quá nghiêm trọng, nhưng cũng không nên chủ quan. Ảnh minh họa.
Nên định hướng, không nên cấm đoán trẻ
TS.BS Đỗ Minh Loan tư vấn thêm, với trẻ ở tuổi dậy thì, bố mẹ cần là người gần gũi, lắng nghe và tâm sự với con, tuyệt đối không áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ. Ngay cả khi trẻ có quan hệ yêu đương, thậm chí là quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, nếu phụ huynh càng cấm đoán thì trẻ càng tìm mọi cách "vượt rào" vì đây chính là đặc điểm ở lứa tuổi “nổi loạn” này.
“Thay vì cấm đoán, phụ huynh hãy tâm sự, định hướng cho trẻ biết bảo vệ mình, biết những biện pháp an toàn và yêu đương đúng mực. Bởi nếu hai bạn trẻ yêu nhau, dành tình cảm cho nhau, động viên nhau cùng tiến bộ thể hiện qua kết quả học tập, thi cử tốt thì chúng ta không nên ngăn cản mà cần hướng dẫn trẻ đi đúng hướng”, BS Loan tư vấn.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi
Tin liên quan
Theo thống kê, số trẻ “dậy thì sớm” hiện nay ngày càng tăng. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: Bốn loại thực phẩm phổ biến này chính là...
Hiện nay số người mắc các bệnh lý về thận ngày càng nhiều và đang trẻ hóa. Đa số mọi người phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, trong khi...
Việc can thiệp với trẻ dậy thì sớm phải được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định, bố mẹ không nên vì quá lo lắng mà tự ý sử dụng thuốc ức chế...
Bé gái Sài Gòn 16 tháng tuổi đã dậy thì, nguyên nhân bất ngờ đến từ người mẹ khiến ai cũng choáng...
Sau khi thấy con bị xuất huyết âm đạo, gia đình đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám, tại đây bệnh nhi đã được hội chẩn và chấn đoán bị dậy thì...
Tin bài cùng chủ đề Rối loạn kinh nguyệt
Chưa đến 40 tuổi, không áp lực chuyện con cái hay kinh tế, nhưng chị Hoa đã tắt hẳn chuyện “yêu” khiến tình cảm vợ chồng bị lung lay.
Bệnh phụ khoa khác