Việc nhận diện và phát hiện muộn khi trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần sẽ rất nguy hiểm, đây chính có thể là nguyên nhân khiến tình trạng tự tử ở trẻ gia tăng.
Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tình trạng trẻ vị thành niên tự tử rất đáng báo động
Theo TS.BS Ngô Anh Vinh - Khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương), hiện nay tình trạng trẻ ở độ tuổi vị thành niên tự tử rất đáng báo động. Chỉ tính trong vòng một tháng qua, khoa tiếp nhận 4 trường hợp trẻ tự tử đến cấp cứu.
Mới đây nhất, vào ngày 4/4, khoa vừa tiếp nhận một cháu bé 14 tuổi nhập viện trong tình trạng li bì, hôn mê, do trước đó đã uống 1 lượng lớn thuốc ngủ để tự tử. Sau khi được các bác sĩ xử trí cấp cứu, rửa dạ dày… trẻ đã tỉnh, và đến sáng nay sức khỏe đã ổn định.
Theo như chia sẻ của bệnh nhi này, nguyên nhân cháu tự tử là do không có mục tiêu trong cuộc sống, bố mẹ áp đạt quá nhiều, đặc biệt là kỳ vọng vào kết quả học tập cao, trong khi bản thân trẻ lại sợ học. Khi mất phương hướng, không biết chia sẻ cùng ai, trẻ đã tìm đến cái chết.
Ngồi bên cạnh con, anh T.H (bố bệnh nhi tự tử) thừa nhận, bản thân anh chưa quan tâm, chia sẻ với con, nhưng lại luôn áp đặt suy nghĩ của người lớn và bắt ép con phải thực hiện bằng được. Sau khi con tự tử, dù đã được cứu sống nhưng anh H vẫn luôn cảm thấy ân hận và cho rằng chính anh cũng như các bậc phụ huynh khác cần thay đổi suy nghĩ, trò chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn.
Một trường hợp khác cũng nhập viện cấp cứu vì có hành vi tự sát là bé T.T (13 tuổi). Cháu tìm đến cái chết vì cảm thấy thất vọng về bản thân khi không đáp ứng được những kỳ vọng của cha mẹ. Bố mẹ em cũng thường xuyên mâu thuẫn với nhau do bất đồng quan điểm về phong cách sống và định hướng tương lai nên đã ly thân. Bé T sống cùng với mẹ nhưng không nhận được sự yêu thương, chia sẻ của người thân nên dẫn tới các bất ổn về tâm lý.
Theo bác sĩ Loan việc nắm bắt tâm lý trẻ ở độ tuổi vị thành niên là rất quan trọng.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, ngoài những tác động từ môi trường sống, hoàn cảnh gia đình, rất nhiều trường hợp trẻ tự tử vì lý do bị ức chế tâm lý do phụ huynh mắng hoặc phạt. Điển hình như cháu H (15 tuổi, ở Hà Nội) dùng thuốc paracetamol để tự tử sau đó được đưa đến BV Nhi Trung ương cấp cứu.
Trước đó, H thường xuyên sử dụng điện thoại và bị gia đình nhắc nhở nhiều lần về việc này. Thấy con không nghe lời, mẹ bệnh nhi đã thu điện thoại khiến cháu ức chế tâm lý và tìm cách tự tử.
Theo bác sĩ Loan, đa phần trẻ ở tuổi vị thành niên tự tử đều có đặc điểm chung đó là có ức chế, khủng hoảng về tâm lý một giai đoạn kéo dài. Thực tế cho thấy, thời điểm trẻ tự tử chỉ là "giọt nước tràn ly". Trong thực tế, các trẻ đã xảy ra bất ổn tâm lý từ rất lâu, kéo dài và ảnh hưởng đến suy nghĩ, tư tưởng của trẻ nhưng không được bố mẹ phát hiện và can thiệp kịp thời.
Sức khỏe tâm thần đang bị bỏ lại phía sau
Tiến sĩ Minh Loan cho biết, hiện nay vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được bố mẹ quan tâm đúng mức, đầy đủ. Thực tế, với một đứa trẻ khi bị ho, sốt hay mắc bệnh lý thực thể nào đó bố mẹ lập tức đưa ngay đến viện, nhưng khi trẻ có vấn đề tâm lý như buồn bã, chán nản, lo âu bố mẹ lại bỏ qua, thậm chí né tránh từ “tâm thần” và không cho trẻ đi khám.
“Khi vấn đề tâm lý trẻ gặp phải tích tụ lâu dần sẽ khiến trẻ suy nghĩ tiêu cực và nghĩ đến hành vi tự tử. Đáng nói, những vấn đề về sức khỏe tâm thần của trẻ ở tuổi vị thành niên lại rất thường gặp, nhưng không được quan tâm đúng mức.
Bác sĩ Loan cảnh báo tình trạng trẻ gặp vấn đề về tâm thần đang rất đáng báo động.
Cụ thể khảo sát của khoa Sức khỏe Vị thành niên trong năm học 2020-2021, trên 1.111 học sinh trung học cơ sở tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ trẻ gặp vấn đề rối loạn trầm cảm chiếm tới 26,1%, trẻ có stress 33%, trẻ có rối loạn lo âu 38%”, bác sĩ Loan cảnh báo.
Yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị rối loạn tâm lý xuất phát từ rất nhiều vấn đề, cụ thể:
- Từ bản thân các trẻ:
+ Thứ nhất, là nhóm trẻ có tính bốc đồng, khó kiểm soát được cảm xúc của mình, cảm xúc không ổn định;
+ Thứ 2, nhóm trẻ thiếu các kỹ năng sống;
+ Thứ 3, nhóm trẻ có các trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ: bị bạo hành về thân thể, tinh thần và tình dục.
+ Thứ 4, nhóm trẻ mắc bệnh mãn tính (bệnh thận, bệnh lý về máu, bệnh tim mạch…);
+ Thứ 5, nhóm trẻ LGBT
- Từ phía gia đình: Trong gia đình có bố mẹ trầm cảm thì con sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn. Hoặc gia đình bố mẹ có những vấn đề chia ly, cuộc sống không hạnh phúc…
Tiến sĩ Loan khuyến cáo, các bậc làm cha mẹ hãy lưu tâm hơn tới vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ, đặc biệt khi trẻ ở lứa tuổi vị thành niên. Nếu chăm sóc tốt ở giai đoạn này thì khi trưởng thành trẻ sẽ có một sức khỏe toàn diện, khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần. Ngược lại nếu như không có sự quan tâm đúng mức trẻ sẽ phát triển lệch lạc, chịu ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời.
Với trẻ ở lứa tuổi vị thành niên, bố mẹ hãy chăm sóc và hỗ trợ trẻ theo nguyên tắc tôn trọng, lắng nghe, cùng thảo luận và chia sẻ các vấn đề có liên quan tới trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần có kiến thức để nhận diện sớm những dấu hiệu bất ổn từ trẻ để có thể can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Tin liên quan
Không bố mẹ nào muốn nghĩ đến tình huống con cái mình muốn kết thúc cuộc sống ở những năm tháng tuổi học trò hồn nhiên và tươi đẹp. Nhưng để...
Hơn một thập kỷ tìm con của người lính biên phòng và cô gái H'Mông cuối cùng đã có được thành quả, để làm được điều đó hai vợ chồng người...
Khi con ở giai đoạn "quá độ", phát triển từ trẻ con thành người lớn, nếu bố mẹ vẫn áp đặt, kiểm soát con có thể khiến tâm sinh lý trẻ bị ảnh...
Nhiều nam giới khi mắc các vấn đề tâm lý không dám chia sẻ hay tìm sự trợ giúp, lại tìm tới những cách giải tỏa nguy hiểm, thậm chí kết liễu...
Tin bài cùng chủ đề TS.Bs.Đỗ Minh Loan
Với trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, việc khám phá cơ thể, thậm chí là “đi quá giới hạn” rất dễ xảy ra. Vì thế để không gây nên hậu quả ngoài ý muốn, chính phụ huynh sẽ phải làm bạn, hướng dẫn...