Sữa có thể dùng kết hợp trong bữa sáng, còn việc dùng nguyên sữa cho bữa sáng mà không có các thực phẩm khác là không nên.
Có không ít người vì buổi sáng ít thời gian, lại quá bận rộn nên bữa sáng được thực hiện rất đơn giản, gọn nhẹ. Theo đó, nhiều người bữa sáng chỉ cần một cốc sữa tươi hoặc một hộp sữa có đường là đủ để bắt đầu công việc ngày mới.
Việc chỉ uống sữa cho bữa sáng liệu có tốt cho sức khỏe? Dưới góc độ dinh dưỡng, các bác sĩ cho rằng, việc này nếu thực hiện thường xuyên là không nên. Tiến sĩ, bác sĩ Từ Ngữ (Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, việc bữa sáng ăn gì, uống gì tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như sở thích, điều kiện kinh tế của mỗi người. Tuy nhiên, chỉ uống cốc sữa thay vì ăn các thực phẩm khác trong bữa sáng, nếu thực hiện thường xuyên, thành thói quen có thể không có lợi cho sức khỏe.
Dù bất cứ lý do gì cũng không nên chỉ uống nguyên sữa trong bữa sáng.
“Ngay trong câu “ăn sáng” mọi người cũng có thể hiểu được rằng, bữa sáng là phải ăn, chứ không chỉ có uống. Trong khi đó, ăn cũng có rất nhiều kiểu cách khác nhau, người thích ăn đồ khô, người thích ăn đồ nước… Ăn gì cũng được, nhưng phải nhớ ăn đủ nhóm chất, nhất là rau”, bác sĩ Từ Ngữ khuyên.
Quay trở lại vấn đề uống sữa buổi sáng, bác sĩ Từ Ngữ cho biết, với nhiều người khi uống hộp sữa hay cốc sữa (loại có đường) buổi sáng cảm thấy no rất nhanh nên nghĩ rằng sữa có nhiều năng lượng tổng hợp, hợp với bữa sáng. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm giác “no giả”.
“Khi sáng dậy đang đói, uống sữa vào khiến đường huyết tăng lên và đó là lý do cảm thấy no, nhưng thực tế dạ dày vẫn rỗng tuếch. Đó là lý do trước bữa ăn không bao giờ được cho trẻ uống sữa, ăn đồ ngọt vì trẻ sẽ có cảm giác no, chán ăn. Hay những người bị đói lả, ngất khi cho uống nước đường vào sẽ tỉnh ngay, vì uống vào lượng đường trong máu sẽ tăng lên”, bác sĩ Từ Ngữ phân tích.
Bữa sáng nên ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau, kết hợp uống sữa sau khi ăn.
Bác sĩ Vũ Đức Chung (Trưởng khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Quân Y 354, Hà Nội) cũng cho rằng, việc nhiều người chỉ uống sữa thay cho bữa sáng là không nên và không tốt. Việc chỉ uống sữa vào buổi sáng mà không ăn các thực phẩm khác thì cũng không phát huy được tác dụng của sữa. Nếu uống sữa khi bụng đói, sữa sẽ bị đào thải ra ngoài dạ dày, các protein có trong sữa sẽ bị tiêu hao, phân giải thành nhiệt lượng, như vậy cơ thể không hấp thu được nhiều protein của sữa.
Đa phần mọi người đều có thể uống sữa và sữa có tác dụng tốt với cơ thể, tuy nhiên một số người không uống hoặc không nên uống nhiều sữa, nhất là vào buổi sáng.
Đầu tiên là trường hợp những người dị ứng với các thành phần có trong sữa, nhất là protein. Người dị ứng với các thành phần của sữa nếu cố sử dụng sẽ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy…
Với những người không dung nạp, có hệ miễn dịch phản ứng lại lactose (một thành phần có nhiều trong đường sữa) cũng cần phải lưu ý khi uống sữa, vì có thể sẽ gây tình trạng nghiêm trọng như đau bụng, tiêu chảy, nôn hoặc buồn nôn.
Ngoài ra, người viêm loét dạ dày cũng không nên uống sữa, nhất là vào buổi sáng, vì uống sữa có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Người có vấn đề về xương khớp, mắc các bệnh lý về thận cũng hạn chế hoặc không nên uống sữa, trước khi dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Lý do là sữa chứa nhiều canxi có thể làm tăng hình thành sỏi thận, khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Đọc thêm:
4 bữa sáng tế bào ung thư thích nhất, ngay cả trứng cũng có thể nằm trong danh sách
Uống sữa buổi sáng hay tối tốt nhất? Nhiều người ngỡ mình uống đúng hóa ra toàn sai