Trong dịp Tết, tủ lạnh nhà bạn thường trữ thứ gì nhiều nhất? Không phải thịt cá đã sơ chế hay các món đồ khô, thủ lạnh của một chuyên gia dinh dưỡng chứa phần lớn là loại thực phẩm này.
Trong những ngày Tết, vấn đề ăn uống, bảo quản thực phẩm luôn được nhiều người quan tâm vì ai cũng lo các siêu thị chưa mở cửa, hoặc hàng hóa bán chưa đa dạng nên nguồn cung sẽ thiếu. Đa số các gia đình tích trữ thực phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá, đồ ăn sẵn là chính. Một số thực phẩm khác như trứng, sữa, rau thì lại được coi là đồ thứ yếu trong ngày Tết, không cần tích trữ.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, việc tích trữ đồ ăn sẽ giúp tâm lý người dân thoải mái hơn trong ngày Tết, không phải lo nghĩ chuyện hàng ngày đi chợ mua sắm cho các bữa ăn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tổng thể thì đang có sự mất cân đối về nhóm chất cả khi tích trữ thực phẩm, đến các món ăn trên mâm cơm ngày Tết.
Nhìn tổng thể mâm cơm Tết người Việt đang rất mất cân đối về các thành phần dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
Thực tế, nhiều người chỉ lo tích trữ những đồ nhiều đạm, nhưng lại thiếu đi nhóm thực phẩm chứa chất xơ, vitamin và khoáng chất. Trong khi đó, vai trò của nhóm này quan trọng không kém gì món đạm, thậm chí còn giúp tiêu hóa, vận chuyển các chất có từ món ăn nhiều đạm để nuôi cơ thể. Vì thế, theo bác sĩ, mọi người nên thay đổi tư duy về cách ăn uống hàng ngày, cũng như trong dịp Tết.
“Trước kia chúng ta khó khăn, Tết đến chỉ muốn được ăn no, ăn nhiều thịt. Ngày nay, khi thịt có trong bữa ăn hàng ngày thì cũng cần phải thay đổi từ ăn no, sang ăn đủ, ăn cân đối các chất để phòng tránh bệnh tật”, bác sĩ Hưng nói.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết, trong dịp Tết, nhà ông cũng bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. Tuy nhiên, thay vì chất đầy một tủ thịt cả sống và chín, gia đình bác sĩ lại tích trữ chủ yếu là các loại rau xanh, quả chín và cũng chỉ mua đủ dùng trong 3 ngày.
Thay vì các nhóm thực phẩm giàu đạm, gia đình bác sĩ Hưng bảo quản các loại rau trong tủ lạnh để phục vụ dịp Tết. Ảnh minh họa.
“Thay vì mua các loại đồ ăn chế biến sẵn, các loại thịt, gia đình tôi lựa chọn đa dạng các loại rau, mỗi thứ một ít rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Bởi các loại thịt cá chỉ mùng 2 Tết các chợ đã có bán, tuy nhiên các loại rau có thể cũng có nhưng sẽ không nhiều và không đúng sở thích của các thành viên.
Ngoài rau, gia đình tôi còn mua sẵn sữa tươi, vì nhà có trẻ trong dịp Tết vẫn cần phải bổ sung thêm sữa. Khi đã dùng sữa thì cần hạn chế thức ăn giàu đạm khác, vì nguồn đạm trong sữa cũng khá dồi dào”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Bác sĩ Hưng cho biết, các loại rau được sử dụng nhiều trong ngày Tết bao gồm rau thơm (xà lách, húng láng, mùi, kinh giới, hành tươi, ớt, tỏi...), ngoài cung cấp các vitamin, chất khoáng, chất xơ chúng còn là những vị thuốc kháng sinh thực vật rất tốt.
Các loại rau xanh (súp lơ, cần tây, tỏi tây, cà chua) và các loại quả (cam, chanh, quít...), một số loại quả củ như ớt chuông, cà rốt, cà chua, các loại đậu cũng nên mua sẵn vì chúng cung cấp vitamin, có nguồn beta-caroten khá dồi dào.
Theo bác sĩ Hưng, rau không chỉ giúp tiêu hóa dễ, mà còn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất cho cơ thể. Ảnh: Lê Phương.
Theo bác sĩ, khi mua rau về không nên rửa, mà nên để khô bọc lại rồi bảo quản trong ngăn mát. Việc rửa rau trước khi cất dễ khiến rau bị ủng hoặc hao hụt nhiều vitamin.
“Tóm lại trong ngày Tết mọi người đừng quên rau xanh và hoa quả chín, đây là thực phẩm có thể ăn với số lượng nhiều thay vì ăn các món chế biến sẵn (giò, chả…), thức ăn chế biến từ thịt, cá, hải sản. Cụ thể, nhu cầu rau xanh được khuyến nghị là 400g/người/ngày và quả chín là 100 - 200gam/người/ngày”, bác sĩ Hưng tư vấn.