Không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ? Ai không nên ra khỏi nhà vào hôm nay?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 07/10/2024 15:38 PM (GMT+7)

Khi môi trường không khí bị ô nhiễm, chỉ số bụi mịn (PM2.5) vượt ngưỡng an toàn với sức khỏe con người thì tốt nhất không nên ra ngoài, nhất là trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai…

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận cơ thể

Ngày 7/10, theo IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) TP Hà Nội đang đứng số 1 thế giới về chỉ số ô nhiễm không khí. Theo đó, chỉ số AQI (chất lượng không khí) của Hà Nội ở mức không lành mạnh. Đặc biệt, chỉ số bụi mịn (PM2.5) vượt ngưỡng an toàn cho sức khỏe con người, gây ảnh hưởng rất lớn tới nhiều bộ phận trong cơ thể.

Hà Nội đứng số 1 thế giới về chỉ số ô nhiễm không khí trong ngày 7/10.

Hà Nội đứng số 1 thế giới về chỉ số ô nhiễm không khí trong ngày 7/10.

TS.BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, nhất là làn da và hệ hô hấp. Theo đó, khi sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm, các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi sẽ có xu hướng gia tăng.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ hô hấp, ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng và tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đột quỵ, ung thư gan,… Đặc biệt, chất lượng không khí không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ mang thai như tăng nguy cơ sinh non, cân nặng thai thấp, thai chết lưu, thậm chí ảnh hưởng đến phát triển hệ thần kinh...

Theo tiến sĩ Thành, khi không khí bị ô nhiễm, kèm theo chỉ số bụi mịn (PM2.5) vượt ngưỡng an toàn thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe càng lớn. Bởi đây là những hạt bụi rất nhỏ (có kích thước nhỏ hơn 2.5micromet), qua đường hô hấp có thể đi sâu vào trong phế quản và phế nang gây hại rất lớn cho hệ hô hấp.

Hạt bụi mịn PM2.5 có kích thước rất nhỏ này hoàn toàn có thể đi vào cơ thể kể cả khi đeo khẩu trang vải, khẩu trang y tế. Chỉ có khẩu trang N95 và một số loại khẩu trang có kết cấu màng lọc đặc biệt mới ngăn được loại bụi mịn này. Tuy nhiên do giá cả đắt đỏ, khi đeo khó thở nên ít người sử dụng. Vì thế, để phòng bệnh thì tốt nhất không ra khỏi nhà khi chất lượng không khí đang ở mức rất xấu", bác sĩ Thành khuyến cáo.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, khi chất lượng không khí xấu, chỉ số bụi mịn cao nhưng người có bệnh mãn tính, người già, trẻ nhỏ... không nên ra ngoài. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, khi chất lượng không khí xấu, chỉ số bụi mịn cao nhưng người có bệnh mãn tính, người già, trẻ nhỏ... không nên ra ngoài. Ảnh: Lê Phương.

Chất lượng không khí ở mức xấu, mọi người cần làm gì?

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khi chất lượng không khí được cảnh báo ở mức rất xấu, người dân cần thực hiện những biện pháp phòng tránh sau:

Đối với người bình thường

- Tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà.

- Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải hoạt động tại các khu vực này, nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn (là bụi có đường kính khí động học ≤ 2,5 μm).

- Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

- Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

- Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ nhỏ, có các bệnh lý mãn tính về hô hấp, da, tim mạch…)

- Tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

- Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà cần hạn chế tối đa thời gian thực hiện các hoạt động ngoài trời và sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

- Theo dõi sức khoẻ, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Hà Nội ghi nhận hơn 280 ca sốt xuất huyết, còn 39 ổ dịch lưu hành: Chuyên gia chỉ cách phòng bệnh hiệu quả
Trong vòng một tuần qua, Hà Nội ghi nhận 284 ca mắc sốt xuất huyết, toàn thành phố hiện vẫn còn 39 ổ dịch đang hoạt động.

Sốt xuất huyết

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Viêm phổi