Nam sinh ở Hà Nội trốn trong tủ quần áo sau 2 lần thi trượt lớp 10, BS cảnh báo: "Nguy cơ tự sát cao"

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 27/07/2023 15:43 PM (GMT+7)

Mặc dù bố mẹ không gây áp lực nhưng không ít học sinh tự tạo ra áp lực học tập cho mình, điều này nếu không được kiểm soát sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn.

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Phan Thanh Huyền (Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E) cho biết, thời gian gần đây khoa có tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân đang độ tuổi đi học đến khám và điều trị, nguyên nhân chủ yếu là áp lực học tập ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần.

Điển hình như trường hợp nam sinh tên Hùng, bị trầm cảm nặng khi 2 năm liên tục thi trượt vào một trường THPT có tiếng ở Hà Nội. Theo gia đình chia sẻ, cả hai năm Hùng đều thiếu 0,25 điểm, điều này khiến cho nam sinh buồn chán, không muốn tiếp xúc với ai. Có thời điểm Hùng chỉ ngồi trong tủ quần áo, ở trong bóng tối hoặc xó nhà vì sợ bị mọi người chê trách, bản thân thấy xấu hổ, tự trách chính mình.

Bố của Hùng cho biết dù gia đình không tạo áp lực, không đặt mục tiêu con phải vào trường điểm, nhưng con tự đặt mục tiêu cho mình và cố gắng để làm điều đó. “Khi thi không đậu, con luôn tự trách mình, luôn nói không xứng đáng là con của bố mẹ, cho rằng mình kém cỏi không bằng anh chị nên mới thi trượt”, bố của Hùng tâm sự.

Trường hợp trẻ tự đặt mục tiêu quá cao so với năng lực bản thân thì bố mẹ cũng cần có tư vấn kịp thời. (Ảnh minh họa)

Trường hợp trẻ tự đặt mục tiêu quá cao so với năng lực bản thân thì bố mẹ cũng cần có tư vấn kịp thời. (Ảnh minh họa)

Thạc sĩ Huyền cho biết, qua thăm khám nhận thấy Hùng có tư duy lộn xộn, có cơn hoảng sợ, hoang tưởng cho rằng có người theo dõi, luôn có tiếng xúi giục trong đầu… nên đã tư vấn và chỉ định điều trị nội trú. Tuy nhiên, nam sinh này chống đối, cho rằng bản thân không mắc bệnh, cuối cùng gia đình phải đưa về nhà và Hùng tiếp tục tự nhốt mình trong phòng. “Với trường hợp này nếu không được can thiệp, điều trị, nguy cơ tự sát rất cao”, thạc sĩ Huyền cảnh báo.

Hay như trường hợp nam bệnh nhân khác bị loạn thần cấp, sau đó bở lỡ kỳ thi đại học vừa diễn ra mới đây. Thạc sĩ Thanh Huyền cho biết khi tới viện, bệnh nhân chia sẻ sẽ thi vào trường Đại học Bách Khoa và đặt mục tiêu cho bản thân là mỗi môn thi đều phải đạt điểm 10. Do mục tiêu đặt ra rất cao nên nam sinh này suốt ngày vùi đầu trong học tập, chỉ ngủ 1-2 tiếng. Cách kỳ thi một tuần, bệnh nhân có biểu hiện khác thường như hay cáu gắt, không tiếp xúc với ai, bỏ ăn, tự trách bản thân và được gia đình đưa đi khám.

Kết quả thăm khám cho thấy, nam sinh có rối loạn hoang tưởng và ảo giác, có dấu hiệu loạn thần cấp và phải điều trị cả bằng thuốc lẫn tâm lý. Sau đó, nam sinh đã ổn định nhưng bỏ lỡ kỳ thi đại học.

Thạc sĩ Phan Thanh Huyền cho biết, những trường hợp gặp phải vấn đề về tâm lý, tâm thần như hai bệnh nhân trên không hề hiếm gặp, nhưng nhiều phụ huynh lại không phát hiện ra và đưa đi khám sớm, từ đó dẫn tới những hệ lụy đau lòng. Do vậy, khi phát hiện trẻ có những biểu hiện như mất ngủ, lo âu, luôn tự trách mình, không muốn tiếp xúc với người khác, đau đầu, tự làm đau cơ thể… phụ huynh cần nghĩ ngay đến bệnh lý tâm thần và cho đi khám.

Để phòng bệnh, phụ huynh không nên tạo áp lực học tập cho con, nếu con đặt ra mục tiêu quá cao cũng cần khuyên ngăn, giải thích để trẻ hiểu và đưa ra những mục tiêu phù hợp với năng lực của mình. Đặc biệt, trẻ nên cân đối thời gian hợp lý giữa học và chơi, bởi những hoạt động ngoại khóa sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ để tránh căng thẳng, stress và giúp cân bằng cuộc sống.

Có nên đưa con gái đi khám tâm thần khi bé mê xem Tiktok rồi bắt chước nhảy múa, nói đạo lý
Trẻ tiếp cận và xem mạng xã hội quá nhiều liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe? Bố mẹ cần ứng xử như thế nào thì tốt cho con nhất? Vấn đề này sẽ được Thạc...

Tư vấn sức khỏe trẻ em

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sinh lý tuổi teen