Không chỉ bà bầu, ngay cả người bình thường khỏe mạnh nếu lạm dụng thái quá bất cứ loại thực phẩm nào cũng đều gây hại cho cơ thể.
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Trong các loại trứng gia cầm, trứng gà và trứng vịt thường xuyên được các gia đình sử dụng nhất. Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng trứng ngỗng mới là loại trứng có giá trị dinh dưỡng cao và bổ nhất. Đó là lý do vì sao phụ nữ mang thai thường ăn trứng ngỗng để bồi bổ.
Liệu trứng ngỗng có thực sự bổ như mọi người vẫn nghĩ? Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), kiêm Phó khoa Dinh dưỡng tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết trứng ngỗng không phải là tốt và bổ nhất.
“Xét tổng thể về giá trị dinh dưỡng, trứng gà là loại trứng tốt nhất. Tốt hơn cả trứng ngỗng và là loại trứng gia cầm cân đối về mặt dinh dưỡng nhất”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Dù to lớn nhưng trứng ngỗng không có nhiều giá trị dinh dưỡng bằng trứng gà. (Ảnh minh họa)
Giá trị dinh dưỡng trong 100g trứng ngỗng có khoảng: 13g protein, 14,2g lipid, 360mcg vitamin A, 71mg calci; 210mg phosphor; 3,2mg sắt; 0,15mg vitamin B1, 0,3mg vitamin B2, 0,1mg vitamin PP…
So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%). Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng (360mcg) chỉ bằng một nửa so với trứng gà (700mcg). Đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai nhưng hàm lượng vi chất này ở trứng ngỗng lại rất ít.
Theo bác sĩ Hưng, xưa kia khi cuộc sống khó khăn, dinh dưỡng không đầy đủ nên các thai phụ sinh con ra cân nặng thường không được như mong muốn. Do vậy, nhiều người cho rằng ăn quả trứng ngỗng to với mong muốn có nhiều chất, con sinh ra cũng to hơn.
“Hiện nay, dinh dưỡng đầy đủ hơn, thực phẩm phong phú và có nhiều thứ bổ dưỡng cho bà bầu, vì thế không cần thiết phải bỏ tiền mua trứng ngỗng cho phụ nữ khi mang thai. Thực tế, trứng ngỗng không hề dễ ăn vì có vị hơi chát, ngai ngái chứ không thơm ngon như trứng gà. Theo tôi, nếu vì chiều lòng ai đó hoặc muốn trải nghiệm thì chỉ nên ăn thử, chứ không nên bắt buộc phải ăn 3 hay 5 quả trong quá trình mang thai”, bác sĩ Hưng tư vấn.
Bà bầu khi ăn trứng ngỗng không nên ăn hết 1 quả/lần. (Ảnh minh họa)
Thực tế, đã có không ít bà bầu kinh hãi, nôn ọe vì không thể ăn được trứng ngỗng. Tuy nhiên, vì chiều mẹ chồng, nể người mua, người cho trứng ngỗng nên cố phải ăn. Điều này là không nên, thậm chí ăn quá nhiều trứng ngỗng cũng không hề tốt.
“Theo khuyến nghị, một người trưởng thành chỉ ăn 4 quả trứng gà/1 tuần. Trong khi đó một quả trứng ngỗng rất to, có thể bằng 2,5 hoặc 3 quả trứng gà. Không ít bà bầu bị ép ăn một lần hết một quả mới tốt, mới bổ, như vậy là quá dư thừa chất vào cơ thể, nhất là chất đạm. Đó là chưa kể, ngoài ăn trứng ngỗng, bà bầu còn ăn các thực phẩm khác”, bác sĩ Hưng cảnh báo.
Vị chuyên gia dinh dưỡng này tư vấn khi ăn trứng ngỗng nên ăn một cách hợp lý, để cơ thể hấp thu vừa đủ dinh dưỡng. Theo đó, chỉ nên ăn 2/3 hoặc nửa quả trứng ngỗng. Trường hợp bắt buộc phải ăn cả quả thì không ăn các thực phẩm khác như thịt, đậu…
Tin liên quan
Dù được rất nhiều người yêu thích, song dâu tây, cải bó xôi, cải xoăn,... lại nằm trong danh sách 12 loại rau củ, trái cây có chứa dư lượng...
Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng
Bí đỏ có rất nhiều công dụng với sức khỏe, có thể để được lâu, nhưng cần phải sử dụng và bảo quản đúng cách mới phát huy được hết công dụng của loại quả này.