Ung thư vòm họng là bệnh khó phát hiện sớm do bệnh tiến triển âm thầm, hầu như không biểu hiện triệu chứng gì đáng kể ở những giai đoạn đầu và chỉ phát tác mạnh mẽ khi đến giai đoạn cuối.
Tổng quan
Ung thư vòm họng là một bệnh ung thư ác tính, có tốc độ phát triển nhanh và cực kì nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh. Ung thư vòm họng do virus EBV gây ra. Theo các chuyên gia sức khỏe thì virus EBV có thể nhiễm vào cơ thể và tồn tại lâu mà không gây tác động nào.
Nguyên nhân
Mặc dù nguyên nhân của bệnh này chưa được xác định rõ ràng nhưng một số yếu tố sau đây được coi là có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng:
- Uống nhiều rượu, hút nhiều thuốc lá.
- Do virus: Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh có liên quan đến virus Epstein-Barr (EBV).
- Yếu tố di truyền: Nhiều trường hợp ung thư vòm họng được phát hiện trong một gia đình.
- Môi trường: Tổn thương chức năng tế bào lympho T kèm theo nhiễm virus EBV mạn tính là 2 yếu tố nguy cơ cao đã được xác định.
- Thức ăn và cách chế biến: Thức ăn chế biến qua các khâu lên men như rượu, bia, cá muối, dưa khú, nước mắm có chứa nhiều chất nitrosamine liên quan đến một số loại ung thư của đường tiêu hóa và ung thư vòm họng.
- Tuổi và giới: Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất 40-60 tuổi. Bệnh cả hai giới song thường gặp ở nữ hơn.
Các dấu hiệu của ung thư vòm họng có thể khó xác định trong giai đoạn đầu của bệnh. Nhiều triệu chứng liên quan với bệnh ung thư cổ họng cũng giống như đau hoặc viêm họng thông thường.
Các giai đoạn
Theo GS Mai Trọng Khoa – nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), ung thư vòm họng được chia làm 4 giai đoạn, nếu phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ sống càng cao. Theo đó:
- Giai đoạn 1: Ung thư mới bắt đầu rất nhỏ. Đây là giai đoạn ban đầu nên ung thư chưa lây lan đến các hạch bạch huyết. Nếu phát hiện và điều trị ngay lập tức, tỷ lệ sống rất cao.
- Giai đoạn 2: Khối ung thư đã tăng lên đến 5-6 cm và các tế bào đã bắt đầu quá trình tăng lên đáng kể. Lúc này, cơ hội phục hồi của bệnh nhân vẫn còn khá tốt nếu ung thư chưa lây lan sang các hạch bạch huyết và vẫn còn trong thanh quản.
- Giai đoạn 3: Ung thư vòm họng đã phát triển và đã bắt đầu lan tràn đến các khu vực khác và gây ra thiệt hại không thể khắc phục được. Kích thước của khối u đã tăng lên. Nếu khối u vẫn còn nhỏ có thể loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật.
- Giai đoạn cuối: Khối u đã lan đến môi và miệng, phá hủy các hạch bạch huyết. Khối u có thể lây lan đến các hạch bạch huyết ở phía bên kia, mỗi hạch bạch huyết có thể có khối u lớn đến 6cm.
“Tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân sau điều trị đạt 80%-90% ở giai đoạn 1 và 2, 30%-40% ở giai đoạn 3, 15% ở giai đoạn 4. Tuy nhiên, ở Việt Nam, 90%-97% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 và 4”, GS Khoa cho hay.
Dấu hiệu
Giai đoạn sớm, người bệnh thường có những biểu hiện như:
- Nhức đầu lan tỏa, âm ỉ, thường ở một bên.
- Ù tai, đa số một bên, ù như tiếng ve kêu.
- Ngạt mũi một bên lúc nặng lúc nhẹ, đôi khi xì ra máu mũi.
Ngoài ra còn một số triệu chứng cụ thể khác dưới đây:
Khó nuốt
Theo Trí Thức Trẻ, khó khăn trong việc nuốt vào là một trong những dấu hiệu sớm của ung thư vòm họng. Có thể có một khối u phát triển trong cổ họng của bạn. Và nếu bạn cảm thấy sự tăng trưởng của khối u trong cổ họng, khối u sẽ ngăn chặn thực phẩm đi qua cổ họng của bạn.
Bề mặt thanh quản thô ráp
Bạn cảm thấy có một bề mặt thô ráp trong cổ họng của bạn? Cảm giác khó chịu này là rất khó để bỏ qua. Nếu bạn đã bắt đầu phát triển bệnh ung thư vòm họng, bạn sẽ tiếp tục cảm thấy dấu hiệu này.
Thay đổi trong giọng nói
Nếu bệnh phát triển xung quanh các dây thanh âm, nó sẽ dẫn đến giọng nói của bạn bị thay đổi. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, ngay khi bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu của sự thay đổi trong âm thanh từ giọng của mình.
Ho kéo dài
Nếu bạn bị ho dai dẳng và khi khỏi, giọng bạn bị khàn đi, bạn nên chú ý đến dấu hiệu này. Đây là một trong những dấu hiệu sớm của ung thư vòm họng. Và nếu bạn bỏ qua những triệu chứng này, bạn có nguy cơ phát triển ung thư.
Chảy máu cam
Một trong những dấu hiệu để chẩn đoán nguy cơ ung thư vòm họng là chảy nước mũi một bên và có kèm theo máu. Tuy nhiên, nhiều người thường có thói quen nuốt nước mũi và nhổ ra đường miệng nên có thể dẫn đến chẩn đoán nhầm.
Nổi hạch ở cổ
Do vòm họng có cấu trúc mô bạch huyết phong phú nên khi có sự xuất hiện của tế bào ung thư thì chúng sẽ nhanh chóng lây lan khắp vùng cổ. Khi các tế bào ung thư phát triển, nó sẽ dẫn đến các hạch cứng ở cổ dù không có cảm giác đau đớn.
Giai đoạn muộn, lúc này khối u tăng dần về kích thước, xâm lấn ra xung quanh nên bệnh nhân nhức đầu dữ dội, có điểm đau khu trú, ù tai tăng dần, nghe kém, giảm thích lực, có thể điếc; ngạt mũi liên tục, kèm chảy máu mũi, không đáp ứng với điều trị thông thường.
Để phòng bệnh, người dân nên hạn chế ăn uống các thực phẩm lên men như rượu, bia, cá muối, dưa khú, nước mắm có chứa nhiều chất nitrosamine; chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau và hoa quả tươi. Người bện cần thăm khám nội soi tai mũi họng khi có các triệu chứng ngạt mũi, ù tai, nổi hạch cổ một bên tăng dần để được phát hiện sớm bệnh. Đặc biệt, ở những gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư cần khám sức khỏe định kỳ.
Điều trị
Tuỳ thuộc vào giai đoạn, vị trí u, tế bào học, sức khoẻ chung của bệnh nhân mà có các phương pháp điều trị hoặc phối hợp điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị chính bao gồm:
Xạ trị
Là sử dụng tia X chiếu trực tiếp vào vùng khối u để diệt tế bào ung thư và ngăn chúng phát triển, đây là phương tiện cơ bản quan trọng nhất trong điều trị ung thư vòm hiện nay. Xạ trị có nhiều biến chứng nặng nề ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân như: Xơ cứng bỏng da và phần mềm vùng chiếu tia làm hạn chế vận động khớp cắn hoặc cơ vùng cổ; khô miệng do tổn thương tuyến nước bọt; viêm loét niêm mạc miệng họng; giảm mất thị lực; ảnh hưởng thính giác... Ngày nay với sự xuất hiện của máy xạ trị điều biến liều (IMRT) và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp các bác sĩ định vị chính xác khối u, tính toán liều xạ sát nhất với tình trạng u, tia xạ trực tiếp vào khối u, hạn chế tối đa tổn thương tế bào lành.
Hoá trị
Sử dụng các hoá chất để diệt tế bào ung thư, thường được sử dụng trong các trường hợp giai đoạn muộn, có di căn xa. Gần đây hoá trị được sử dụng ngay cả đối với ung thư vòm giai đoạn sớm, kết hợp với xạ trị để làm tăng hiệu quả của xạ trị.
Phẫu thuật
Với ung thư vòm giai đoạn sớm, còn khư trú dễ xác định ranh giới, hoặc đối với một vài loại ung thư vòm đáp ứng kém với hoá xạ có thể áp dụng phẫu thuật để lấy bỏ khối u trước khi điều trị hoá xạ.
Điều trị đích
Áp dụng các cộng nghệ sinh học phân tử và miễn dịch đưa thuốc đến trực tiếp từng tế bào ung thư để diệt tế bào ung thư, đây là hướng đi mới đầy triển vọng trong điều trị ung thư vòm nói riêng và các ung thư nói chung.
Phòng bệnh
Để phòng bệnh ung thư vòm họng, cũng giống như các ung thư nói chung, mọi người cần có chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ, chế độ ăn nhiều rau củ quả, hạn chế ăn các thức ăn muối, lên men, đồ nướng cháy, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Tiêm phòng vaccin đầy đủ đặc biệt vaccin cúm, vệ sinh mũi họng hàng ngày phòng tránh các bệnh tai mũi họng thông thường.
Ung thư vòm mũi họng nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời có tiên lượng rất tốt, do vậy mọi người cần có ý thức về bệnh, khi có các triệu chứng nghi ngờ cần đi khám sớm để phát hiện bệnh.