Ung thư bàng quang - Nguyên nhân và cách điều trị

Ung thư bàng quang khởi phát từ bàng quang. Người lớn tuổi thường mắc ung thư bàng quang tuy rằng bệnh vẫn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Tổng quan

Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp ở cơ quan tiết niệu sinh dục (bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo…). Tính chung cho tất cả các loại ung thư, tỷ lệ mắc ung thư bàng quang đứng hàng thứ 4 (nam giới, sau ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng) và đứng hàng thứ 7 (nữ giới). Tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao gấp 3 lần ở nữ.

Phần lớn ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn sớm khi ung thư còn có thể điều trị được. Tuy nhiên, ngay cả đối với giai đoạn đầu, ung thư bàng quang vẫn có khả năng tái phát rất cao. Vì thế, những người sống sót sau ung thư bàng quang nên được xét nghiệm theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện ung thư tái phát nhiều năm sau khi chấm dứt điều trị.

Các loại ung thư bàng quang

Xác định loại ung thư nào thường dựa trên tế bào bàng quang từ đó ung thư khởi phát.Những loại tế bào khác nhau trong bàng quang đều có thể trở thành ung thư.

Phân loại ung thư bàng quang giúp xác định phương pháp điều trị tốt nhất. Các loại ung thư bàng quang bao gồm:

Ung thư tế bào biểu mô chuyển tiếp xảy ra ở các tế bào lót mặt trong bàng quang.Tế bào chuyển tiếp giãn rộng khi bàng quang đầy và co thắt lại khi bàng quang trống.Những tế bào này cùng loại với các tế bào lót mặt trong niệu quản và niệu đạo, và khối u vẫn có thể hình thành ở những nơi kể trên.Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất.

Ung thư biểu mô tế bào vảy: tế bào vảy hiện diện trong bàng quang để đáp ứng với nhiễm trùng và các kích thích. Theo thời gian, chúng có thể biến đổi thành ung thư.Ung thư bàng quang tế bào vảy hiếm gặp hơn.Nó thường gặp trên thế giới ở những nơi mà dân số thường bị nhiễm ký sinh trùng (sán máng), một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng bàng quang.

Carcinom tế bào tuyến (Adenocarcinoma) bắt đầu từ các tế bào tạo ra chất nhầy, chất tiết trong bàng quang.Adenocarcinoma bàng quang khá hiếm gặp.

Một số ung thư bàng quang có thể do phối hợp từ nhiều loại tế bào.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ung thư bàng quang chưa được biết rõ, nhưng đã xác định được một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Bao gồm:

- Người lớn tuổi. Nguy cơ ung thư bàng quang tăng lên theo độ tuổi. Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng hiếm khi gặp ở những người dưới 40 tuổi.

- Người da trắng có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn so với những người thuộc chủng tộc khác.

- Đàn ông có nhiều khả năng mắc ung thư bàng quang nhiều hơn so với phụ nữ.

- Hút thuốc lá, xì gà hay ống điếu làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang bằng cách tạo ra các hóa chất có hại tích tụ trong nước tiểu. Khi hút thuốc, cơ thể xử lý các hóa chất trong khói và thải một số vào nước tiểu.Những hóa chất độc hại này gây tổn thương niêm mạc bàng quang và tăng nguy cơ ung thư.

- Khi cơ thể tiếp xúc với hóa chất, thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc các chất độc hại từ máu và di chuyển chúng xuống bàng quang. Một số hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang như asen, các chất sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các loại sơn. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn.

- Tiền sử điều trị ung thư trước đó. Điều trị với thuốc chống ung thư cyclophosphamide làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.Những người được xạ trị nhằm vào xương chậu để điều trị một bệnh ung thư trước đó có thể có nguy cơ cao phát triển ung thư bàng quang về sau.

- Viêm bàng quang mạn tính, nhiễm trùng tiết niệu tái diễn, sử dụng ống thông đường tiểu lâu dài… có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang tế bào vảy. Ở một số vùng trên thế giới, ung thư biểu mô tế bào vảy có liên quan đến viêm bàng quang mạn tính do nhiễm ký sinh trùng sán máng.

- Bản thân hoặc tiền sử gia đình bị ung thư. Nếu đã bị ung thư bàng quang, sẽ có nhiều khả năng để mắc thêm một lần nữa.Nguy cơ cao mắc bệnh nếu một hoặc nhiều thân nhân có tiền sử ung thư bàng quang, mặc dù bệnh ung thư bàng quang gia đình rất hiếm gặp. Tiền sử ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (HNPCC), còn gọi là hội chứng Lynch, có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở hệ thống tiết niệu, tử cung, đại tràng, buồng trứng và một số cơ quan khác.

Dấu hiệu

Có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu) - nước tiểu có thể có màu vàng sậm, màu đỏ tươi hay màu nước ngọt coca cola, hoặc nước tiểu có thể bình thường, nhưng kiểm tra dưới kính hiển vi thấy có hồng cầu trong nước tiểu; tiểu lắt nhắt; đau khi đi tiểu; nhiễm trùng đường tiểu tái diễn; đau bụng; đau hông lưng.

Nên đi khám bệnh nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào kể trên, như khi thấy có máu trong nước tiểu chẳng hạn.

Điều trị

Hiện nay việc ứng dụng nội soi ống mềm niệu quản với bước sóng ngắn đã hỗ trợ các bác sĩ hiện sớm ung thư bàng quang dạng phẳng, tăng tỷ lệ phát hiện ung thư bàng quang giai đoạn sớm, giảm tỷ lệ sót bướu bàng quang nhờ tăng độ nhạy, tăng tương phản giữa mạch máu…

Ngoài ra việc kết hợp với kỹ thuật cắt đốt nội soi cho phép lấy trọn khối bướu khu trú trong bàng quang qua nội soi niệu quản, ít xâm lấn, hạn chế mất máu và tổn thương các mô lành, giúp điều trị triệt căn bướu bàng quang ở giai đoạn sớm cho nhiều người bệnh.

Điều trị sớm giúp người bệnh sẽ tránh được những thương tổn nặng nền về thể chất và tâm lý do bướu bàng quang tiến triển, xâm lấn cơ như phải phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang và các cơ quan lân cận như tuyến tiền liệt, một phần niệu đạo ở nam giới, cắt toàn bộ tử cung, buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo ở nữ giới.

Phòng ngừa

Hiện nay không có một biện pháp hữu hiệu nào có thể phòng chống được UTBQ. Cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ: Không hút thuốc lá, bỏ thuốc lá; Khi làm việc trong các ngành công nghiệp mà phải tiếp xúc với hóa chất gây ung thư bàng quang phải có bảo hộ lao động an toàn; Uống nhiều nước; Chế độ ăn nhiều rau quả có thể phòng chống ung thư bàng quang.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh ung thư khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY