Ung thư vòm họng thường dễ nhầm lẫn với căn bệnh mũi họng khác, đa số khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn nên việc điều trị không thực sự hiệu quả.
Nhiều yếu tố nguy cơ mắc ung thư vòm họng
Đối với căn bệnh ung thư vòm họng, GS Mai Trọng Khoa – nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), đây là một trong số những căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 12% số người mắc bệnh ung thư. Điều đáng nói đa số người được phát hiện thường đã ở giai đoạn muộn, chiếm khoảng 70%.
Về nguyên nhân gây bệnh, hiện nay chưa xác định được chính xác tác nhân gây bệnh, mà chỉ có thể chỉ ra một số yếu tố nguy cơ như ăn uống không khoa học, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá… Ngoài ra, một số yếu tố như di truyền, tuổi tác cũng là yếu tố không thể bỏ qua.
GS Khoa cho rằng, sở dĩ căn bệnh này hay phát hiện ở giai đoạn muộn vì dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm đường hô hấp, viêm họng, viêm xoang vì những dấu hiệu ban đầu của bệnh thường xuất hiện là đau rát cổ họng, chảu máu cam, nổi hạch cổ, nghẹt mũi…
Ung thư vòm họng nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời tỷ lệ sống sẽ cao.
Ung thư vòm họng chia làm 4 giai đoạn
Theo GS Khoa, ung thư vòm họng được chia làm 4 giai đoạn, nếu phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ sống càng cao. Theo đó:
- Giai đoạn 1: Ung thư mới bắt đầu rất nhỏ. Đây là giai đoạn ban đầu nên ung thư chưa lây lan đến các hạch bạch huyết. Nếu phát hiện và điều trị ngay lập tức, tỷ lệ sống rất cao.
- Giai đoạn 2: Khối ung thư đã tăng lên đến 5-6 cm và các tế bào đã bắt đầu quá trình tăng lên đáng kể. Lúc này, cơ hội phục hồi của bệnh nhân vẫn còn khá tốt nếu ung thư chưa lây lan sang các hạch bạch huyết và vẫn còn trong thanh quản.
- Giai đoạn 3: Ung thư vòm họng đã phát triển và đã bắt đầu lan tràn đến các khu vực khác và gây ra thiệt hại không thể khắc phục được. Kích thước của khối u đã tăng lên. Nếu khối u vẫn còn nhỏ có thể loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật.
- Giai đoạn cuối: Khối u đã lan đến môi và miệng, phá hủy các hạch bạch huyết. Khối u có thể lây lan đến các hạch bạch huyết ở phía bên kia, mỗi hạch bạch huyết có thể có khối u lớn đến 6cm.
“Tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân sau điều trị đạt 80%-90% ở giai đoạn 1 và 2, 30%-40% ở giai đoạn 3, 15% ở giai đoạn 4. Tuy nhiên, ở Việt Nam, 90%-97% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 và 4”, GS Khoa cho hay.
Cần lưu ý các biểu hiện ở mũi họng để đi khám và điều trị kịp thời.
Chú ý các dấu hiệu cảnh báo sớm để phát hiện kịp thời
Các chuyên gia lưu ý, khi xuất hiện các dấu hiệu sau có thể nghĩ đến ung thư vòm họng khi đang ở giai đoạn sớm:
- Đau đầu: Thường đau nửa đầu âm ỉ, có lúc đau thành cơn, dễ nhầm với các bệnh lý thần kinh và mạch máu não.
- Ù tai: Khi ung thư vòm họng xâm lấn gây tắc vòi nhĩ, người bệnh thường xuyên bị ù tai một bên, có cảm giác như tiếng ve kêu bên trong tai.
- Ngạt mũi: Dấu hiệu này xuất hiện tăng dần, ban đầu người bệnh sẽ bị ngạt một bên mũi, ngạt từng lúc một và kèm theo triệu chứng xì mũi ra máu,chảy máu cam.
- Nổi hạch cổ: Hay gặp nhất là hạch góc hàm, đặc điểm nổi bật là hạch nhỏ, chắc, không đau thường tình cờ phát hiện.
Khi có các dấu hiệu trên ở người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để nội soi vòm họng kiểm tra phát hiện sớm đồng thời khám bác sỹ chuyên khoa ung thư để được tư vấn về chẩn đoán và điều trị.
Để phòng bệnh, người dân cần duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học để có thể phòng tránh ung thư vòm họng như không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng bia, rượu và các loại đồ uống có chứa cồn trong sinh hoạt hàng ngày.
Không nên ăn nhiều các thực phẩm được chế biến theo phương thức lên men như thịt muối, dưa muối, cà muối, không ăn thức ăn khi còn nóng tránh gây tổn thương đến vùng hầu họng. Mọi người nên duy trì thói quen khám sức khỏe 6 tháng hoặc ít nhất 1 năm/1 lần để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời.