Những công thức dưa muối mà bà mẹ đảm đang này gợi ý đều rất dễ làm theo.
Chẳng kém gì kim chi của người Hàn Quốc, dưa muối cũng nổi tiếng và là món ăn ít khi thiếu vắng trong bữa cơm của người Việt. Vị giòn thơm, chua chua, của các món dưa muối khiến bữa cơm thêm ngon và chẳng còn ngán ngấy. Chính vì thế, dù bận bịu bao nhiêu nhưng nhiều chị em vẫn cố gắng bớt chút thời gian để tự làm một món dưa muối nào đó để gia đình thưởng thức. Bởi mua ngoài hàng lúc nào cũng phải băn khoăn liệu có đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không.
Vừa đam mê nấu ăn, lại có sở thích đặc biệt với các món dưa muối, nên chị Lê Nguyên, 34 tuổi, Hà Nội đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu nhiều công thức làm các loại dưa muối cho bản thân cũng như gia đình thưởng thức.
Hiện giờ, những món như cà pháo muối xổi kiểu Huế; sung muối, củ cải muối, ngồng dưa muối xổi chua ngọt, ngồng dưa muối chua, su su muối, rau cần muối, hành tím muối… thậm chí sấu muối mắm (sấu ngâm mắm) chị cũng có thể làm được.
Trong các món này, chị đặc biệt yêu thích cà muối. "Mình thích ăn các món về dưa cà. Hầu như là món không thể thiếu trong các bữa cơm. Vừa giúp khai vị ngon miệng vừa chống ngán. Không chỉ ăn cơm mà các món chua ăn kèm mì, bún, miến hay cơm rang cũng đều rất hợp. Hơn nữa làm ở nhà bao giờ cũng sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh hơn. Nên mình rất hay tự làm các món dưa cà. Mỗi khi có khách đến ăn cơm mà món dưa cà do nhà tự làm cũng khiến khách cảm thấy thích thú và luôn là món hết trước tiên", chị nói.
Chị Lê Nguyên chia sẻ, “Mình học cách làm các món dưa muối này qua sách, báo, ti vi, học từ bạn bè. Cũng có món mình đi ăn ngoài hàng rồi về tự mày mò làm”.
Những món dưa muối này được làm theo mùa nhưng có loại cũng có thể để dành ăn được quanh năm như sấu muối mắm. Theo chị Nguyên, thường xuyên thay đổi các món dưa muối để bữa cơm thêm ngon và phong phú. Đó là cách giúp gia đình chị đổi khẩu vị.
Tuy là những món ăn không xa lạ với nhiều người nhưng cách làm các món dưa muối cũng không hẳn là quá dễ. Bởi dưa muối hơi “khó tính” ở chỗ, nếu không cẩn thận một chút sẽ bị màng, hỏng, làm khú cả một mẻ dưa vô cùng lãng phí.
Vì thế, khi làm, chị Nguyên vô cùng lưu ý khâu sơ chế nguyên liệu. Chị cho biết, khi rửa tránh để nguyên liệu bị dập nát nếu không khi muối sẽ dẫn đến bị ủng. Rửa xong để thật ráo nước. Ngoài ra, hỗn hợp nước muối cần phải đun sôi để thật nguội và bình đựng phải là thuỷ tinh được khử trùng sạch sẽ (tráng qua nước nóng và lau thật khô). Không chỉ thế, lúc lấy dưa muối từ hũ ra cũng phải dùng đũa sạch để gắp.
Cùng tham khảo các công thức dưa muối mà chị Lê Nguyên thường xuyên làm:
Ngồng cải ngâm mắm
Nguyên liệu: 3 cây ngồng cải; 1 củ cà rốt; 1 củ tỏi; 2 quả ớt; 8 thìa canh nước mắm; 1 bát con nước lọc; 4 thìa canh đường; 6 thìa canh giấm
Cách làm: Ngồng cải bỏ bớt phần lá, rửa sạch, để ráo. Thái thành những lát mỏng, dài. Cà rốt cạo vỏ, thái thành những khoanh tròn dày cỡ 3mm. Ớt bỏ hạt, tỏi bóc vỏ thái lát.
Cho ngồng cải và cà rốt vào một âu to, rắc 2 thìa canh muối hạt, xóc thật đều, để khoảng 10 phút cho ngồng cải tiết bớt nước. Sau đó rửa lại bằng nước đun sôi để nguội và vắt sơ cho ráo nước. Bước này sẽ giúp dưa giòn hơn và bớt hăng.
Pha nước mắm chua, cay, mặn, ngọt theo tỉ lệ: 1 bát con nước lọc, 8 thìa canh nước mắm, 6 thìa canh giấm, 4 thìa canh đường, 1 củ tỏi, 2 quả ớt. Nêm nếm điều chỉnh lại theo khẩu vị, nước mắm có vị chua cay mặn ngọt hài hòa là được. Nên pha đậm đà chút cho dưa góp nhanh ngấm.
Cho ngồng cải, cà rốt vào trộn cho đều. Thỉnh thoảng đảo đều cho ngấm.
Với cách làm này, chỉ sau 7-8 tiếng là dưa có thể ăn được, sẽ có vị cay cay hăng hăng của dưa cải xanh rất thú vị. Nếu thích ăn chua hơn, bạn để thêm 1-2 ngày, dưa ngấm đầy đủ các gia vị có mùi thơm đặc trưng của nước mắm, quyện với dấm đường tỏi ớt chua chua ngọt ngọt cay cay đậm đà rất ngon miệng.
Ngồng cải muối chua
Nguyên liệu: 1kg ngồng cải; 1 củ cà rốt; 1 quả ớt sừng. Gia vị: đường, muối
Cách làm: Ngồng cải bỏ bớt phần lá, rửa sạch, để ráo. Thái thành những lát mỏng, dài. Cà rốt cạo vỏ, thái thành những khoanh tròn dày cỡ 3mm. Ớt cắt lát
Đổ ngồng cải và cà rốt ra một chiếc rổ sạch, hong gió tầm vài tiếng cho se và héo bớt.
Pha hỗn hợp gồm: 1 lít nước, 3 thìa canh muối hạt, 1 thìa đường. Có thể nêm nếm điều chỉnh lại theo khẩu vị. Cho lên bếp đun sôi sau đó để thật nguội.
Chuẩn bị một hũ thủy tinh sạch, lau thật khô, xếp ngồng cải, cà rốt và đổ hỗn hợp trên vào, dùng đĩa sứ hoặc vật nặng đề lên dưa nén xuống . Sau 2-3 ngày dưa vàng là có thể ăn được.
Cách muối này đơn giản và cần ít nguyên liệu hơn, tuy nhiên bạn vẫn có món dưa ngồng cải vàng ươm, giòn tan, không bị thâm khay khú. Món dưa cải chua dịu,có thể dùng làm khai vị, ăn kèm các món kho, chiên rán hay làm mồi nhậu cho chàng cũng rất hấp dẫn.
Củ cải muối chua
Nguyên liệu: Củ cải đường, tỏi, ớt sừng, đường, giấm, muối
Cách làm: Củ cải chọn củ to đều nhau, tươi, bóng không hỏng dập. Gọt bỏ vỏ thái miếng mỏng tầm 2mm, có thể tỉa hoa cho đẹp. Ớt sừng thái chỉ. Tỏi bóc vỏ, thái lát mỏng
Cho 3 thìa café muối vào củ cải, xóc đều vài phút cho tiết bớt chất hăng. Vớt ra xả sạch lại bằng nước lạnh, vắt sơ cho ráo nước.
Pha hỗn hợp dấm muối đường theo tỉ lệ: 2 dấm: 2 nước lọc: 1 đường: 1 muối (Có thể nêm nếm lại theo khẩu vị gia đình) cho lên bếp đun sôi sau đó để nguội hẳn. Cho tỏi và ớt vào trộn đều
Chuẩn bị một hũ thủy tinh sạch, lau thật khô, xếp củ cải vào, đổ hỗn hợp trên vào, dùng đĩa sứ hoặc vật nặng đề lên cho củ cải nén xuống. Sau 1-2 ngày là có thể ăn được.
Món củ cải muối chua trắng nõn thật giòn với vị chua cay mặn ngọt hài hòa. Ăn kèm với cơm, phở mì miến hay các món nhiều dầu mỡ đều rất ngon miệng và chống ngán.
Cà pháo muối chua ngọt kiểu huế
Nguyên liệu: Cà pháo: 1kg, muối tinh: 100gr. Riềng, gừng, tỏi: mỗi thứ 1 củ. Ớt sừng (loại ớt ít cay): 200gr. Đường cát: 150gr. Nước mắm: 2 thìa café
Cách làm: Cà pháo chọn loại bánh tẻ, quả trắng tròn đều, đem phơi nắng từ 3 đến 4 giờ cho héo. Sau đó bỏ phần cuống, rửa rạch bổ làm đôi ngâm vào nước lạnh pha 1 chút muối cho khỏi thâm.
Đun sôi 1lít nước lọc với 100gr muối. Để nước thật nguội. Cà sau khi ngâm 15 phút, vớt ra để ráo, cho vào lọ thủy tinh, chế nước muối vào ngập cà. Nén chặt và đậy kín nắp trong khoảng 3-5 ngày.
Đun sôi 300ml nước lọc, 2 thìa café nước mắm, 150gr đường cát. Để thật nguội. Gừng, riềng cạo vỏ rửa sạch, thái chỉ. Tỏi ớt giã hoặc xay nhuyễn. Tất cả trộn đều với hỗn hợp nước vừa đun sôi để nguội.
Cà pháo sau khi ngâm lấy ra rửa lại với nước ấm, trộn đều với hỗn hợp nước mắm, gừng, riềng, tỏi, ớt xay nhuyễn, có thể ăn ngay hoặc cho vào lọ thủy tinh để thêm 1 – 2 ngày cho ngấm gia vị.
Cà pháo muối kiểu này ăn kèm thịt luộc và cơm trắng rất ngon. Miếng cà muối giòn tan, ngấm đều các vị chua cay mặn ngọt hài hòa, thơm mùi riềng tỏi chắc chắn sẽ làm bữa cơm gia đình bạn thêm thú vị.
Hành tím muối xổi chua ngọt
Nguyên liệu: 300g hành tím. Muối hạt, dấm, đường
Cách làm: Hành tím bỏ vỏ, rửa sơ qua bằng nước sạch để ráo ngâm hành với nước gạo qua đêm.
Vớt hành ra khỏi nước gạo, bóc lớp vỏ bên ngoài, cắt rễ và đầu cho gọn gàng, rửa lại thật sạch với nước đun sôi để nguội, để ráo nước rồi cho vào hũ trộn với 3 thìa canh đường, để 4 tiếng cho ngấm.
Pha hỗn hợp gồm: dấm, đường muối theo tỉ lệ: 3 dấm: 1 đường: 1 muối. Đun sôi và để thật nguội rồi cho phải hũ hành muối. Sau một đêm là có thể ăn được.
Món hành tím muối xổi vẫn còn nguyên màu tím hấp dẫn, hành giòn, vị chua ngọt vừa ăn kết hợp cùng thịt đông, bánh chưng, các loại giò chả vô cùng ngon miệng sẽ là món ăn chống ngán hữu hiệu cho ngày tết của gia đình bạn.
Rau cần muối chua
Nguyên liệu: Rau cần: 1,5kg. Đường: 20g. Muối: 80g. Dấm: 2 thìa canh. Cà rốt: 1 củ. Rau răm: 1 mớ. Tỏi: 1 củ
Cách làm: Rau cần chọn rau cần cạn, thân ngắn, mập map màu xanh nhạt thì sẽ thơm, giòn và đậm đà hơn rau cần nước. Sau khi nhặt bỏ rễ, lá sâu, úa, rửa sạch, để ráo nước, cắt khúc 4-5cm.
Rau răm rửa sạch, thái nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, bào sợi, có thể chừa lại một ít tỉa hỏa và cắt mỏng 1-2mm để trang trí. Tỏi bóc vỏ, thái lát
Cho rau cần, tỏi, cà rốt vào rau răm vào trộn thật đều.
Đun sôi khoảng 800 ml nước, cho muối, dấm, đường vào quấy tan, gạn bỏ cặn và để nguội.
Chuẩn bị một hũ thủy tinh sạch, lau thật khô, cho rau , đổ hỗn hợp trên vào, dùng đĩa sứ hoặc vật nặng đề lên cho củ cải nén xuống. Sau 1 ngày là có thể ăn được.
Món rau cần muối vẫn giữ được màu xanh mát mắt, vị chua dịu, giòn tan. Khi ăn cảm nhận được vị chua ngọt hài hòa xen chút thơm nồng mùi rau răm rất hấp dẫn. Đây chắc chắn là một gợi ý thú vị bổ sung vào thực đơn các món dưa góp ngon miệng trong ngày Tết cho bạn đấy.
Sấu muối mắm (sấu ngâm mắm)
Nguyên liệu: 300g sấu bánh tẻ; 200ml nước mắm; 50ml nước lọc; 15g đường; 2 củ tỏi, 5 trái ớt
Cách làm: Sấu rửa sạch, nạo vỏ ngâm vào bát nước muối cho đỡ bị thâm. Vớt sấu ra rổ để ráo, một nửa khứa chữ thập để sấu ngấm dần dần, ăn được lâu, một nửa gọt khoanh tròn để sấu nhanh ngấm, có thể ăn xổi được ngay.
Tỏi bóc vỏ, một nửa để nguyên tép, một nửa cắt lát. Ớt tươi rửa sạch, cắt bỏ cuống.
Đun một nồi nước sôi dội nhanh qua rổ sấu, bước này giúp sấu sẽ không bị nổi váng và để được lâu. Sau đó để sấu thật ráo nước. Cho nước mắm, nước lọc, đường vào nồi khuấy đều cho tan, đun vừa sôi thì tắt bếp. Để nguội.
Chuẩn bị sẵn hũ thủy tinh sạch, lau khô. Xếp sấu và tỏi ớt vào lọ sao cho phần tỏi ớt đan xen nhau.
Đổ phần nước mắm đã đun vào. Ước lượng sao cho nước phải ngập kín sấu. Đậy kín đợi khoảng 1 ngày là có thể dùng được.
Món sấu ngâm mắm ớt có vị chua thanh, ngọt đậm đà, thơm mùi tỏi, cay vị ớt. Khi vớt ra có thể làm nước dùng chấm rau, thịt luộc, quả sấu ăn kèm như cà muối hoặc cắt mỏng ăn kèm thịt luộc rất ngon miệng.
Su su muối chua
Nguyên liệu: 3 củ su su; 1 củ cà rốt; 1 củ tỏi; 2 quả ớt. Gia vị: Đường, giấm, muối
Cách làm: Su su gọt vỏ, bỏ ruột, ngâm ngay vào nước lạnh cho ra hết nhựa. vớt ra cắt miếng dày tầm 3cm. Cà rốt gọt vỏ cắt khoanh tròn dày tầm 2cm. Có thể tỉa hoa cho đẹp. Tỏi, ớt thái lát
Cho su su và cà rốt vào một cái âu, rắc 2 thìa canh muối hạt lên trên, xóc đều cho ngấm. Để khoảng 1-2 tiếng cho hỗn hợp ngót lại và tiết ra bớt nước. Sau đó vớt su su và cà rốt ra, xả lại thật kỹ cho hết vị mặn, vắt sơ cho ráo nước. Bước này sẽ giúp thành phẩm giòn và bớt hăng.
Pha hỗn hợp đường, giấm, muối theo tỉ lệ: 2 dấm: 1 đường: 1 muối: 2 nước lọc. Có thể nêm nếm điều chỉnh lại theo khẩu vị. Cho lên bếp đun sôi sau đó để thật nguội và cho tỏi ớt vào.
Chuẩn bị một hũ thủy tinh sạch, lau thật khô, xếp su su và và rốt, đổ hỗn hợp trên vào, dùng đĩa sứ hoặc vật nặng đề lên cho su su và cà rốt nén xuống . Sau 1-2 ngày là có thể ăn được.
Món dưa góp thật giòn với vị chua cay mặn ngọt hài hòa giúp giảm bớt cảm giác ngán của các món ăn nhiều dầu mỡ đã trở thành món ăn yêu thích của nhiều người.
Sung muối chua giòn
Nguyên liệu: 300gr quả sung; 1 nhánh riềng nhỏ; 1 củ tỏi; 2 quả ớt; muối; giấm trắng; lọ thủy tinh hoặc âu sành
Cách làm: Sung chọn quả bánh tẻ, không non hoặc già quá, rửa thật sạch. Chuẩn bị một chậu nước muối loãng. Dùng dao cắt bỏ cuống của quả sung (chú ý không cắt vào phần thịt của quả. Cắt tới đâu thì cho ngay vào chậu nước muối để không bị thâm đen. Ngâm khoảng 1 tiếng.
Riềng gọt bỏ vỏ, rửa sạch, thái mỏng. Tỏi bóc vỏ, đập dập.
Đun sôi 2 thìa canh đầy muối với 1 lít nước, sau đó để nước muối nguội hẳn. Vớt sung ra, rửa lại lần nữa, lấy ½ chỗ nước muối đun sôi để nguội rửa sung lần cuối, để cho ráo nước.
Xếp ½ chỗ tỏi và riềng xuống đáy lọ, cho hết chỗ sung vào lọ, sau cùng rải một lớp riềng, tỏi còn lại và cuối cùng là vài lát ớt lên trên. Đổ chỗ nước muối để nguội còn lại vào lọ, đậy nắp lọ cho kín rồi để ở nơi thoáng mát. Nếu làm nhiều và dùng bình miệng rộng, lớp riềng không đủ để che kín sung thì bạn hãy dùng đĩa, vỉ tre hoặc một túi bóng chứa nước đặt lên trên để nén cho sung không bị nổi trên mặt nước. Sau 2 ngày là món sung muối có thể ăn được. Có thể cho thêm vào lọ một thìa giấm trắng để món sung chua nhanh hơn.
Món sung muối vàng ươm, từng quả giòn tan, chua chua cay cay, thơm mùi riềng tỏi thật ngon. Mâm cơm mà có thêm đĩa sung muối chua giòn vừa chống ngán lại vừa kích thích khiến bữa cơm nhà bạn thêm ngon miệng.
Chúc các bạn thành công!