Quá đam mê với ẩm thực, có thí sinh thức dậy từ 1h sáng để chuẩn bị đi thi Masterchef.
Để chuẩn bị cho việc tìm kiếm ngôi vị Vua đầu bếp mùa 2 (2014), MasterChef Vietnam đã tiến hành các vòng sơ tuyển tại Cần Thơ và An Giang, rồi tiến ra miền Trung tại chợ Đông Ba (Thành phố Huế) và miền Bắc ở 2 địa điểm là Nam Định và Hà Nội trước khi bước vào vòng Audition chính thức tại Thành phố Hồ Chí Minh. |
Là một chương trình truyền hình thực tế dành cho những người nấu ăn không chuyên, Vua Đầu Bếp – MasterChef Vietnam mùa dầu tiên (2013) đã tìm ra anh chàng Việt kiều Úc, Ngô Thanh Hòa xứng đáng với ngôi vị này. Chính niềm đam mê ẩm thực của Thanh Hòa đã tiếp lửa tình yêu nấu nướng cho hàng triệu khán giả Việt trên cả nước, làm động lực thúc đẩy cho mùa MasterChef thứ 2, 2014.
Vượt qua hàng ngàn thí sinh khu vực phía Bắc, vòng sơ tuyển MasterChef mùa 2 khu vực Hà Nội đã diễn ra với sự góp mặt của hơn 100 thí sinh. Nhiều thí sinh vượt quãng đường hàng chục km để có mặt đúng giờ với nhiều niềm vui nhưng cũng khá hồi hộp.
Vòng thi khiến cho không gian vốn thanh bình, yên tĩnh của khu đô thị (nơi diễn vòng sơ tuyển khu vực Hà Nội) trở nên sôi động. Khoảng 9h sáng mới bắt đầu ghi hình nhưng hàng trăm thí sinh tay xách nách mang các nguyên liệu được chuẩn bị sẵn đã có mặt từ sáng sớm. Thời tiết khá oi nóng nhưng nhiệt huyết của các thí sinh không hề sụt giảm, nụ cười rạng rỡ của mọi người khi trò chuyện với các thí sinh mới quen giúp gắn kết và tạo nên sự gần gũi từ trước khi chương trình bắt đầu.
Các thí sinh chờ đợi đến giờ thi
Mỗi thí sinh đều công phu chuẩn bị các dụng cụ, nguyên liệu cẩn thận
Các giám khảo bắt đầu chấm từng món ăn
Điểm chung ở họ là tình yêu ẩm thực, khả năng nấu nướng và sức sáng tạo với các loại thực phẩm. Có thể có người từng được học một số kiến thức về nấu nướng, có người chỉ là người nội trợ trong gia đình nhưng sự đam mê là điều mà họ muốn thể hiện khi tham dự cuộc thi.
Trong số các thí sinh tham dự, có người lần đầu tiên tham gia cũng có người tham gia lần thứ hai để thực hiện ước mơ trở thành đầu bếp. Có những thí sinh trẻ tuổi cũng có những thí sinh đã nhiều tuổi song vẫn luôn giữ được tình yêu ẩm thực.
Thức dậy từ nửa đêm để đi thi
Cô Nguyễn Thị Lộc (TP Hải Dương, Hải Dương) thức dậy từ lúc 1h sáng để chuẩn bị các món ăn, 3h sáng đón chuyến xe đầu tiên lên Hà Nội. Có mặt từ 6h30 sáng để chờ đợi nhưng cô Lộc vẫn nở nụ cười rạng rỡ, bởi niềm vui được tham dự cuộc thi sau nhiều ngày chờ đợi cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực.
“Tôi đến đây với tất cả niêm đam mê ẩm thực. Ngày còn bé, tôi được bố mẹ hướng dẫn nấu ăn, lớn lên tình yêu, đam mê với ẩm thực cứ lớn dần theo năm tháng”, cô Lộc chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Lộc cho biết, gia đình luôn ủng hộ niềm đam mê ẩm thực của bản thân
Rau củ quả xào thập cẩm, giò xào… là những món ăn thế mạnh nhưng khi tham dự, cô Lộc quyết định thể hiện khả năng của bản thân với món chim phượng hoàng rất kỳ công. Món ăn này từng gây ấn tượng sâu sắc khi cô Lộc đi du lịch ở Huế, sau lần đó, cô tự học hỏi kinh nghiệm để chế biến.
Cô Lộc cho biết: "Nguyên liệu chuẩn bị gồm có giò sống, lạp sườn, quả đỗ, trứng, cà rốt… Món chim phượng hoàng không chỉ đòi hỏi độ giòn, ngon, thơm của nguyên liệu sau khi nấu mà người làm còn phải tỉ mẩn gọt tỉa từng chi tiết củ cà rốt thành đầu chim phượng hoàng một cách cẩn thận".
Nguyên liệu chuẩn bị làm món chim phượng hoàng
Là một trong những thí sinh nhiều tuổi nhất trong số các thí sinh tham gia vòng sơ tuyển, cô Trần Thanh Ngân (52 tuổi, Trần Duy Hưng, Hà Nội) mang đến cuộc thi món gỏi bắp bò. Đây là món ăn rất phù hợp với thời tiết nắng nóng của miền Bắc khi vào hè.
Theo lời cô Ngân, nguyên liệu gỏi bắp bò gồm có bắp bò, chanh, hành tây, ớt Đà Lạt, gia vị… cách chế biến không mấy cầu kỳ trong vòng 1 tiếng đồng hồ.
Cô Trần Thanh Ngân và gia đình đi cùng động viên tinh thần
Thuở bé, cô Thanh Ngân không được học nhiều về ẩm thực. Tuy nhiên, từ khi lấy chồng, công việc đi chợ và nấu nướng bồi đắp thêm tình yêu với các món ăn. Theo dõi không bỏ sót bất cứ tập nào của cuộc thi MasterChef năm ngoái, cô Ngân mong muốn cũng sẽ được thể hiện khả năng của mình. Có mặt tại địa điểm ghi hình, không chỉ có chồng mà hai người con cũng có mặt để động viên tinh thần.
Nguyên liệu bắp bò được chuẩn bị công phu
Món gỏi bắp bò sau khi hoàn thành
“Tham dự cuộc thi này, tôi được gặp gỡ, giao lưu với những người cùng đam mê ẩm thực. Cả gia đình cũng cổ vũ động viên tôi tham gia chương trình”, cô Ngân chia sẻ.
Thử sức thêm lần nữa
Khá nổi bật trong số hàng trăm thí sinh tham dự vòng sơ tuyển khu vực Hà Nội, cô giáo 27 tuổi Nguyễn Thị Minh Ngọc (Định Công – Hà Nội) rực rỡ với trang phục truyền thống của dân tộc Mường. Không chỉ để lại ấn tượng với gương mặt dịu dàng, đằm thắm mà đây còn là lần thứ hai cô tham gia cuộc thi MasterChef.
Cô gái Nguyễn Thị Minh Ngọc dịu dàng và khả năng nấu nướng món ăn dân tộc Mường
từng được giám khảo MasterChef mùa đầu tiên khen ngợi
Trong cuộc thi năm ngoái, Minh Ngọc dừng lại ở Top 30 đầy tiếc nuối. Tuy nhiên, tình yêu và đam mê ẩm thực đặc biệt là thể hiện tài năng với những món ăn ngon xứ Mường khiến cô quyết định tham dự thêm một lần nữa. Tình yêu ẩm thực của Ngọc bắt đầu từ những ngày bé được tham gia các lễ hội của dân tộc Mường. Qua ánh mắt tuổi thơ, những món ăn ngon, hấp dẫn nhưng rất giản dị ăn sâu vào tâm hồn của Ngọc, để rồi cô thích tự mày mò, tìm hiểu về các món ăn truyền thống.
Qua cuộc thi này cô cũng muốn đóng góp một phần bảo tồn nét ẩm thực riêng có. Trong ẩm thực của người Mường, nổi bật là sự giản dị với những nguyên liệu dễ tìm như rau má, hoa chuối, lá đu đủ cũng có thể sáng tạo nên nhiều món ăn.