Đột quỵ

Đột quỵ là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất nguồn máu nuôi dưỡng khi mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ.

Tổng quan

Đột quỵ là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất nguồn máu nuôi dưỡng khi mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân bị đột quỵ khá cao, từ 30-50%.

Triệu chứng

Đau đầu dữ dội.

Hoa mắt, chóng mặt, mất khả năng giữ thăng bằng.

Có cảm giác tê hoặc liệt vùng mặt, tay hoặc chân.

Lú lẫn, rối loạn ngôn ngữ hoặc rối loạn tri giác.

Có cảm giác buồn nôn, nấc.

Đau ngực, cảm giác yếu toàn thân.

Hơi thở ngắn, tim đập nhanh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra đột quỵ do thiếu máu não cục bộ thường do cục máu đông trong tim hay mảng xơ vữa trong mạch máu trồi lên não gây tắc mạch não.

Đột quỵ do xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ dấn đến thiếu máu cho vùng não do mạch máu đó chi phối.

Nguyên nhân thường gặp là cơn cao huyết áp, dị dạng mạch não bẩm sinh, rối loạn đông máu hoặc bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống đông.

Dự báo nguy cơ đột quỵ

Các xét nghiệm và thử nghiệm sau đây có thể giúp bạn dự báo nguy cơ bị đột quỵ.

Nghe tim

Phương pháp nghe tim mạch mà các bác sĩ thường thực hiện sẽ xác định được các bất thường về van tim hoặc nhịp tim - các vấn đề có thể dẫn đến cục máu đông gây tắc mạch và hình thành đột quỵ.

May mắn là bệnh van tim và các bất thường về nhịp tim có thể dễ dàng phát hiện sớm trong quá trình khám sức khỏe định kỳ và điều trị hiệu quả.

Đo điện tâm đồ

Trong một số trường hợp, nếu bạn có tiếng tim bất thường, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm điện tâm đồ ECG hoặc siêu âm tim. Khi đo ECG, một dạng sóng do máy tính tạo ra sẽ được tạo ra tương ứng với nhịp tim của bạn. Nhịp tim bất thường hoặc nhịp tim không đều có thể khiến bạn có nguy cơ bị đột quỵ. Một trong những bất thường về nhịp tim phổ biến nhất là rung nhĩ, làm tăng sự hình thành các cục máu đông có thể di chuyển đến não gây ra đột quỵ.

Siêu âm tim

Siêu âm tim không được coi là một xét nghiệm sàng lọc, vì vậy ít phổ biến hơn các xét nghiệm khác trong danh sách các xét nghiệm đánh giá nguy cơ đột quỵ. Siêu âm tim được sử dụng để cho ra một đánh giá tổng thể của trái tim đang hoạt động.

Tăng huyết áp

Hơn 2/3 số người bị đột quỵ bị mắc bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể dẫn đến thương tổn các mạch máu ở tim, động mạch cảnh và các mạch máu trong não, tất cả đều có thể gây ra đột quỵ. Tăng huyết áp là một tình trạng bệnh lý có thể kiểm soát được bằng kiểm soát chế độ ăn uống, hạn chế muối, kiểm soát cân nặng, kiểm soát căng thẳng và dùng thuốc hạ huyết áp theo đơn.

Nghe động mạch cảnh

Bạn có một cặp động mạch khá lớn, được gọi là động mạch cảnh ở hai bên cổ. Các động mạch cảnh cung cấp máu đến não. Bệnh của các động mạch này dẫn đến sự hình thành các cục máu đông có thể di chuyển đến các mạch não. Những cục máu đông này gây ra đột quỵ bằng cách làm gián đoạn lưu lượng máu đến các động mạch não. Bác sĩ kiểm tra động mạch cảnh bằng ống nghe. Nếu có dấu hiệu gợi ý bệnh lý động mạch cảnh, bạn có thể cần siêu âm động mạch cảnh, đo độ dày trung nội mạc động mạch cảnh hoặc chụp động mạch cảnh, để đánh giá thêm tình trạng bệnh lý của động mạch cảnh.

Đôi khi, nếu bệnh nặng, người bệnh cần phẫu thuật động mạch cảnh để ngăn ngừa đột quỵ.

Nồng độ chất béo và cholesterol máu

Nồng độ cholesterol và chất béo trong máu được đo bằng một xét nghiệm máu đơn giản.  Nếu nồng độ triglyceride và cholesterol LDL trong máu cao cũng là nguy cơ đột quỵ. Quá nhiều chất béo và cholesterol có thể dẫn đến bệnh mạch máu và góp phần hình thành các cục máu đông, gây đột quỵ và cơn đau tim.

Tuy vậy, nồng độ chất béo và cholesterol máu có thể kiểm soát được thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc.

Chỉ số đường huyết

Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gấp 2-3 lần và khả năng bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn so với những người không mắc bệnh đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường là một bệnh có thể điều trị được, có thể được quản lý bằng chế độ ăn uống, thuốc men hoặc cả hai.

Bản đánh giá tự chăm sóc bản thân một cách độc lập

Đây là một “bài tự kiểm tra” dễ làm nhưng có giá trị nhất định, vì giúp xác định xem bạn có thể tự chăm sóc bản thân thường xuyên hay không, thực hiện được hay không. Nội dung đánh giá bao gồm khả năng thực hiện các công việc như mặc quần áo, đánh răng, tắm rửa, tự chăm sóc vệ sinh cá nhân và tự ăn uống... Nếu các khả năng này bị suy giảm là một yếu tố dự báo đột quỵ. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu nhận thấy bạn hoặc người thân của bạn đang dần mất khả năng tự chăm sóc bản thân một cách độc lập.

Không thể đi bộ tốc độ nhanh

Một nghiên cứu khoa học từ Đại học Y khoa Albert Einstein đã xem xét tốc độ đi bộ của 13.000 phụ nữ cho thấy những người có tốc độ đi bộ chậm nhất có nguy cơ đột quỵ cao hơn 67% so với những người có tốc độ đi bộ nhanh nhất. Tốc độ đi bộ liên quan đến một số yếu tố như sức mạnh cơ bắp, sự phối hợp của cơ thể, sự thăng bằng và chức năng tim, phổi. Do đó, nếu bạn chỉ có thể đi bộ chậm dù muốn tăng tốc, thì đây là một “báo động đỏ” về nguy cơ đột quỵ tiềm ẩn. Cụ thể tốc độ đi bộ được nghiên cứu xác định: Tốc độ đi bộ nhanh là 1,24 mét/giây, tốc độ đi bộ trung bình là 1,06-1,24 mét/giây và tốc độ đi bộ chậm là chậm hơn 1,06 mét/giây.

Đứng trên một chân không quá 20 giây

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản đã kết luận rằng, khả năng đứng thăng bằng một chân lâu hơn 20 giây là một chỉ số giúp xác định khả năng bị đột quỵ của một người. Nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành không thể đứng trên một chân lâu hơn 20 giây thường có tiền sử đột quỵ im lặng.

Đột quỵ im lặng là đột quỵ thường không gây ra các triệu chứng thần kinh rõ ràng, nhưng chúng có thể có các tác động nhẹ hoặc không gây chú ý như suy giảm khả năng thăng bằng, trí nhớ và khả năng tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng bị đột quỵ im lặng, điều này thường có nghĩa là bạn có nguy cơ bị đột quỵ và bạn nên bắt đầu hành động để giảm khả năng bị đột quỵ trong tương lai.

Những thời điểm trong ngày dễ bị đột quỵ

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, biến thiên của huyết áp và độ đặc của máu trong 24 giờ có tác động đến sự hình thành đột quỵ, dẫn đến bệnh dễ khởi phát vào một số thời điểm nhất định trong ngày.

Thông thường, huyết áp của cơ thể xuống mức thấp nhất vào lúc khoảng 3 giờ sáng, sau đó tăng dần lên và tăng nhanh lúc người ta thức dậy vào buổi sáng. Lúc này cơ thể tiết ra hoóc-môn Adrenaline và các hoóc-môn gây căng thẳng khác, làm tăng áp lực máu và nhu cầu oxy. Sau một đêm, cơ thể đã mất đi một lượng nước tương đối lớn, máu trở nên keo đặc hơn, tim phải làm việc vất vả để bơm đẩy máu đi.

Một nguyên nhân khác liên quan đến đột quỵ buổi sáng là do lượng nitric oxit thấp vào lúc đó. Nitric Oxit (gọi tắt là NO) có vai trò quan trọng trong việc cầm máu. Nó tham gia vào hầu hết quá trình sinh học trong cơ thể như sự thức tỉnh, chức năng sinh dục, cảm giác đau, hài lòng, điều tiết máu và các chất dinh dưỡng… NO có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình lão hóa, mở rộng mạch máu tăng dòng chảy đưa oxy và các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Vào ban đêm, NO bị tiêu thụ nhiều nhất nên khi sáng sớm cơ thể dễ bị thiếu NO, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Khoảng thời gian từ 18 đến 19 giờ cũng là thời điểm huyết áp tăng cao. Qua thực tế, nhiều bệnh nhân nhập viện vào các thời điểm này. Tăng huyết áp khiến thành mạch máu bị tổn thương, thậm chí có thể vỡ ở những mạch máu nhỏ như mạch máu não, gây xuất huyết não hoặc hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu và dẫn đến đột quỵ. Khi tăng huyết áp sẽ tăng nhu cầu oxy cho cơ tim, các mảng xơ vữa động mạch vành có nguy cơ tổn thương, dễ bị rách vỡ, bong. Khi đó chúng kích hoạt tiểu cầu gây ra nhồi máu cơ tim cấp.

Mặt khác, độ đặc của máu cũng là một trong những tác nhân cơ bản hình thành đột quỵ. Độ đặc của máu có tăng theo một quy luật nhất định, từ 4 đến 8 giờ sáng là lúc máu đặc nhất, sau đó loãng ra. 12 giờ đêm là thời điểm máu loãng nhất rồi dần đặc lại. Vì vậy, những cơn đột quỵ thường xảy ra vào sáng sớm, là thời điểm máu đặc nhất.

Điều trị

Ngay khi vào viện bệnh nhân cần được khám lâm sàng, cận lâm sàng, xét nghiệm huyết học, ghi điện tim và đặc biệt là chụp cắt lớp điện toán (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định chính xác nguyên nhân, vị trí và mức độ tổn thương. Điều này có tính quyết định đối với thái độ điều trị.

- Nguyên tắc điều trị:

An thần, thở máy.

Cung cấp đủ oxy cho não.

Chống phù não.

Chống tăng huyết áp.

Thuốc có tác dụng làm tiêu cục máu đông.

Kiểm soát tình trạng đông máu của bệnh nhân.

Nuôi dưỡng tốt.

Chống loét.

Chống nhiễm trùng.

Phòng bệnh

Có nhiểu nguyên nhân khác nhau làm gia tăng nguy cơ mắc đột quỵ, trong đó các thói quen ăn uống, chế độ sinh hoạt cũng như đặc điểm tiền sử bệnh tật đóng vai trò rất lớn. Tùy theo đặc điểm cá nhân của mỗi người mà áp dụng các biện pháp như sau:

1. Biết bản thân có tăng huyết áp không: nên kiểm tra huyết áp ít nhất 1 lần mỗi năm nếu bình thường. Nếu tăng  huyết áp, khám điều trị để kiểm soát tốt huyết áp.

2. Khám tim xem có bị rung nhĩ hay các loại bệnh tim khác không. Nếu có vấn đề tim mạch phải khám điều trị ngay và thường xuyên.

3. Nếu hút thuốc lá, hãy bỏ ngay.

4. Nếu có uống rượu bia, chỉ uống rất điều độ tối đa 1 ly rượu nhỏ hoặc 1 lon bia mỗi ngày.

5. Nếu có tăng cholesterol: tập luyện, tiết chế ăn uống và uống thuốc theo toa.

6. Nếu có đái tháo đường: khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết thật tốt.

7. Năng vận động, tránh ngồi một chỗ, tập thể dục đều đặn.

8. Chế độ ăn ít muối (tránh ăn mặn), ít mỡ béo.

Vai trò của dinh dưỡng trong dự phòng đột quỵ

Kiểm soát lượng thức ăn của mỗi khẩu phần ăn

Ăn quá no có thể dẫn đến việc bổ sung nhiều calo hơn mức cần thiết. Nên dùng đĩa hoặc bát nhỏ để giúp kiểm soát khẩu phần ăn. Bổ sung nhiều hơn các loại thực phẩm ít calo, giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như trái cây, rau, và các phần nhỏ hơn các loại thực phẩm giàu calo và muối như thức ăn tinh chế, chế biến sẵn hoặc các loại thức ăn nhanh.

Ăn nhiều rau và trái cây

Rau và trái cây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất, giàu chất xơ và ít calo, chứa các chất có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Ăn nhiều trái cây và rau quả hơn có thể cắt giảm lượng thực phẩm có hàm lượng calo cao, chẳng hạn như thịt, pho mát và đồ ăn nhẹ.

Nên chọn bữa ăn có rau hoặc trái cây làm nguyên liệu chính, chẳng hạn như món rau luộc/xào hoặc trái cây tươi trộn thành món salad. Tuy nhiên, có một số loại rau và trái cây nên hạn chế: Dừa, rau với nước sốt kem, trái cây đóng hộp, đóng gói trong siro, trái cây đông lạnh có thêm đường…

Chọn ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng khác, có vai trò trong việc điều hòa huyết áp và sức khỏe tim mạch. Có thể tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn uống thay thế cho các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.

Hạn chế chất béo không lành mạnh

Hạn chế ăn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là một bước quan trọng để giảm lượng cholesterol trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ. Giảm lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn bằng cách chọn loại thịt nạc. Nên kiểm tra nhãn thực phẩm của một số bánh quy, bánh ngọt, kem phủ, bánh quy giòn và khoai tây chiên. Những loại thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa thường được ghi nhãn với cụm từ “hydro hóa một phần” trong danh sách thành phần.

Chọn chất béo lành mạnh

Chất béo không bão hòa đơn, như dầu ô liu hoặc dầu hạt cải. Chất béo không bão hòa đa được tìm thấy trong một số loại cá, quả bơ, quả hạch và hạt, cũng là những lựa chọn tốt để phòng tránh bệnh tim và đột quỵ. Khi được sử dụng thay cho chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có thể giúp giảm tổng lượng cholesterol trong máu. Nhưng bổ sung chất béo không bão hòa nên được duy trì ở mức điều độ bởi tất cả các loại chất béo đều chứa nhiều calo.

Chọn nguồn protein ít chất béo

Cá hồi có lượng axit béo omega-3 cao có thể làm giảm chất béo trong máu. Thịt nạc, thịt gia cầm và cá, các sản phẩm từ sữa ít béo và trứng là các nguồn cung cấp protein tốt nhất. Nên chọn sữa tách kem thay vì sữa nguyên chất và ức gà không da hơn là các miếng gà rán. Các nguồn thực phẩm khác là hạt lanh, quả óc chó, đậu nành và dầu hạt cải. Các loại đậu như đậu Hà Lan và đậu lăng cũng là những nguồn cung cấp protein dồi dào và chứa ít chất béo, không có cholesterol, là những thực phẩm thay thế tốt cho thịt.

Giảm muối trong khẩu phần ăn

Mặc dù giảm lượng muối thêm vào thức ăn là một bước cần thiết, nhưng phần lớn lượng muối đến từ thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn. Khi ăn thực phẩm tươi và món ăn tự nấu có thể làm giảm lượng muối ăn vào.

5 yếu tố của lối sống lành mạnh, ngừa đột quỵ là: Không hút thuốc, uống rượu vừa phải, chỉ khối cơ thể BMI<25, hàng ngày tập thể dục trong 30 phút và chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm 80% đột quỵ so với những người không đạt được

Thông Tin Cần Biết

Vì sao trời lạnh dễ đột quỵ?

Vì sao trời lạnh dễ đột quỵ?

Đột quỵ là bệnh nguy hiểm và ngày càng phổ biến ở lứa tuổi còn trẻ. Trong thời tiết lạnh như hiện nay càng làm tăng nguy cơ đột quỵ, vì sao lại như vậy?

Bệnh tim mạch khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY