Quy tắc sinh tồn nơi công sở: Vì sao đừng coi đồng nghiệp là bạn thân?

Ngày 27/06/2020 10:40 AM (GMT+7)

Không ít người nghĩ rằng khi thân thiện với đồng nghiệp, xởi lởi xem họ như là một người bạn tốt thì sẽ giúp cuộc sống ở môi trường công sở vui vẻ hơn mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này mang lại nhiều hại hơn là lợi.

Anh Vương nổi tiếng là một người bạn thân thiện. Mỗi buổi sáng khi đến công ty anh luôn là người chủ động chào hỏi mọi người trước tiên, lúc tan làm anh cũng là người nói lời tạm biệt. Vào buổi trưa, anh luôn là cây hài được mọi người thích nói chuyện cùng. Vì những điều đó, anh luôn tự hào bản thân được mọi người quý mến.

Người ta thường nói rằng "môi trường công sở nhìn vậy chứ phức tạp lắm", nhưng anh lại cảm thấy vui vẻ cả ngày dài ở công ty. Thế rồi đến một ngày, anh phát hiện ra mọi thứ chỉ là ảo ảnh giả tạo.

Anh Vương là người đàn ông rất có trách nhiệm với gia đình, khi nhận thấy thu nhập của mình không cao, lương vợ cũng không khá khẩm gì mà còn quá nhiều thứ phải chi tiêu, con anh cũng cần một tương lai tươi sáng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định nhảy việc để tìm công ty mới với mức lương cao hơn.

Ngày anh nộp đơn từ chức, anh chào hỏi mọi người như thường lệ thì họ vẫn mỉm cười với anh như thế. Chẳng ai nói lời chia tay hay tỏ ra buồn rầu khi anh không còn làm việc ở đây nữa, sau nụ cười xởi lởi họ lại vội vàng làm việc riêng của mình. Khi sắp bước chân ra khỏi cánh cửa phòng, anh thấy một đồng nghiệp cất tấm ảnh chụp cùng anh trong ngăn kéo, một người khác nhanh chóng ngồi vào chỗ ngồi của anh... Mọi thứ diễn ra trong bầu không khí quen thuộc nhưng chỉ có điều là không còn anh ở đây nữa.

Quy tắc sinh tồn nơi công sở: Vì sao đừng coi đồng nghiệp là bạn thân? - 1

Bước ra ngoài quầy lễ tân, cô nhân viên còn ngạc nhiên hỏi: "Ủa, anh chưa đi sao?". Lúc đó, anh thoáng buồn nhưng vẫn nở nụ cười gượng gạo mà không nói lại câu nào.

Anh Vương đem những lăn tăn trong suy nghĩ kể với người bạn thân của mình: "Liệu đồng nghiệp có thể trở thành bạn bè thực sự hay không?". Đáp lại câu hỏi của anh, bạn anh nói: "Mọi người đều đi làm kiếm tiền nuôi sống gia đình, coi nhau như đối tác làm việc nơi công sở. Sau cùng tốt nhất vẫn nên giữ khoảng cách đôi bên cùng có lợi trong công việc. Có thể khi bạn nói đùa câu gì đó với đồng nghiệp, nhưng nó lại được truyền tới tai sếp. Khi bạn đăng vài dòng than thở, ai đó đã nhanh tay chụp ảnh màn hình điện thoại gửi cho quản lý".

Vì sao đừng xem đồng nghiệp là bạn thân nơi công sở?

Amy Cooper Hakim, một chuyên gia tâm lý học người Mỹ cho biết: "Bạn không cần phải là người luôn nở nụ cười nơi làm việc. Bạn có thể muốn bản thân trở thành người tử tế hay chuyên nghiệp nhưng không cần phải chia sẻ với đồng nghiệp những bí mật sâu thẳm của mình, hoặc những ước mơ và mục tiêu mình hướng tới sau này".

Nơi công sở nhìn bên ngoài có lẽ là mơ ước của không ít người muốn làm việc. Thế nhưng khi sống và làm việc ở nơi đó một thời gian, bạn sẽ nhận thấy những góc khuất đằng sau những nụ cười thân thiện nơi công sở. Sau đây là những lý do khiến bạn cân nhắc có nên có một người bạn thân trong công ty hay không.

- Ảnh hưởng đến việc tăng thu nhập

Mọi người thường gọi đồng nghiệp là bạn bè, nhưng khái niệm bạn bè này có chút khác biệt. Thay vì cố gắng phát triển tình bạn chân thành, tốt hơn hết là bạn nên giữ mức độ hòa đồng với đồng nghiệp mà thôi.

Bạn có thể mua giúp bữa trưa trong lúc họ bận, nhưng không nhất thiết phải mời họ về nhà ăn thịt nướng, hoặc tham dự các sự kiện đặc biệt với gia đình mình. Ngoài ra, bạn cần lưu ý rằng những cuộc trò chuyện về tiền bạc sẽ tạo ra nhiều căng thẳng trong việc tăng lương thưởng sau này.

- Ảnh hưởng tới sự nghiệp thăng tiến

Ai cũng muốn được sếp chú ý và khen ngợi, do đó giữa đồng nghiệp với nhau có một sự cạnh tranh ngầm bên trong. Nếu 1 trong 2 người được thăng chức, chắc chắn sẽ có sự đố kỵ xảy ra, nhiều khi họ còn tức tối đến mức bày mưu hãm hại mình. Vì vậy, việc thiết lập ranh giới mối quan hệ là điều rất cần thiết.

Chia sẻ tham vọng của mình trong công việc với đồng nghiệp cũng có thể làm hỏng con đường thăng tiến của bạn. Chẳng hạn như trong trường hợp nếu bạn than thở với đồng nghiệp rằng mình không hài lòng với vị trí hiện tại, đang muốn nhảy việc, nhưng không lâu sau đó lại bất ngờ thông báo sẽ ở lại và được thăng chức. Điều này chỉ khiến đối phương cảm thấy phẫn nộ, ghen tức và thất vọng mà thôi.

Tình bạn giữa quản lý và cấp dưới còn khiến cho nhiều tình huống khó xử phát sinh. Là quản lý, bạn sẽ không thể thiên vị chỉ vì đó là bạn mình được, nhiều lúc còn khiến cho những người khác cảm thấy bất công.

Quy tắc sinh tồn nơi công sở: Vì sao đừng coi đồng nghiệp là bạn thân? - 2

- Ảnh hưởng đến những cảm xúc bản thân

Bạn thân là người có thể để bạn trút giận hay "xả lũ" những bực bội trong người bất cứ lúc nào, nhưng với đồng nghiệp thì đây lại là điều tối kỵ. Khi bạn thân thiết với đồng nghiệp, nghĩa là sẽ có những lúc họ sẽ bực bội chuyện gì đó về gia đình, bạn bè của họ, người yêu... và đem tất cả "trút" lên đầu bạn. Có thể ban đầu bạn ngại nên còn lắng nghe, về lâu dài họ nghĩ điều đó không vấn đề gì cả nên bạn sẽ rất khó chịu khi bị làm phiền như vậy. Trên thực tế chẳng có ai rảnh rỗi mà ngồi nghe than thở như vậy.

- Ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách xấu

Mọi người đi làm đều có những mục tiêu cho riêng mình, đó có thể làm kiếm được nhiều tiền hay được thăng chức này kia. Trong công ty, những con người mỗi ngày giáp mặt nhau đến 8 tiếng chẳng khác nào anh em trong nhà. Nếu không muốn bị cô lập trong một "chiếc hộp kín" này, nhiều người bắt đầu sống một cách giả tạo để làm hài lòng số đông. Sau một thời gian, họ vô tình trở thành một con người với đầy rẫy những tính xấu.

Quy tắc sinh tồn nơi công sở: Vì sao đừng coi đồng nghiệp là bạn thân? - 3

Có những người khi nghỉ việc thường làm một "tờ sớ" dài để bới móc, trách mắng công ty này nọ. Người ở lại gièm pha đủ kiểu người rời đi, rằng "con đó thế này, thằng kia thế nọ". Chủ đề này hầu như thường thấy sau mỗi lần thay đổi nhân sự.

Bạn không cần phải hùa theo với một số đồng nghiệp để "vạch lá tìm sâu", đằng nào người thì cũng đã rời đi, mà ngồi ở đây chê trách họ này nọ thì cũng chẳng giải quyết được gì cả, nếu không khéo lại mang tiếng là "chim lợn" trong công ty. Thay vào đó, bạn nên dành ra sự tôn trọng với người đó, kể ra một số ưu điểm của họ, chỉ có như vậy bạn mới chứng tỏ được bản thân mình khôn ngoan hơn.

Họa từ miệng mà ra, người khôn ngoan chớ dại nói 5 câu này với sếp
Giao tiếp trong môi trường công sở, đặc biệt là với cấp trên cần rất lưu ý trong cả cách nói và biểu cảm. Một lời nói bất cẩn của bạn hoàn toàn có thể...
Phan Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Công sở