“Nói xấu” cấp trên là một trong những chủ đề ưa thích của rất nhiều nhân viên. Tuy nhiên đã bao giờ bạn nghĩ rằng sự nghiêm khắc, khó chịu của sếp đến từ việc họ bị khó chịu bởi những hành động này của bạn chưa.
1. Lạm dụng nghỉ ốm
Nhân viên lạm dụng việc nghỉ ốm là một vấn đề khiến không ít nhà quản lý. Nhiều người cho rằng ốm là lý do hợp lý nhất để xin nghỉ vì cấp trên sẽ khó có thể từ chối, bắt một người trong tình trạng sức khỏe không đảm bảo đi làm.
Một cuộc khảo sát gần đây tiến hành trên 2.800 nhân viên và quản lý cho thấy 32% nhân viên thừa nhận đã ít nhất 1 lần lấy lý do bị ốm để dễ xin nghỉ vào năm ngoái. Thường thì vào thời điểm cuối năm, tình trạng này sẽ tăng cao hơn.
Theo một cuộc khảo sát khác được thực hiện bởi John Putzier, chuyên gia tuyển dụng nhân sự có trên 10 năm kinh nghiệm, cứ 3 nhân viên xin nghỉ ốm thì có 1 người chỉ là mượn cớ này để làm việc khác. Việc nhân viên đột xuất xin nghỉ vì lý do ốm sẽ khiến cấp trên gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch, lập dự án cũng như dự trù thời gian và chất lượng công việc.
2. Quản lý thời gian kém
"Đúng giờ là điều tối quan trọng", Rosalinda Oropeza Randall, một chuyên gia về nghi thức và phép lịch sự, đồng thời là tác giả của cuốn "Don't Burp in the Boardroom” (tạm dịch: Đừng ợ trong phòng họp) nhận định.
Đôi khi, món quà mà cấp trên muốn dành cho nhân viên của mình chính là chiếc đồng hồ mới với phần chuông báo thức thật to. Nhiều người nghĩ rằng vài phút, thậm chí vài chục phút đi muộn, nộp deadline muộn… là điều hết sức bình thường song điều này khiến cấp trên của bạn không hề thoải mái.
Hãy thể hiện sự chuyên nghiệp của mình bằng sự tôn trọng lãnh đạo, đồng nghiệp và chính bản thân mình. Việc liên tục để mọi người phải chờ đợi sự xuất hiện của bạn là mất lịch sự. Hãy đảm bảo ít nhất mình đến đúng giờ và sẽ tốt hơn nếu với những cuộc họp, sự kiện quan trọng, bạn nên đến sớm 10-15 phút.
"Điều chuyên nghiệp mà bạn cần làm là đến đúng giờ, sẵn sàng bắt đầu công việc một cách chủ động. Đừng đến muộn và làm như bạn sắp phải làm những việc thật tẻ nhạt do sếp giao”, Randall nói.
3. “Bà tám”, “thông tấn xã vỉa hè”
Trò chuyện phiếm nơi công sở là điều hết sức bình thường song khi bạn làm điều đó trong giờ làm việc và những câu chuyện không dừng ở mức vui vẻ, vô thưởng vô phạt mà là tọc mạch vào đời tư của người khác, bạn đã rơi vào “danh sách đen” của cấp trên.
Một nghiên cứu đã thống kê được rằng những vụ bê bối, scandal, yêu quý hay ghét bỏ các đồng nghiệp khác là những chủ đề được giới văn phòng chuộng bậc nhất trong những “bản tin vỉa hè”. 30% nhân viên sẵn sàng tiếp mọi chuyện dù không liên quan đến công việc của đồng nghiệp, 24% thậm chí không ngại góp mặt vào những câu chuyện nói xấu đồng nghiệp khác và 20% sẽ trở thành những chuyên gia phân tích khi các vụ bê bối được nhắc đến.
Tám chuyện, tung tin đồn… thể hiện rằng bạn đang thiếu sự tập trung vào công việc. Liệu có người cấp trên nào thích thú khi nhân viên của mình làm việc thì không đến nơi đến chốn nhưng lại rất hào hứng với chuyện “vỉa hè”.
4. “Rau mùi”
Đây là một vấn đề nhỏ song lại ảnh hưởng không hề nhỏ đến thiện cảm của cấp trên dành cho bạn. Sự thật thì nhân viên “rau mùi” là điều khiến cấp trên đau đầu và khó xử vì không biết phải nói thế nào.
Nhiều người không để ý hoặc không nhận thức được việc vệ sinh cá nhân của mình đang ảnh hưởng đến những người khác. Ở môi trường công sở, mùi hôi miệng, mùi chân hay mùi hôi nách là những vấn đề phổ biến nhất.
Đặc biệt với những bộ phận làm việc liên quan đến gặp gỡ, chăm sóc khách hàng, đây sẽ là điều khiến bạn bị mất thiện cảm với đối phương. Không cấp trên nào muốn cử một nhân viên “rau mùi” của mình tới gặp đối tác. Điều này có thể khiến đối tác cảm thấy khó chịu ở một mức độ nhất định và tìm cách nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện thay vì bàn luận để đi đến hợp tác.
5. Quá vô tư khi dùng điện thoại
Ngay từ việc nói chuyện, nhắn tin với gia đình, bạn bè trong giờ làm việc đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp. Trừ trường hợp cấp thiết, còn lại bạn nên giải quyết các công việc cá nhân vào giờ nghỉ.
Không người lãnh đạo nào tỏ ra vui vẻ được khi trong văn phòng làm việc của mình liên tục phát lên tiếng chuông điện thoại quá to của mọi người, sau đó là những cuộc điện thoại buôn đủ thứ chuyện từ trên trời đến dưới đất.
Tốt nhất, bạn nên để điện thoại ở chế độ rung hoặc chuông nhỏ và ra ngoài để nghe điện thoại, không làm ảnh hưởng đến không gian làm việc của người khác.
6. Bừa bộn, lười biếng
Dù bạn ở nhà hay ở công ty, trong bất kỳ môi trường nào thì bừa bộn, lười biếng cũng không được đánh giá cao. Ăn nhẹ bữa chiều với trà sữa, khoai tây chiên rồi rút nhanh về chỗ để lại “bãi chiến trường”, bỏ mặc phần bồn nước mà bạn vừa khiến nó bị tắc… bạn muốn ai sẽ là người dọn cho bạn?
“Để lại những mớ lộn xộn thể hiện sự thiếu trách nhiệm hoặc tính cách kiêu ngạo, thiếu chín chắn”, chuyên gia Randall chia sẻ. Theo cô, không gian làm việc cũng phần nào phản ánh con người bạn. Nếu bạn làm việc trong không gian chung với mọi người, việc để bàn làm việc quá lộn xộn, thậm chí lấn sang không gian của người khác, điều này rất thiếu chuyên nghiệp. Ít nhất hãy đảm bảo mình luôn dọn dẹp phần bản thân đã bày ra.
7. Luôn tiêu cực
Trong bất cứ mối quan hệ nào, không chỉ riêng quan hệ cấp trên - nhân viên nơi công sở, chuyện khác biệt quan điểm, tranh luận là hết sức bình thường. Tuy nhiên một người nhân viên luôn thể thiện thái độ tiêu cực với câu nói cửa miệng như: "Phương án đó sẽ không hiệu quả đâu", "Thực tế sẽ không như thế đâu", "Tôi không biết phải bắt đầu thế nào", "Tôi không thể"... sẽ khiến cấp trên nghĩ rằng bạn đang muốn chống đối, bất hợp tác.
Rosemary Haefner, giám đốc nhân sự của CareerBuilder, chia sẻ: “Không gì khiến bạn hao năng lượng bằng việc phải đối phó với một đồng nghiệp luôn bi quan. Mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra như ta mong đợi song hãy tập trung năng lượng vào những thứ tốt đẹp và điều bạn đã học được từ tình huống xấu."
Haefner cũng chia sẻ về kết quả một cuộc khảo sát gần đây của CareerBuilder, cho thấy 62% nhà tuyển dụng nói rằng họ sẽ ít khi cất nhắc những nhân viên có thái độ tiêu cực, bi quan.