Lê chưng, hạt sen hầm... là những món ăn rất tốt cho sức khỏe vào mùa thu khô hanh.
Phổi là cơ quan khá đặc biệt trong cơ thể con người, được gọi là một cơ quan khá "đỏng đảnh": Sợ khói bụi, sợ khô, ẩm, lạnh, nóng…. Đây cũng là "lá chắn" đầu tiên của cơ thể, bởi nó hứng mọi tác động từ bên ngoài. Khi phổi yếu, bạn có thể mắc nhiều bệnh như cảm, ho, sốt...
Sau mùa thu, mưa giảm, khí hậu khô hanh, nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ dễ mắc một số triệu chứng khó chịu như viêm phổi, ho và các bệnh khí quản khác. Do đó, mùa thu là thời điểm thích hợp để làm ẩm phổi, giúp phổi giảm thiểu nguy cơ tổn thương.
Vậy làm thế nào để ngăn ngừa khô phổi và làm ẩm phổi, cách đơn giản nhất là bắt đầu với chế độ ăn uống. Dưới đây là bốn công thức dưỡng ẩm phổi rất hữu dụng, ai cũng có thể áp dụng.
Lê chưng
Lê có thể chưng với xuyên bối mẫu - một loại thảo dược dân gian, được mua ở các nhà thuốc Đông y, kết hợp đường phèn. Món này làm ẩm phổi, giải đờm và giảm ho.
Cách làm: Rửa sạch lê, cắt bỏ vỏ, khoét một phần ruột quả lê. Cho vào đó một chút bột xuyên bối mẫu, lượng đường phèn thích hợp rồi cho phần lê đã khoét vào, sau đó cho vào nồi hấp cách thủy khoảng nửa tiếng là có thể ăn được.
Món lê chưng đường phèn rất tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Đường phèn ngân nhĩ
Ngân nhĩ còn gọi là mộc nhĩ trắng, bạch mộc nhĩ, bạch nhĩ tử, nấm bạc, là một loại nấm có tên khoa học là Tremella fucciformis Berk, thuộc họ ngân nhĩ. Loại nấm này khá giàu chất dinh dưỡng.
Theo Đông y, ngân nhĩ vị ngọt, tính bình, có công dụng tư âm nhuận phế, dưỡng vị sinh tân, thích hợp cho người suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, mắc các chứng bệnh đường hô hấp, tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não, người gầy, miệng khô họng khát, đầu choáng mắt hoa, lòng bàn tay và bàn chân nóng, hay đánh trống ngực, ngủ kém, tiểu tiện đại tiện khó...
Món ngân nhĩ đường phèn không chỉ thơm ngon, ngọt mà còn có độ sánh mịn. Ngoài ra, nó còn có tác dụng làm đẹp, làm mềm da.
Để làm món này, cần có ngân nhĩ, táo tàu, kỳ tử, đường phèn. Ngâm ngân nhĩ với nước, cắt bỏ phần gốc vàng sau khi ngâm, xé thành từng sợi nhỏ. Thêm một lượng nước thích hợp, cho ngân nhĩ và táo đỏ, kỳ tử đã rửa sạch vào nồi đun nhỏ lửa. Sau khi nấm chín, thêm đường phèn vừa ăn.
Cháo đường phèn, ngân nhĩ. (Ảnh minh họa)
Cháo củ mài, hạnh nhân
Món ăn này tuy bình dân nhưng tăng cường sinh lực cho trung tiêu và dưỡng khí, làm ấm trung tiêu và làm ẩm phổi.
Củ mài có vị ngọt, tính bình, có lợi cho việc chăm sóc sức khỏe phổi, điều hòa quá trình trao đổi chất, dưỡng ẩm cho da và thông ruột. Củ mài là một loại thực phẩm lành mạnh để nuôi dưỡng phổi từ xa xưa. Nên nấu củ mài cùng với hạnh nhân, có thể bồi bổ phổi và thận. Vào mùa thu hanh khô, một vài bát cháo củ mài là thích hợp nhất để xua đi cái hanh khô, thiếu ẩm.
Cách nấu: Rửa sạch củ mài, gọt vỏ, thái miếng rồi cho vào nấu cùng chút gạo, hạnh nhân... đến khi thành hỗn hợp cháo sền sệt. Nêm nếm gia vị vừa ăn.
Canh bách hợp hạt sen giúp an tâm, bổ phổi, dưỡng sức.
Theo Đông y, hoa bách hợp (hay còn gọi loa kèn) không chỉ để làm đẹp mà còn có tác dụng với sức khỏe. Loại hoa này chứa nhiều ancaloit, có tác dụng bồi bổ cơ thể, giúp phục hồi sức khỏe, giảm ho và giảm hen suyễn. Kết hợp với hạt sen rất giàu protein, canxi, sắt và các chất dinh dưỡng khác, giúp lưu thông khí huyết, bổ tỳ, bổ thận. Hoa bách hợp, hạt sen và ngân nhĩ kết hợp có tác dụng dưỡng ẩm cho phổi rất tốt.
Cách chế biến: Ngâm nấm với nước, cắt bỏ phần gốc vàng sau khi ngâm, xé thành từng sợi nhỏ. Hạt sen, hoa bách hợp rửa sạch và ngâm với nước. Thêm một lượng nước thích hợp, cho nấm trắng và hạt sen vào nồi, đun trên lửa lớn cho sôi rồi nấu trên lửa nhỏ khoảng 30 phút, cuối cùng cho hoa vào nấu khoảng 15 phút. Bạn có thể thêm đường phèn tùy theo sở thích.
Ngoài việc chú ý đến việc chống khô và giữ ẩm cho phổi bằng chế độ ăn uống, bạn nên ít ăn đồ cay, chú ý uống nước nhiều hơn, tập thể dục, mở cửa sổ để hít thở không khí trong lành, tăng cường lưu thông máu và chức năng hô hấp.