Bé gái 8 tuổi đột quỵ sau khi tắm, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu nhiều cha mẹ dễ nhầm lẫn

Ngày 05/05/2023 10:29 AM (GMT+7)

Tắm xong, bé gái ở Phú Thọ bỗng nhiên co giật, không thể tự mặc quần áo, liền được gia đình đưa đi cấp cứu và được chẩn đoán nhồi máu não... 

Ngày 4/5, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, theo lời kể của người mẹ, cháu Nguyễn Thị A (ở Cẩm Khê, Phú Thọ) vốn khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường. Hơn một tháng trước, sau khi tắm xong, cháu không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật. Gia đình đã đưa con đi sơ cứu tại trung tâm y tế huyện rồi chuyển tới Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, bé được chẩn đoán: Nhồi máu não nhân bèo trái không rõ nguyên nhân - Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải. 

Sau 9 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, bệnh nhi được chuyển về phục hồi chức năng tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng: Miệng còn méo, nói chưa tròn tiếng, nửa người bên phải yếu, đi lại sinh hoạt cần sự trợ giúp của người nhà, không thể tự đánh răng, rửa mặt, buộc tóc; cầm nắm đồ vật nhỏ rất khó; không thể viết chữ…

Bé 8 tuổi đột quỵ tập phục hồi chức năng vận động tại Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ. Ảnh: BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Bé 8 tuổi đột quỵ tập phục hồi chức năng vận động tại Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ. Ảnh: BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ. 

Sau 10 ngày tích cực điều trị tại Đơn vị Phục hồi chức năng, bệnh nhi đã hồi phục tốt: Miệng đã hết méo, ăn uống không rơi vãi, có thể tự đi lại, vui chơi mà không phải phụ thuộc vào dụng cụ trợ giúp hay người nhà hỗ trợ, hoạt động sinh hoạt hàng ngày bằng tay bên phải như đánh răng, rửa mặt, tự mặc quần áo, viết được chữ to tuy còn xấu…

Đột quỵ ở trẻ em - Khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác

Theo các bác sĩ, đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông của máu ở não bị tắc nghẽn làm chết những tế bào não ngay tại vùng bị tắc, còn những tế bào não ở vùng kế cận sẽ bị giảm lượng máu đến nuôi chúng. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ.

Nếu như đột quỵ ở người lớn có các dấu hiệu ban đầu điển hình dễ nhận biết như miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay… thì ở trẻ em dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường như: co giật, mất ý thức ngắn, hành động vụng về…

Đột quỵ não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngày càng trẻ hoá và để lại nhiều di chứng nặng nề. Trong đó, phổ biến nhất là các rối loạn vận động như liệt, không thể đi lại; các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt. khó vận động, ăn uống…

Việc chẩn đoán và điều trị chính xác đột quỵ não đồng thời phục hồi chức năng sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp kiểm soát và hạn chế tối đa các biến chứng. Nhờ đó thúc đẩy quá trình hồi phục của não bộ, các hoạt động chức năng cải thiện nhanh hơn và tốt hơn, góp phần giảm tỷ lệ tàn tật của đột quỵ gây ra và giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng sớm nhất và tốt nhất.

Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ khuyến cáo, phụ huynh khi thấy dấu hiệu bất thường của con, nên đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Một thói quen thể dục buổi sáng nhiều người tưởng tốt, bác sĩ cảnh báo: Dễ đột quỵ, kể cả người trẻ
Nhiều người trẻ chủ quan mình có sức khỏe nên không tuân thủ nguyên tắc tập luyện, từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ với cho cơ thể, nhất là bị đột quỵ.

Đột quỵ

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung - Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em