Khi phát hiện những triệu chứng của cúm H1N1, bệnh nhân nên nhập viện ngay để khám và điều trị.
Các bệnh nhân tử vong vì nhiễm cúm A/H1N1 thời gian qua là do bệnh nhân nhập viện trễ, tuyến cơ sở thiếu thuốc TamifluTheo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong số những bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 thời qua có nhiều bệnh nhân tử vong do nhập viện điều trị muộn.
Nhập viện trong vòng 48 giờ
Bệnh nhân đầu tiên tử vong do cúm A/H1N1 ghi nhận năm 2013 là một người đàn ông 46 tuổi, quê tỉnh Yên Bái bị sốt, ho nhưng chủ quan với sức khỏe vốn rất tốt của mình nên đã không đi khám. Sau 4 ngày có hiện tượng khó thở tăng dần, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, dù được thở máy, dùng Tamiflu nhưng diễn biến bệnh ngày càng xấu đi và bệnh nhân đã tử vong sau 2 ngày nằm viện. “Nếu bệnh nhân này nhập viện sớm hơn, được sử dụng thuốc Tamiflu sớm thì có thể đã có một tiên lượng tốt hơn” - bác sĩ Cấp nói.
Một số bác sĩ cho rằng nguyên nhân bệnh diễn tiến nặng và tử vong do cúm A/H1N1 ngoài lý do bệnh nhân tự mua thuốc điều trị, đến BV muộn, chuyển viện lòng vòng do bị chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác như lao, viêm phổi, còn do bệnh nhân không được sử dụng Tamiflu sớm. Tamiflu là thuốc kháng virus cúm nói chung chỉ phát huy tác dụng nếu được sử dụng trong vòng 48 giờ từ khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Như vậy, việc sử dụng Tamiflu phải được thực hiện ngay ở tuyến điều trị ban đầu khi người thầy thuốc nghi ngờ bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 hay H5N1. Tuy nhiên, ở các tuyến cơ sở, nhất là các tuyến xã - phường, việc tiếp cận Tamiflu được cho là khá khó khăn. Điều đó cũng cản trở việc bệnh nhân có chỉ định sử dụng bị chậm trễ trong tiếp cận thuốc điều trị.
Trước đó, trong tháng 4 và 5, tại tỉnh Lào Cai đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H1N1 tại huyện Bát Xát với 5 người mắc và một ổ dịch cúm khác tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai đã ghi nhận 46 trường hợp có biểu hiện bệnh cúm, trong đó nhiều mẫu xét nghiệm xác định nhiễm cúm A/H1N1. Khi xuất hiện 2 ổ dịch cúm nói trên, tỉnh Lào Cai có lượng khá lớn thuốc Tamiflu nhưng hết hạn sử dụng. Bộ Y tế đã cấp bổ sung cho tỉnh Lào Cai 500 viên Tamiflu. Tuy nhiên, báo cáo của Sở Y tế Lào Cai cho biết đến cuối tháng 5, số thuốc này chỉ còn 200 viên, không đủ để điều trị cho các bệnh nhân bị mắc cúm A.
Một bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 biến chứng do không được điều trị sớm bằng Tamiflu. (Ảnh chụp tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương)
Tamiflu đang mất tác dụng?
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, các ca nhiễm cúm thông thường đều có biểu hiện ho, sốt cao, khó thở, viêm đường hô hấp, mệt mỏi, đau đầu… Bệnh nhân phần lớn tự khỏi nhưng vẫn có một tỉ lệ nhất định diễn biến nặng thêm, gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp đe dọa tính mạng. Ngoài những trường hợp cúm nặng ở những người có thể trạng bình thường thì hầu hết rơi vào các trường hợp có nguy cơ cao là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp)... “Việc có ít nhất một yếu tố nguy cơ bệnh tật kèm theo làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn hoặc phức tạp hơn trong điều trị. Chính vì thế, những đối tượng này được chỉ định sử dụng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Nếu được sử dụng ở tuyến ban đầu theo chỉ định của bác sĩ thì chắc chắn số bệnh nhân nặng và biến chứng do nhiễm cúm A/H1N1 sẽ giảm” - bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Trước những lo ngại “vũ khí” quan trọng chống cúm A là Tamiflu sẽ mất tác dụng trong trường hợp xảy ra đại dịch, bác sĩ Hà cho rằng bất cứ loại thuốc nào dùng sau một thời gian cũng bị kháng. “Hiện giờ, các thuốc kháng virus như Tamiflu chỉ có hiệu quả nếu được sử dụng trong 48 giờ đầu, nếu mất đi “thời gian vàng” ấy, việc sử dụng các thuốc phối hợp cũng rất ít tác dụng đối với bệnh nhân bị biến chứng suy đa dạng do virus cúm. Đó là chưa kể với điều kiện giao lưu, đi lại như hiện nay, con người vẫn có nguy cơ nhiễm chủng virus kháng thuốc” - bác sĩ Hà cảnh báo.
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết mặc dù có những tranh cãi trong việc sử dụng thuốc kháng virus điều trị cúm A nhưng đến thời điểm này, Tamiflu vẫn là thuốc được cấp phát miễn phí. Với những trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm, giới chuyên môn không khuyến cáo tự mua thuốc điều trị hay dự trữ thuốc Tamiflu tại nhà mà nên đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh. Mặc dù cúm là thể bệnh lành tính nhưng có tỉ lệ tử vong đáng kể nên người mắc bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao không nên chủ quan. Vừa qua, nhiều trường hợp nhiễm cúm đến điều trị đã qua 4-5 ngày kể từ khi khởi bệnh, khi bệnh đã nặng mới nhập viện, dễ dẫn đến tử vong.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Phòng Quản lý kinh doanh dược Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, hiện ngoài nguồn thuốc Tamiflu nhập khẩu và cung cấp cho các BV để điều trị miễn phí cúm A thì thuốc kháng virus Tamiflu dạng viên nén, viên nang, bột pha hỗn dịch đã được cấp đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu
Virus cúm A, nhất là cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang..., tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và sống được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại virus này đặc biệt có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22oC và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0oC.