Trong lần khám cuối cùng, Khánh Sang vẽ một bức tranh có hình bác sĩ khám cho mình, quàng tay ôm cổ và hôn má bác sĩ Triết. Hành động đơn giản của một đứa trẻ mắc tự kỷ làm cho vị bác sĩ tan chảy, rơi nước mắt trước bệnh nhân.
Mẹ trầm cảm chăm con tự kỷ
Theo Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), rối loạn phổ tự kỷ (gọi tắt là tự kỷ) là một rối loạn phát triển thần kinh phức tạp, có các khiếm khuyết hành vi đặc trưng trong 3 lĩnh vực như tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không lời, hành vi rập khuôn lặp đi lại. Đây là rối loạn được phỏng đoán có nguyên nhân từ những hoạt động bất thường của hệ thần kinh, làm cho khả năng phát triển trên các mặt ngôn ngữ, hành vi và các ứng xử của cá nhân ấy bị giới hạn, hoặc sai lệch.
Theo bác sĩ Triết, nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ đã rơi vào trầm cảm, khủng hoảng và bế tắc.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nước ta có khoảng 1% trẻ mắc chứng tự kỷ. Ths.BS Phạm Minh Triết, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết từng khám và điều trị cho bệnh nhi mắc tự kỷ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, điều anh nhận thấy, rất nhiều phụ huynh đã rơi vào trầm cảm, khủng hoảng, bế tắc khi biết con mình mắc rối loạn này. Nhưng sau đó, họ đã dần đứng lên, cùng con vượt qua chặng đường dài điều trị và hòa nhập.
Bác sĩ Triết kể về trường hợp bé trai tên Khánh Sang, đến khám vì mắc chứng tự kỷ khi 5 tuổi từ nhiều năm trước khiến anh nhớ mãi. Khánh Sang được bà ngoại và mẹ đưa đi khám. Lần đầu gặp bác sĩ Triết, cậu bé ngờ nghệch, không nói mà chỉ la hét và tự làm theo ý mình. “Lần gặp này, giữa chúng tôi không có tiếng cười, chỉ là nỗi buồn và nước mắt”, bác sĩ Triết mở đầu câu chuyện.
Trò chuyện với người nhà, bác sĩ Triết biết được, Khánh Sang được chẩn đoán bị tự kỷ khi em mới 3 tuổi. Cũng vì điều này, cuộc hôn nhân của cha mẹ em dần lục đục rồi dẫn đến ly hôn. Sau đó, mẹ cậu bé bị trầm cảm vì phải một mình nuôi con trong lay lắt.
“Lần đầu gặp tôi, mẹ Khánh Sang ngồi sát vào góc tường, đầu luôn cúi xuống đất. Chị chỉ trả lời khi được hỏi với giọng lí nhí”, bác sĩ Triết nhớ lại.
Ngược lại, bà ngoại Khánh Sang là người mạnh mẽ và quyết đoán. Bà cho biết, trước đó giữa bà và mẹ Khánh Sang xảy ra mẫu thuẫn, vì vậy hai mẹ con gần như từ mặt nhau. Sau đó, bà không biết con gái đang ở đâu, cuộc sống ra sao. Khi nghe tin của con gái và cháu ngoại, bà mới liên hệ với người quen đi tìm con và cháu về. “Hai mẹ con nó như vậy, một phần cũng có lỗi của tôi. Bây giờ, dù rất bận nhưng tôi sẽ giúp con, cháu”, bà nói với bác sĩ Triết.
Sau nửa năm được điều trị tự kỷ, bé Khánh Sang có thể nói được câu dài, vẽ được hình người. Mẹ bé cũng vui vẻ chơi cùng con khi đi tái khám.
Khánh Sang được điều trị tự kỷ bằng thuốc giúp giảm các biểu hiện tăng động đi kèm và can thiệp chuyên biệt thông qua sự trợ giúp của bà ngoại, mẹ và các giáo viên chuyên biệt.
Bác sĩ Triết cho biết, sau hơn nửa năm chữa trị, với sự nỗ lực của gia đình và sự hướng dẫn hỗ trợ của tập thể khoa, Khánh Sang đã nói được câu dài 3 từ, biết vẽ hình người, hợp tác khá với mọi người xung quanh. Lần tái khám nào sau đó, giữa người nhà bệnh nhi và bác sĩ cũng tràn ngập tiếng cười.
“Lúc nào đưa con đến tái khám, mẹ bé cũng ngồi kế bên con trai, vừa chơi với con vừa kể cho bác sĩ nghe về những tiến bộ của Khánh Sang. Còn bà ngoại vẫn điềm đạm, vẫn yêu cầu chúng tôi mang những điều tốt nhất cho cháu ngoại. Nhưng nội dung câu chuyện là những tiến bộ của cháu ngoại với giọng điệu hạnh phúc, pha chút tự hào”, bác sĩ Triết chia sẻ.
Bác sĩ Triết cho biết, trong suốt quá trình khám và điều trị cho bệnh nhi, ngoài làm công việc chữa bệnh, anh luôn tạo sự kết nối thân thiện với các bé và người nhà. Chính điều này đã có sự gắn kết đặc biệt, giúp các bệnh nhi thấy mình được yêu thương từ người lớn, từ đó giúp các em dễ dàng hợp tác trong suốt quá trình điều trị bệnh hơn.
Với Khánh Sang cũng vậy. “Cậu bé này lại cùng tên với người bạn thân đã mất vì ung thư của tôi”, bác sĩ Triết nói. Chính vì điều này, bác sĩ Triết càng gắn kết với cậu bé hơn.
Hiện bác sĩ Triết đã sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhưng hình ảnh trong buổi khám cuối cùng cho bé Khánh Sang khi còn ở Việt Nam anh vẫn không thể nào quên.
Lần tái khám cuối cùng của Khánh Sang cũng là ngày bác sĩ Triết thông báo nghỉ việc, rời Việt Nam đi định cư ở nước ngoài. Nghe tin, không chỉ bé trai, mà bà ngoại và mẹ bé điều vừa không muốn tin vừa buồn. Chính bản thân bác sĩ Triết cũng không muốn có cuộc chia tay với bệnh nhi này, nhưng theo anh đó cũng là điều hạnh phúc, bởi tình trạng rối loạn của bé có tiến triển rất tốt.
“Sau khi nghe tôi nói sẽ nghỉ việc, không khí ở phòng khám chợt chùng xuống”, bác sĩ Triết nhớ lại. Ngay sau đó, Khánh Sang được bà ngoại hướng dẫn vẽ một bức tranh tặng bác sĩ.
Với đôi tay nhỏ bé, cậu bé nhanh chóng hoàn thành bức tranh có hình ảnh bác sĩ đang khám bệnh cho mình. “Lúc cậu bé đưa tranh cho tôi, dù có chút rụt rè nhưng có nụ cười vô cùng hồn nhiên. Sau đó, bé quàng tay vào cổ tôi và hôn mạnh vào má tôi. Lúc đó, sự vững chãi của một vị bác sĩ điều trị cho bệnh nhân trong tôi như vỡ ra từng mảnh.
Tôi khóc trước mặt bệnh nhân như những ngày đầu tiên tôi dấn thân vào nghề tâm lý. Chỉ khác là những ngày đầu tiên tôi phải học cách bình tâm để hỗ trợ thân nhân ở mức độ chuyên nghiệp nhất, còn lần này giống như sự chia tay với những người thân”, bác sĩ Triết nói. Anh cũng cho biết, đây là ảnh đẹp nhất trong suốt những năm khám và điều trị cho các bệnh nhi không may mắc các vấn đề về tâm lý khi đang làm việc ở Việt Nam của mình.
i